Vẹn nguyên tình cảm thiêng liêng

Tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện về những giáo viên ngày đêm miệt mài, tận tụy đưa con đò, chở nhiều thế hệ học sinh vượt dòng sông tri thức để đến với thành công. Mỗi câu chuyện đều để lại cho tôi nhiều cảm xúc, bởi ẩn sâu trong đó là tình cảm thiêng liêng mà các thế hệ học trò dành tặng các thầy, cô.

Ông Trương Ngọc Dược giữ gìn những xuất bản phẩm thầy Ma Văn Kháng gửi tặng.

Tâm sự của người trò đã “ngoại thất thập”

“Học cho ra học, làm việc cho ra làm việc và điều quan trọng sống phải chính trực, phải có tình yêu thương” là lời dạy của thầy Ma Văn Kháng mà ông Trương Ngọc Dược, cán bộ hưu trí Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam đã mang theo suốt cuộc đời. Ông Dược coi đó là “kim chỉ nam” cho cuộc sống của mình để biết vươn lên trong gian khó, để biết không tự mãn trước thành công, để sống thẳng ngay và yêu thương mọi người. Năm nay, trò Dược đã hơn 70 tuổi, còn thầy Ma Văn Kháng sắp tròn tuổi 80. Tình cảm thầy, trò vẹn nguyên, đong đầy theo năm tháng.

Ông Trương Ngọc Dược là một trong những người thuộc lớp học trò đầu tiên của thầy Ma Văn Kháng, từ khi thầy bước vào nghề và giảng dạy tại Trường cấp 1 - 2 Lào Cai.

Ngày đó, ông Dược là học trò nghèo, ở Quang Kim (Bát Xát) ra thị xã Lào Cai (nay là thành phố Lào Cai) ở trọ và học tập. Thầy Kháng dạy ông suốt những năm học cấp 2. Ông Dược là học trò sáng dạ, được thầy động viên, khuyến khích, đã vươn lên học giỏi nhất lớp. Nay tuổi đã cao, ông Dược không còn nhớ được nhiều chuyện xưa, nhưng có một kỷ niệm ông nhớ mãi, đó là lần thầy Kháng cùng cả lớp đi bắt sâu hại lúa, giúp đồng bào ở thôn Làng Nhớn, xã Cam Đường. Ban đêm, thầy và các trò cùng ngủ tại sân đình bên cạnh dòng suối, cùng nhau tâm sự và kể chuyện vui. “Thời đó đi học không đúng tuổi, học sinh chỉ kém thầy 5 đến 7 tuổi, thầy nói, thầy coi học sinh như các em mình. Điều tiếc nuối nhất đối với tôi đó là cuốn lưu bút có những tâm sự của thầy đã bị mất. Tôi chỉ còn nhớ được dòng chữ cuối cùng chan chứa tình cảm của thầy khiến tôi nghẹn ngào khi đọc: “Dược ơi, đi nhé, đừng buồn!”- ông Dược chia sẻ.

Trong tâm trí của ông Dược, thầy Kháng là người thầy mẫu mực và yêu thương tất cả học trò. Thầy không chỉ dạy cho học trò kiến thức, mà còn giúp học trò nên người bằng những bài học đạo đức với mẹ, cha, với anh em, bè bạn, trách nhiệm với quê hương, đất nước. Với ông, thầy Kháng còn là người anh, người bạn, cùng chia sẻ buồn, vui trong cuộc sống. Trải qua bao thăng trầm, bom đạn chiến tranh, bao lần trùng phùng rồi lại xa cách, nhưng sợi dây tình cảm kết nối tình thầy, trò giữa ông và thầy Kháng vẫn luôn bền chặt. Đó là những lần đạp xe vượt đường rừng thăm thầy, thăm trò; là những cánh thư thăm hỏi, động viên giàu cảm xúc khi thầy Kháng chuyển về Hà Nội sống và làm việc. Giờ đây, khi tuổi đã cao, không đi thăm thầy thường xuyên được, ông Dược vẫn giữ liên lạc với người thầy kính yêu bằng điện thoại di động.

“Tôi mới về Hà Nội, vợ chồng tôi đến nhà thăm thầy. Thầy Kháng năm nay đã yếu hơn, tóc đã bạc trắng, gầy guộc nhưng đôi mắt vẫn sáng ngời. Thầy tặng tôi tập truyện ngắn xuất bản gần đây nhất là tập truyện “Bông hồng vàng”- ông Dược hạnh phúc chia sẻ.

Bàn tay đầy những nếp nhăn của ông Dược vuốt ve, trân trọng dòng chữ thầy Kháng đề tặng: “Rất thân và quý tặng Dược và gia đình”. Ông Dược còn giới thiệu với chúng tôi rất nhiều xuất bản phẩm khác của nhà văn Ma Văn Kháng gửi tặng, được ông giữ gìn cẩn thận, như tập “Hoa nở vườn đêm”, “Trăng soi sân nhỏ”, “Người đàn bà chơi vỹ cầm”... Kể về những tác phẩm tâm đắc, ông nói: “Truyện đời, truyện người trong các tác phẩm của thầy tôi sâu sắc, hấp dẫn, nhân văn lắm! Không học thầy nữa, nhưng tôi lại đọc văn của thầy để có những bài học, để sống tốt hơn. Biết cảm ơn thầy sao cho hết!”.

Vượt gần hai nghìn cây số tìm thầy

8 năm trước, có một phụ nữ đã vượt gần hai nghìn cây số từ Thành phố Hồ Chí Minh về Lào Cai tìm lại thầy cô, bạn bè sau 30 năm xa cách. Trong câu chuyện về hành trình của bà Trần Thị Hằng, một dược sỹ của Bệnh viện Nhân dân 115 nay đã nghỉ hưu, tôi ấn tượng nhất với việc tìm thầy giáo Đỗ Doanh Đạt, trước đây là giáo viên chủ nhiệm cấp 3 của bà.

- “Em là Hằng, học thầy ở Trường cấp 3 thị xã Lào Cai, đứa học trò nhà nghèo, hay ngủ gật trong lớp đây thầy”.

Thầy ngỡ ngàng nhìn, rồi vẫn nhận ra tôi: “Trần Thị Hằng? Hằng ở Bát Xát đúng không?”

-”Vâng, thầy ơi...!”.

Khung cảnh ấy như hiện lên trước mắt tôi. Hai thầy trò mừng tủi ôm chầm lấy nhau, những giọt nước mắt, nụ cười và cái nắm tay thật chặt đều xuất phát từ nỗi nhớ thương đã dồn nén từ lâu. Bà Hằng chia sẻ: Hai thầy trò ôn lại kỷ niệm xưa, dẫu đã dạy bao lớp học trò, nhưng thầy vẫn nhớ tên, tuổi, đặc điểm của từng thành viên trong lớp tôi hồi đó. Năm nay thầy đã 72 tuổi, đang ở cùng gia đình tại xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Thầy đã già, tóc bạc nhưng vẫn minh mẫn lắm, mỗi lần gọi điện hỏi thăm sức khỏe thầy, giọng thầy vẫn sang sảng, vui vẻ và thường động viên tôi. Tìm được địa chỉ thầy Đạt cũng đầy khó khăn, khi tôi về lại Lào Cai, tìm bạn bè, nhưng trong số bạn bè không ai có tin tức của thầy. Tôi may mắn gặp được thầy là nhờ qua nhiều mối quan hệ, tìm lại được một số người bạn đang sống ở Hà Nội.

Sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo khó, cô bé Hằng cao, gầy ngày ấy cố gắng để được ra thị xã học tập cùng các bạn. Là con gái cả, sau buổi sáng đi học về, Hằng phải giúp bố mẹ làm việc đồng áng và tối đi chặt mía, bó mía vác  lên xe, bán cho nhà máy đường. Biết được hoàn cảnh gia đình của học trò Hằng, thầy giáo Đạt đã luôn động viên, dành nhiều thời gian hơn để giảng bài, hướng dẫn cô học trò bền chí. Có lần không thấy Hằng đến lớp, thầy giáo Đạt đã không quản đường xa, đạp xe vào Bát Xát tìm nhà và động viên cô quay lại lớp.

Bà Hằng kể lại những kỷ niệm đầy cảm động: Do phải làm việc nhiều nên thời gian học của tôi rất ít, buổi tối hôm đó, sau khi bó mía xong mệt quá nên tôi ngủ quên và không làm bài tập. Giờ Toán hôm sau, thầy kiểm tra vở, tôi chỉ biết đứng lên “lí nhí” nói xin lỗi. Nhưng thầy đã xoa đầu cho tôi ngồi xuống và nói giờ ra chơi thầy sẽ hướng dẫn thêm để làm bài. Hôm đi học sớm, gặp thầy, thầy cho tôi nắm cơm với muối vừng. Thầy thương tôi đi đường xa mà bụng đói đến lớp. Với tôi, thầy như người cha, tôi luôn biết ơn và kính yêu.

Vừa qua, hội khóa 1972 - 1975 được tổ chức tại Lào Cai, bà Hằng đã có mặt và hẹn các bạn trong lớp cùng đến thăm thầy chủ nhiệm. Trong cuộc điện thoại báo với thầy tin vui ấy, tôi có nghe câu nói thân thiết của bà: Thầy ơi, thầy khỏe mạnh để đón chúng em về!

Dẫu là khoảng cách về địa lý hay thời gian cũng không thể ngăn được bước chân, tấm lòng của những người trò tìm về với thầy, cô giáo. Niềm tri ân có thể không nói được thành lời, nhưng qua ánh mắt, nụ cười và hơn hết là sự trưởng thành, hạnh phúc của những người trò sẽ là niềm vui lớn nhất đối với những người làm nghề giáo viên cao quý.

 

Theo Phương Thảo/LCĐT

Tin Liên Quan

Càng gian khó, càng đoàn kết như anh em ruột thịt

Cách đây 66 năm, ngày 23/9/1958, tại sân Tỉnh ủy, khi trò chuyện với cán bộ, công nhân, chiến sĩ, Nhân dân, kiều bào ta đang sinh sống tại Hà Khẩu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Ngày nay, dưới chế độ dân chủ cộng hòa của chúng ta, các dân tộc bất kỳ to hay nhỏ đều là bình đẳng, đều là...

Hơn 271 tỷ đồng ủng hộ người dân khắc phục hậu quả thiên tai

Theo thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đến 15h ngày 22/9/2024, Ban vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận đăng ký và ủng hộ của trên 6000 tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp với số tiền 271,9 tỷ đồng (trong đó Quỹ cứu trợ Trung ương là 180 tỷ đồng; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm là...

Ưu tiên số 1 là sắp xếp nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại hoàn toàn do hoàn lưu bão số 3

Đó là chỉ đạo của đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp về một số nội dung liên quan đến phương án khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh diễn ra chiều 22/9.

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...