Những mô hình HTX kiểu mới ở Lào Cai: Phương Thái và “duyên nợ” với rừng (Bài 5)

Trong phần nhiều những mô hình HTX thành công hiện nay thì dấn ấn của người sáng lập, người đứng đầu là rất rõ ràng. Với HTX Phương Thái, xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn càng không phải ngoại lệ đó.

Hơn 200 ha rừng và việc làm của hàng chục lao động

Đầu tư tiền tỷ để thành lập HTX mang tên Phương Thái chuyên trồng rừng là việc mà anh Ngô Xuân Bình, thị trấn Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn đã từng bị rất nhiều người can ngăn.

Xã viên HTX Phương Thái phát quang đất trống để mở rộng diện tích trồng rừng.

Kể cũng lạ thay, nhà cao cửa rộng, gia đình đề huề tại thị trấn trung tâm huyện không ở, anh Bình lại lặn lội lên “rừng xanh núi đỏ” dựng lều, mở đường, phát cây, trồng rừng. Cho đến rất lâu sau này tôi mới hiểu được lý do, điều mà bản thân người trong cuộc không phải lúc nào cũng muốn nhắc tới.

Trên xe ô tô SUV của Giám đốc HTX Phương Thái Ngô Xuân Bình, chúng tôi ngược núi theo con đường mới mở vẫn còn hằn vết xích máy gạt. Qua mấy sườn núi, địa hạt hơn 300 ha rừng của HTX hiện ra với một vạt núi những cây tự nhiên lúp xúp. Gần 100 xã viên, người lao động đang miệt mài phát cỏ chuẩn bị cho đợt trồng rừng mới với giống cây chủ đạo trong năm nay là quế và keo lai. Tiếng cười, nói của mấy chị em địa phương làm râm ran cả một lũng núi. Hầu hết trong số họ đều là đồng bào Dao, Mông, Tày đang cư trú tại xã xã Nậm Tha.

Giám đốc Ngô Xuân Bình chia sẻ: “Mình phải có cơ chế riêng cho bà con địa phương, những người có mong muốn trở thành xã viên. Họ chỉ cần có tinh thần gắn bó lâu dài với HTX là được chứ không thể chờ họ góp vốn. Cuộc sống của nhiều hộ còn khó khăn lắm. Trong nhiều năm, bà con không cần hiểu thế nào là HTX, là xã viên, là ban quản trị, ban kiểm sát. Họ chỉ biết là đi làm cho “ông Bình”, cuối giờ trưa, giờ chiều được nhận tiền công, chỉ thiếu của một người thôi là hôm sau cả thôn, cả bản nghỉ làm để phản đối”.

Mong muốn của bà con là hợp lý nhưng sẽ rất khó cho HTX bởi nguồn vốn không phải lúc nào cũng sẵn có. Vậy thì phải tuyên truyền cho bà con hiểu rằng HTX là doanh nghiệp, cần phải hạch toán kinh tế, bà con sẽ hưởng lợi ích lâu dài khi trở thành xã viên, rằng trồng rừng là một chu trình sản xuất cả chục năm liền chứ rất khó tính bằng ngày, buổi.

Và rồi bà con cũng thấu hiểu, các hộ kéo nhau đến HTX xin được đăng ký vào danh sách xã viên với những hứa hẹn cống hiến và gắn bó lâu dài, góp đất, góp công, tất nhiên quy mô khi ấy HTX chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu.

Giám đốc Ngô Xuân Bình từng nói: “Tôi thường xuyên ăn, ngủ ngay trong rừng”.

Chiếc ô tô SUV tiếp tục ì ạch bò lên khoảng dốc cao hơn, lúc này con đường xuyên thẳng vào giữa rừng keo hơn 10 năm tuổi của HTX đang tỏa bóng xuống mặt đất. Những hàng cây trồng có thân đều tăm tắp, căng tràn sức sống đang ưỡn mình vươn lên nền trời xanh. Đồi tiếp đồi, núi tiếp núi, cánh rừng trồng hơn 200 ha thành một dải xanh thẫm chạm ngang lưng núi mờ sương.

Dừng xe ở một khoảng rừng trống, Giám đốc HTX Ngô Xuân Bình bồi hồi nhớ lại đợt thiên tai cách đây 3 năm. Khi ấy một vạt rừng keo 7 đến 8 năm tuổi đang độ sinh trưởng mạnh nhất chỉ sau một đêm đã bị gió bão bẻ gãy hàng loạt. Những thân cây ngổn ngang, thân gỗ trắng bóc, nhựa ứa trên các vết gãy khiến cho anh Bình đau lòng hơn bao giờ hết. Tính sơ sơ HTX đã mất đến trên 4.000 m3 gỗ mà không thể tận dụng, tổng trị giá đến trên 2 tỷ đồng.

Sau buổi lên rừng ấy, Giám đốc Ngô Xuân Bình thẫn thờ, nằm bẹp trong lều mất mấy ngày. Nhưng ngoài kia 33 xã viên và hàng chục lao động đang đau đáu dõi theo, mong Giám đốc sớm bình phục để việc làm lại ổn định với những ngày tiếp nối việc trồng cây, phát cỏ. Và anh đã trở lại.

“Duyên nợ” với rừng

Câu chuyện Giám đốc Ngô Xuân Bình bỏ phố lên núi trồng cây, thoạt nghe cứ như là tiểu thuyết giữa đời thường vậy. Kỳ thực đó là kết quả sau rất nhiều ngày tháng dăn vặt và lương tri được đánh thức.

Một thời người dân trong vùng ai cũng biết tới biệt hiệu Bình “búa”, Bình “cưa”, Bình “gỗ”. Ngô Xuân Bình từng có những năm tháng “làm mưa, làm gió” trong giới buôn bán gỗ vùng đất hạ huyện Văn Bàn. Nhiều vị cao niên ở địa phương kể lại, thời kỳ những năm 1980 và đầu những năm 1990, hoạt động khai thác gỗ rừng tự nhiên tại các xã phía nam huyện Văn Bàn khi thì như sóng ngầm, lúc lại công khai ồn ào, sôi động.

Ở một vài nơi, rừng là kho báu không cửa, nhà nhà khai thác gỗ, từ trẻ em, phụ nữ đến đàn ông khỏe mạnh cũng lấy gỗ, ban ngày cưa, đêm vận chuyển tới điểm tiêu thụ. Có cung ắt sinh cầu, hàng loạt xưởng mộc xuất hiện, nhiều đường dây vận chuyển, tiêu thụ gỗ hình thành, hoạt động ngầm có, công khai, minh bạch có. Tình trạng tranh mua, tranh bán, giành giật lãnh địa trong giới buôn gỗ xảy ra với đủ các thủ đoạn, mánh lới và một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn là Bình “gỗ”.

Một góc cánh rừng trồng gần 10 năm tuổi của HTX Phương Thái.

Rồi một ngày kia, khi phải chứng kiến sự thảng thốt, tuyệt vọng của một gia đình nọ phải đứng nhìn lũ cuốn trôi ngôi nhà đang ở, anh Ngô Xuân Bình đã lặng lẽ “rửa tay, gác búa” mà không có một tuyên bố nào.

Sau bao nhiêu ngày trăn trở, anh đã quyết đầu tư toàn bộ số tiền tích cóp được để… để “trả nợ rừng” bằng việc thành lập HTX Phương Thái chuyên trồng rừng.

Kiên trì với việc xin cấp phép, giải phóng mặt bằng, cuối cùng HTX Phương Thái cũng có được quyền thuê đất trên diện tích hơn 300 ha tại xã Nậm Tha. Bản thân anh Ngô Xuân Bình cũng không ngờ được việc trồng rừng lại thuận lợi và tiến độ nhanh đến vậy, chỉ sau khoảng 3 năm đã hoàn thành việc phủ kín rừng trên 200 ha đất trống.

Giờ đây HTX Phương Thái vẫn đang duy trì việc thu hoạch tỉa thưa rừng trồng, vừa là để chăm sóc rừng cũng là cách đầu tư “lấy ngắn, nuôi dài”, có thêm kinh phí thường xuyên để trả công người lao động và xã viên đang làm nhiệm vụ trồng và bảo vệ rừng. Nếu tính sơ sơ, sản lượng gỗ rừng trồng tại 200 ha đã có giá trị hàng chục tỷ đồng, nhưng HTX Phương Thái vẫn chưa có kế hoạch khai thác đại trà, mọi quyết tâm đang đổ dồn lên mở rộng hơn nữa diện tích rừng trồng.

“Mình đã có mấy năm sản xuất đũa xuất khẩu sang Nhật Bản từ chính cây rừng khai thác tỉa thưa với doanh thu và lợi nhuận rất ổn định. Việc làm cho các xã viên và lao động vốn đã được giải quyết. Vấn đề vốn lưu động cho HTX không còn là áp lực nữa rồi, chỉ là tổ chức mở rộng sản xuất như thế nào nữa thôi”, Giám đốc Ngô Xuân Bình tâm sự.

Từ trồng rừng, khai thác và chế biến đã thành khâu khép kín, xã viên và người lao động cũng yên tâm hơn với hướng đi của Ban quản trị xác lập.

Trong mơn man, kỳ vỹ của đại ngàn, giữa tiếng ầm ào của thác nước đổ ngang thung núi, Giám đốc Ngô Xuân Bình bỗng nhiên nghĩ tới hai từ “duyên nợ” để thay cho từ “số phận” vốn đeo đẳng anh bấy lâu.

Đó là “duyên nợ” với rừng, với thiên nhiên, với 33 xã viên và hàng chục người lao động là đồng bào các dân tộc thiểu số tại xã Nậm Tha, Văn Bàn.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Người "Thủ lĩnh" quyết đoán

Với kinh nghiệm, kiến thức bản địa quý báu trong ứng phó với thảm họa lũ quét, sạt lở đất ở vùng cao, anh Ma A Chính, Bí thư Chi bộ thôn Cô Tông Bản Vàng, xã Bản Cái, huyện Bắc Hà đã quyết đoán đưa toàn bộ 54 hộ dân trong thôn ra đến khu vực an toàn, dựng lán tránh trú.

Lào Cai đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ hướng tới phát triển bền vững

Tỉnh Lào Cai đang triển khai quyết liệt Kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Quyết định 693/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch này bám sát Kết luận 72-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 13-NQ/TW với định hướng đưa Lào Cai trở...

Lào Cai tăng cường kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng trong hoạt động tố tụng

Tỉnh Lào Cai vừa ban hành kế hoạch triển khai Quyết định 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện Quy định 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) trong các hoạt động tố tụng, bao gồm điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Đây là bước đi cụ thể nhằm tăng...

Đoàn kết theo lời Bác dạy

Ngày 23/9/1958, trong chuyến thăm và nói chuyện với cán bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những lời căn dặn sâu sắc về tầm quan trọng của đoàn kết dân tộc.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong tiếp Đoàn công tác của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ủng hộ khắc phục hậu quả thiên tai

Chiều 23/9, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp Đoàn công tác của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam do ông Phùng Quang Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng...

Càng gian khó, càng đoàn kết như anh em ruột thịt

Cách đây 66 năm, ngày 23/9/1958, tại sân Tỉnh ủy, khi trò chuyện với cán bộ, công nhân, chiến sĩ, Nhân dân, kiều bào ta đang sinh sống tại Hà Khẩu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Ngày nay, dưới chế độ dân chủ cộng hòa của chúng ta, các dân tộc bất kỳ to hay nhỏ đều là bình đẳng, đều là...