Dấu ấn du lịch

Những năm qua, du lịch Lào Cai đã có những bước phát triển mạnh, tạo nhiều dấu ấn mới về một miền du lịch hấp dẫn. Du lịch ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mảnh đất “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Thương hiệu du lịch Lào Cai trở thành 1 trong 10 điểm đến du lịch quốc tế hấp dẫn nhất của Việt Nam. 

Là tỉnh vùng cao, biên giới, mặc dù khu nghỉ dưỡng Sa Pa, Bắc Hà đã có lịch sử gần trăm năm, nhưng thời kỳ tái lập tỉnh, các hoạt động du lịch của Lào Cai còn rất hạn chế, bởi điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn. Việc đầu tư cho du lịch của 10 năm đầu sau tái lập tỉnh chỉ dừng lại ở việc xây dựng hạ tầng, hình thành và nâng cấp các khu du lịch, mở rộng và phát triển các phương thức kinh doanh. Do đó, các loại hình kinh doanh dịch vụ chưa phong phú, chưa đáp ứng yêu cầu của du khách. Giai đoạn 10 năm tiếp theo, phát huy tiềm năng, lợi thế, tỉnh Lào Cai đã tập trung đầu tư mở rộng các tuyến, điểm du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng. Năm 2004, tỉnh Lào Cai tham gia ký kết thực hiện chương trình du lịch “Về cội nguồn” 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ; năm 2008 tiếp tục ký cam kết hợp tác “Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng” hình thành theo tuyến vòng cung, kết nối du lịch trên những cung đường đẹp, kỳ vĩ của vùng đất Tây Bắc, xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng, tâm linh, ruộng bậc thang, nghỉ dưỡng… Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, hoạt động du lịch ngày càng trở nên sôi động, bởi quy hoạch và chính sách phát triển du lịch của tỉnh đã đi vào chiều sâu, mang tầm chiến lược. Giai đoạn này, tỉnh cũng đã xây dựng được quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến 2030, đưa ra những hoạch định và hướng đi mới cho du lịch Lào Cai thời kỳ hội nhập quốc tế.

Du khách nước ngoài tham gia lễ hội.

Thành tựu quan trọng của ngành du lịch đã tạo những bước chuyển quan trọng, phát triển không ngừng và vượt bậc qua các thời kỳ, giai đoạn. Môi trường đầu tư được quan tâm cải thiện, tạo đà cho phát triển và tăng trưởng các dịch vụ chất lượng cao phục vụ du lịch; các hoạt động du lịch luôn được quan tâm, chỉ đạo cùng với sự giám sát, phối hợp của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của khối doanh  nghiệp du lịch vì sự phát triển bền vững. Qua đó, đã khai thác tối đa những giá trị và tinh hoa văn hóa, di tích lịch sử, phong cảnh thiên nhiên, những công trình nghệ thuật kiến trúc cổ độc đáo, tinh tế và lễ hội truyền thống gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc. Trong 5 năm (2011 - 2015), lượng khách du lịch đến Lào Cai tăng gấp 2,1 lần so với năm 2011. Tổng số khách du lịch đến Lào Cai đạt 2,1 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 718.000 lượt, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2011; khách nội địa đạt 1,373 triệu lượt, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2011. Dự kiến trong năm 2016, Lào Cai đón 2,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 6.300 tỷ đồng.

Đến nay, tỉnh Lào Cai đã thu hút trên 20 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong đó có một số nhà đầu tư lớn, như Tập đoàn Sun Group, Vin Group, Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Genting (Malaysia)... với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng. Lào Cai hiện có 18 tuyến, điểm du lịch, 8 tuyến du lịch địa phương/cộng đồng được công nhận chính thức và 11 tuyến, điểm du lịch địa phương/cộng đồng được khai thác thử nghiệm. Toàn tỉnh có 662 cơ sở lưu trú với khoảng 8.680 phòng, tăng trên 200 cơ sở so với năm 2011. Trong đó, cơ sở lưu trú từ 1 - 5 sao là 136 cơ sở, với trên 3.000 phòng và 250 cơ sở lưu trú homestay ở các xã phát triển du lịch cộng đồng thuộc các huyện Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương… Lào Cai hiện có 8.226 lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó 3.126 lao động trực tiếp và 5.100 lao động gián tiếp, 60% số lao động trực tiếp đã được tham gia các khóa đào tạo kỹ năng nghề theo đúng nghiệp vụ. Toàn tỉnh có 211 hướng dẫn viên và 335 thuyết minh viên du lịch.

Đặc biệt, đến thời điểm này, tỉnh Lào Cai đã khai thác và phát triển tốt một số loại hình du lịch như: Du lịch nghỉ dưỡng Sa Pa, Bắc Hà; du lịch sinh thái, mạo hiểm, cảnh quan (gắn với đỉnh Fansipan, các tuyến đi bộ làng bản, hang động, thác nước…); du lịch tâm linh (thăm các đền, chùa, lễ hội...); du lịch cộng đồng gắn với nghề thủ công tại cụm xã Tả Van (Sa Pa), Bản Phố (Bắc Hà)…; du lịch chợ đêm tại 2 huyện Sa Pa, Bắc Hà; du lịch tham quan bản, làng tại các huyện Sa Pa, Bát Xát và Bắc Hà. Hệ thống nhà hàng Âu, Á, dịch vụ ẩm thực dân tộc phát triển đa dạng, phong phú. Hiện, toàn tỉnh có trên 500 nhà hàng lớn nhỏ phục vụ du khách. Hàng loạt khu vui chơi giải trí đã và đang được hình thành như: Cáp treo Fansipan, Hàm Rồng, Cát Cát (Sa Pa); hồ Na Cồ (Bắc Hà), công viên Nhạc Sơn (TP Lào Cai); các khu tổ hợp dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí, tắm thuốc dân tộc, casino, dịch vụ mua bán hàng thổ cẩm… đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Một số sản phẩm du lịch đặc trưng của Lào Cai đã được báo chí nước ngoài đánh giá cao như: Tuyến đi bộ hấp dẫn ở Sa Pa (Trekking tours) được sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet lựa chọn là 1 trong 10 con đường mòn tuyệt vời nhất thế giới; sản phẩm du lịch chợ văn hóa Bắc Hà đã được tạp chí Serendib (Srilanka) giới thiệu là 1 trong 10 chợ hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á; sản phẩm du lịch ruộng bậc thang Sa Pa được tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) bình chọn là 1 trong 7 ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới...

Tiếp nối thành tựu 25 năm xây dựng và phát triển, du lịch Lào Cai đã và đang phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Lào Cai trở thành một trong những điểm du lịch bậc nhất của vùng Tây Bắc, là một trong những trọng điểm du lịch của Việt Nam với Khu du lịch Quốc gia Sa Pa, Điểm du lịch Quốc gia thành phố Lào Cai cùng hệ thống hạ tầng du lịch đồng bộ, sản phẩm chất lượng cao, đa dạng, mang bản sắc văn hóa dân tộc tỉnh Lào Cai. Trước mắt, tỉnh sẽ tổ chức chuỗi sự kiện trong Năm Du lịch quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc, tạo đà để ngành du lịch phát triển đột phá, cơ bản trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Du khách bất ngờ trước tốc độ phục hồi của du lịch Sa Pa

Sa Pa, điểm đến du lịch nổi tiếng của miền Bắc, nhanh chóng “lấy đà” phục hồi sau bão nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương.

Khách du lịch đến Sa Pa tăng 33,2% so với kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2023

Trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8 - 3/9), Lào Cai đón khoảng 196.500 lượt khách. Lượng khách du lịch đến các địa phương tăng nhẹ so với kỳ nghỉ 2/9/2023, riêng thị xã Sa Pa đón khoảng 122.770 lượt khách, tăng 33,2% so với kỳ nghỉ lễ 2/9/2023.

Lễ hội mùa Thu "Sa Pa - mùa vàng" 2024 hứa hẹn hàng loạt sự kiện hấp dẫn

Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024 không chỉ là dịp để du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của vùng cao mà còn là cơ hội để trải nghiệm những hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực hấp dẫn.

Nên đi đâu tại Lào Cai trong kỳ nghỉ lễ này?

Kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh mùng 2/9 đúng vào dịp thời tiết Lào Cai thuận lợi. Dự kiến những ngày nghỉ trời có nắng, phù hợp để du khách trải nghiệm các hoạt động ngoài trời, tận hưởng không khí đón mùa thu. Những ngày này, các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch hấp dẫn để thu hút...

Lần đầu tiên tỉnh Lào Cai tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế

Với chủ đề “Du lịch Lào Cai - kết nối khát vọng xanh”, Hội chợ Du lịch Quốc tế Lào Cai năm 2024 (Laocai International Travel Mart – LITM 2024) sẽ được tổ chức từ ngày 7/11 đến ngày 10/11/2024 tại khu vực Quảng trường Đinh Lễ (thành phố Lào Cai).

Hoa dơn thóc rực rỡ khoe sắc trên đỉnh Fansipan

Kéo dài tới hết 30/8, Lễ hội hoa dơn thóc 2024 đang thu hút đông đảo khách du lịch tới đỉnh Fansipan với biển hoa trải dài từ độ cao hơn 3.000 m và hàng loạt hoạt động vui chơi hấp dẫn, mang đậm sắc màu văn hóa Tây Bắc.