Miền đất lưu giữ “hồn quê”

Nằm giữa đôi bờ sông Hồng, sông Chảy, huyện Bảo Yên hấp dẫn du khách bởi những làng quê xinh đẹp, thanh bình, no ấm. Ẩn sâu trong đó là những nét duyên văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Chỉ một điệu đàn tính, một lời hát then, vài đường kim, mũi chỉ trên thổ cẩm cũng làm say đắm bao người.

In dấu thời gian…

Bản Nà Khương, xã Nghĩa Đô yên bình dưới những đồi cọ xanh mướt. Là nơi cư ngụ của đồng bào Tày nên du khách khi chạm chân đến đầu bản đã thấy những ngôi nhà sàn thấp thoáng. Đón chúng tôi ở chín bậc cầu thang là các chị em của tổ làng nghề thổ cẩm thôn Nà Khương. Đang mùa gặt nhưng nghe nói có khách phương xa tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm, chị em vui lắm, ai cũng cố gắng sắp xếp công việc, thời gian để có cơ hội giới thiệu về quê hương mình. “Chị em trong tổ dệt thổ cẩm chưa thực sự nhuyễn nghề thêu may nhưng mong muốn lưu giữ giá trị truyền thống nên vẫn cố gắng thôi. Mỗi ngày dệt một chút. Người biết nhiều chỉ cho người chưa biết, thêu chưa đẹp thì học cho đẹp hơn…”, chị Hoàng Thị Lan, thành viên của tổ nói với chúng tôi trong khi đôi tay vẫn lươn lướt dệt thổ cẩm. Có lẽ chị Lan khiêm tốn bởi nhìn những đôi tay thoăn thoắt để làm nên đường nét hoa văn sống động trên nền vải cũng đủ biết sự tinh tế của phụ nữ làng nghề.

Phụ nữ tổ làng nghề thổ cẩm thôn Nà Khương, xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) chia sẻ kinh nghiệm dệt thổ cẩm.

Ngược dòng thời gian, theo phong tục của người Tày, người con gái khi về nhà chồng phải mang theo nhiều chăn, gối, đệm, bởi vậy mà ngay từ khi còn nhỏ, các em gái đã được người lớn tuổi truyền dạy nghề dệt. Cũng từ đó mà việc dệt thổ cẩm trở thành “thước đo” đánh giá sự khéo léo, một phần phẩm hạnh của phụ nữ và là tiêu chí quan trọng khi cánh mày râu tìm bạn trăm năm. Giờ đây, hàng may mặc hầu hết là sản xuất công nghiệp và luôn có sẵn trên thị trường, đa phần phụ nữ Tày không còn kẽo kẹt thoi đưa bên khung cửi ngày đêm, lớp trẻ vì thế cũng mai một nghề truyền thống. Đau đáu nghề xưa với nỗi lo bản sắc văn hóa của dân tộc hao mòn, một số chị em ở Nghĩa Đô đã thành lập mô hình làng nghề thổ cẩm gồm 2 tổ ở bản Nà Khương và Bản Giàng.

Ban đầu, mỗi tổ chỉ có vài ba người, chủ yếu là người lớn tuổi, dần dà mỗi tổ có gần chục người, trong đó có nhiều người trẻ. Người biết dạy người chưa biết, đến nay tất cả chị em tham gia mô hình đã biết các kỹ năng dệt cơ bản. Chị Hoàng Thị Sách tâm sự: Ngày bé, mỗi lần mẹ se sợi dệt thổ cẩm, mình đều tò mò làm theo, nhưng để thành thạo các công đoạn thì không dễ dàng gì. Ví như trước khi lên khuôn để đưa thoi dệt, người làm cần dàn sợi dọc, cài go tạo hoa văn. Đây là khâu rất quan trọng quyết định sự chuẩn xác và độ đẹp của tấm thổ cẩm và cũng rất khó làm. Từ khi vào tổ làm cùng các cô, các chị, mình được chỉ dạy và giờ thì đã làm thuần thục.

Phụ nữ xã Nghĩa Đô giữ nghề truyền thống.

Nghĩa  Đô đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá bản làng. Dệt thổ cẩm giờ không chỉ là sản phẩm dùng trong gia đình mà còn trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương. Chị Ma Thị Tắt, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Đô tâm sự: Trong tương lai không xa, mô hình làng nghề không chỉ là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, mà sẽ trở thành nơi giúp chị em phát triển nghề hàng hóa, đem lại thu nhập bền vững cho gia đình.

… cho muôn đời sau

Gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống đã và đang được các địa phương chú trọng, trong đó đưa vào giáo dục tại các trường học được xem là tối ưu. Bởi bồi đắp tri thức, đời sống văn hóa dân tộc cho lứa tuổi học sinh, những chủ nhân tương lai sẽ giúp những giá trị ấy sống mãi. Cùng chung mong muốn ấy, bao năm nay, trong các giờ hoạt động ngoại khóa, Trường Tiểu học số 1 xã Kim Sơn đều có những chủ đề liên quan đến bản sắc văn hóa dân tộc, như ẩm thực, lao động, văn hóa dân gian truyền thống…

Phụ nữ xã Vĩnh Yên bảo tồn làn điệu khắp.

Khi chúng tôi đến, cả sân trường nhộn nhịp. Hôm nay, theo lịch hoạt động, nhà trường tổ chức sinh hoạt ngoại khóa buổi chiều cho các em. Sau màn đồng diễn múa, hát tập thể, học sinh về các khu vực hoạt động của mình ở sân trường, đếm sơ sơ cũng trên chục nhóm. Nhóm gói bánh, nhóm làm gùi, nhóm múa hát các điệu dân ca, dân vũ, nhóm chơi các trò chơi dân gian... Mỗi nhóm đều có các cô, các bác là người địa phương sinh hoạt cùng.

Chị Hoàng Thị Diện có con học tại ngôi trường này đang hướng dẫn nhóm học sinh học cách gói bánh chưng truyền thống của đồng bào Tày. Với kinh nghiệm của bản thân, chị truyền dạy cho các em là con, cháu mình cách làm bánh, từ khâu chọn lá, ngâm gạo, tạo nhân, gói bánh đẹp, đúng cách đến cách thưởng lãm bánh sao cho đúng bản sắc văn hóa… Những đôi mắt nhỏ xinh cứ nhìn không chớp mắt vào đôi tay gói bánh nhuần nhuyễn của chị. Kế đó là phần thực hành, mỗi cháu sẽ chọn cho mình các vật liệu cần thiết rồi làm như vừa được “chuyên gia” hướng dẫn. Chị Diện bộc bạch: Tôi thường được nhà trường mời đến tham gia hoạt động cùng các cháu trong các buổi ngoại khóa. Tùy theo nội dung hoạt động của nhà trường, với kinh nghiệm của bản thân, tôi chia sẻ cách làm và thực hành luôn cùng các cháu.

Cô Trần Thị Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Kim Sơn cho biết: Là người địa phương, chị Diện cũng như nhiều phụ huynh hiểu rõ những nét đẹp văn hóa dân tộc mình nên việc mời ai nói chuyện, hướng dẫn môn ngoại khóa, kỹ năng sống là do Ban đại diện phụ huynh lựa chọn. Nhà trường lấy đây là kênh kết nối quan trọng với phụ huynh và luôn coi trọng việc hướng dẫn, tạo điều kiện để học sinh được tiếp cận với trò chơi dân gian, tìm hiểu nét đẹp văn hóa dân tộc để học sinh thêm yêu trường, mến bạn, say mê học tập.

Nói về nội dung này, bà Ngô Hồng Thắm, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Bảo Yên khẳng định: Tổ chức các giờ ngoại khóa trong trường học phổ thông có nội dung tìm hiểu truyền thống văn hóa dân tộc thông qua các nghệ nhân luôn được các cấp hội phụ nữ huyện Bảo Yên ủng hộ, bởi đó là con đường tốt nhất để lưu giữ, phổ biến truyền thống, bản sắc, các nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc huyện Bảo Yên đối với thế hệ trẻ.

Theo Tô Dung/LCĐT

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.