Rừng Hồng trà trên núi thiêng

Lần đầu lên Ngải Thầu Thượng, bản Mông trên núi Ma Cha Va, nơi được xem là bản Mông cao nhất Việt Nam, tôi được “mắt thấy, tai nghe” những câu chuyện đầy bí ẩn về sự tích ao tiên và rừng hồng trà, bạch trà chỉ có ở đây. Những tưởng đó chỉ là truyền thuyết, nhưng anh Lồ A Sính, Chủ tịch UBND xã Ngải Thầu khẳng định ngọt như “dao chém chuối” rằng hồng trà, bạch trà và ao tiên đều có thật.
Một góc bản Mông Ngải Thầu Thượng, xã Ngải Thầu.

“Kho báu” ở Ma Cha Va

Thôn Ngải Thầu Thượng, xã Ngải Thầu (Bát Xát) nằm trên núi Ma Cha Va, nơi có độ cao trên 2.100 m so với mực nước biển. Người Mông ở đây bảo rằng, những khi có tuyết rơi thì trên đỉnh Fansipan và Ma Cha Va tuyết rơi trước những nơi khác, còn bình thường, nhiệt độ trên này bao giờ cũng thấp hơn thành phố ít nhất 10 độ C. Từ hàng trăm năm nay, núi Ma Cha Va, đỉnh núi thiêng vẫn lưu giữ những câu chuyện đầy huyền bí mà đến giờ vẫn chưa ai giải mãi được. Một trong những câu chuyện kỳ thú nhất đó là ao tiên và rừng hồng trà.

Thì ra ngay trên núi này, từ lâu đã có một ao nhỏ nằm lọt thỏm giữa rừng cây cổ thụ. Anh Lồ A Sính, Chủ tịch UBND xã Ngải Thầu bảo: Theo truyền thuyết người già trong bản kể lại, từ thời xa xưa, có hai con Rồng bay đến núi Ma Cha Va rồi gặp nhau ở đây. Hai con rồng giao đấu, quần thảo suốt nhiều ngày tháng khiến cả một vùng như trời long, đất lở. Khi chúng bay đi, chỗ đó biến thành ao tiên như ngày nay. Nhiều năm trước đây, ao tiên rộng lắm, nhưng sau những mùa mưa lũ, đất trên núi sạt xuống, nên ao tiên ngày càng thu hẹp lại. Điều kỳ lạ là trên núi Ma Cha Va hiếm nước, bản Ngải Thầu Thượng cũng chỉ có một, hai mạch nước nhỏ nhưng ao tiên thì không bao giờ cạn nước. Một điều thú vị hơn nữa là trong ao tiên có loài cá chỉ to bằng ba đầu ngón tay, vảy màu ánh hồng, gần giống cá chép đỏ. Những năm tuyết rơi, mặt ao tiên bị đóng băng cả tháng trời, mà loài cá này vẫn sống được. Người Mông ở Ngải Thầu Thượng và những cán bộ công tác lâu năm ở xã Ngải Thầu đều nói rằng, loài cá này chỉ có ở ao tiên, chưa thấy ở nơi nào khác.

Thêm điều đặc biệt nữa là xung quanh ao tiên trên núi Ma Cha Va mọc rừng chè lạ, hoa nở vào mùa xuân và có màu đỏ thắm, người dân gọi là hồng trà, tiếng Mông gọi là “Thua die ta lia”. Có cây chè chẳng biết bao nhiêu năm tuổi nhưng gốc cổ thụ cao cả chục mét. Người Mông ở Ngải Thầu Thượng vẫn truyền tai nhau rằng, nơi máu của hai con Rồng đổ xuống đã mọc lên loại chè quý này. Người dân ở đây lấy lá chè về uống, nước chè có vị thơm dìu dịu, ngon hơn hẳn các loại chè thường.

Cùng với hồng trà, trên núi Ma Cha Va còn có hai loại chè quý khác ít người biết đến đó là bạch trà và chè Shan Tuyết cổ thụ. Bạch trà mọc ở vùng đất giáp ranh giữa Ngải Thầu Hạ và Ngải Thầu Thượng, cây gần giống hồng trà, có cây cao vài mét, mùa này đang nở hoa rực rỡ. Những bông hoa to như miệng chén, màu trắng tinh khiết, tỏa hương thơm trong gió. Còn chè Shan Tuyết cổ thụ mọc trong rừng sâu. Hồng trà, bạch trà và chè Shan Tuyết là những loại chè quý mà núi Ma Cha Va đã ban tặng cho đồng bào Mông trên đỉnh núi tuyết sương này. Mấy năm gần đây, phong trào chơi chè cảnh rộ lên, một số người biết tin trên núi Ma Cha Va có loại chè quý, đã lên đây bí mật tìm cách đào trộm về trồng. Cán bộ và đồng bào Mông trên núi lại phải cùng nhau nghĩ cách bảo vệ “kho báu”, không cho kẻ xấu lấy đi.

Hoa hồng trà nở ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển.

Uống chén hồng trà đón mặt trời lên

Ngày cuối năm, sáng sớm tinh mơ, mặt trời vẫn còn chưa mọc, anh Lồ A Sính dẫn tôi ngược dốc lên thăm ao tiên và đi sâu vào rừng cây cổ thụ tìm loại chè quý. Thật may cho tôi khi lên núi Ma Cha Va đúng vào mùa hồng trà bắt đầu bung nở. Không phải một cây, hai cây, mà đến cả trăm cây hồng trà đang đơm nụ, khoe sắc. Ở trên đỉnh núi khí hậu thiên nhiên khắc nghiệt này, tưởng rằng chỉ có loài cây tống quá sủ bám trụ được nhưng không ngờ lại có rừng hồng trà đẹp như thế. Hồng trà nở thành chùm, những nụ hoa to như đầu ngón tay, còn bông hoa có cánh màu đỏ, mịn màng, nhị hoa màu vàng rung rinh trong sương gió. Hồng trà khi đã nở thì rất lâu mới tàn. Có lẽ mọc ở nơi đỉnh trời khí hậu khắc nghiệt, ngấm gió sương vần vũ, được đón những tia nắng đầu tiên khi mặt trời chiếu xuống, nên mỗi bông hồng trà đều có vẻ đẹp thanh khiết, ít loài hoa nào có được.

Tôi đã đi đến nhiều vùng đất, từng ngắm chè Shan Tuyết cổ thụ trên núi Hoàng Thu Phố (Bắc Hà), thưởng thức chè Bát Tiên trên núi Mào Gà ở Mường Hum (Bát Xát)… nhưng chưa bao giờ gặp loại chè nào hoa to và đẹp như ở Ma Cha Va. Mấy cán bộ xã Ngải Thầu khẳng định, hồng trà chỉ có ở quanh ao tiên, còn những nơi khác trên núi Ma Cha Va tuyệt nhiên không thấy cây nào. Cùng độ cao như thế, cùng thổ nhưỡng, khí hậu như thế, mà tại sao hồng trà chỉ mọc quanh ao tiên? Câu hỏi này không ai giải thích được. Điều ấy cũng thật kỳ lạ.

Ngắm hồng trà trên đỉnh Ma Cha Va, làm tôi nhớ đến loài hoa hải đường rất đỗi quen thuộc với người dân vùng trung du và đồng bằng châu thổ sông Hồng. Hoa hải đường giống hoa hồng trà, cũng nở vào mùa xuân, nhắc nhớ đến những tết cổ truyền ngày tôi còn thơ bé. Ông nội tôi kể, thời ông còn nhỏ, dịp Tết Nguyên đán, nhà nào cũng mua mấy cành hoa hải đường cắm vào lọ, để trên bàn thờ, vì loài hoa này tượng trưng cho mùa xuân, cho sự may mắn, năm mới phú quý, anh em hòa hợp.

Hạnh phúc giản dị của cặp vợ chồng trẻ trên đỉnh Ma Cha Va.

Đem câu chuyện này kể cho anh Sính nghe, anh bảo những truyền thuyết về ao tiên và hồng trà đi vào cuộc sống thường ngày cũng như đời sống tâm linh của đồng bào Mông trên núi Ma Cha Va. Với niềm tin vào sự thiêng liêng của thần rừng, người Mông trên núi Ma Cha Va không bẻ cành hồng trà cắm trong nhà, nhưng năm nào cũng vậy, dịp Tết đến bà con vẫn hái lá hồng trà, bạch trà về pha nước uống thết đãi khách quý đến nhà chơi. Còn nam nữ người Mông thường mặc trang phục thật đẹp, rủ nhau đi dạo quanh ao tiên, lên núi ngắm hoa hồng trà và ngồi tâm tình. Trước ngày Thìn tháng Giêng sau Tết Nguyên đán, nghĩa là trước ngày cúng rừng, đồng bào Mông trên đỉnh núi Ma Cha Va lại cùng nhau xuống ao tiên bắt loài cá màu hồng. Cá này tuy không dùng để cúng, nhưng hôm sau khi lễ cúng rừng kết thúc, cả bản sẽ cùng thưởng thức, cầu mong thần rừng phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Người Mông ở đây luôn tâm niệm một niềm tin rằng, được ăn loài cá màu hồng trong ao tiên sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Buổi sớm trên đỉnh Ma Cha Va rét tái tê nhưng thật yên bình, trong lành và tinh khiết. Ấm hồng trà mới pha bên bếp lửa giữa ngôi nhà tường trình đất đơn sơ sao mà thơm thế. Màu nước không vàng sóng sánh như chè Bát Tiên, nhưng có màu hồng nhạt tựa màu rượu hoa đào, tỏa hương dìu dịu. Nhắm mắt lại, tôi hít thật sâu vào lồng ngực, tận hưởng hương vị thanh khiết của núi rừng. Cầm chén trà nóng bước ra ngoài, trên độ cao hơn 2.100 m so với mực nước biển, mặt trời dường như cũng mọc sớm hơn, chiếu những tia nắng ấm đầu tiên xuống biển mây bồng bềnh tạo thành bức tranh sống động. Trên núi, hồng trà, bạch trà đang khoe sắc đón cỗ xe của thần mặt trời. Một mùa xuân mới đã về trên đỉnh núi thiêng Ma Cha Va…

Theo Tuấn Ngọc/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).