Bức tranh tươi sáng của ngành giáo dục

Sau 25 năm tái lập, Lào Cai đã có bước chuyển mình, phát triển mạnh trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Với sự nghiệp giáo dục, từ một tỉnh có nhiều xã “trắng” trường, lớp học của năm đầu tái lập, giờ đây, Lào Cai đã trở thành điểm sáng vùng miền núi phía Bắc.

Nhà giáo Ưu tú Cao Văn Tư, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có mặt ở Lào Cai từ những năm 60 của thế kỷ trước. Nửa thế kỷ gắn bó với mảnh đất này, hơn ai hết, ông hiểu rõ những bước đi của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh những năm đầu tái lập. Trong ký ức của nhà giáo Cao Văn Tư, những năm 80 và 90, đời sống kinh tế - xã hội ở Lào Cai rất khó khăn, gây trở ngại lớn cho sự nghiệp giáo dục. Ngày đó, số người mù chữ toàn tỉnh chiếm tới 52% dân số, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi ra lớp mới đạt 35,7%, đặc biệt toàn tỉnh có tới 14 xã “trắng” về giáo dục. Nhiều trường tiểu học ở vùng cao chỉ có lớp 1, lớp 2, rất ít trường hoàn chỉnh tới lớp 5. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trường, lớp học hết sức thiếu thốn, chủ yếu là nhà tranh, vách đất, bàn ghế được ghép từ những thanh tre, nứa, vầu. Nhưng khó khăn nhất vẫn là số lượng đội ngũ giáo viên, bởi những năm 80 có nhiều giáo viên bỏ việc, chuyển vùng. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Lào Cai đặc biệt chú trọng, quan tâm, lãnh đạo sát sao đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra 6 mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong phương hướng, nhiệm vụ 5 năm (1991 - 1995) nêu rõ: “Công tác giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ phải được coi là khâu quan trọng, là động lực để đưa Lào Cai thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Tăng cường củng cố và phát triển giáo dục một cách hợp lý, tập trung thực hiện tốt chương trình phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ. Đầu tư phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú, có chính sách khuyến khích đối với giáo viên dạy giỏi, giáo viên lên công tác vùng cao…”.

Phương pháp dạy và học có nhiều thay đổi, tạo hứng thú cho học sinh.

Với sự phối hợp, vào cuộc  của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ phát triển trường, lớp ở các bậc học, tăng nhanh tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp và duy trì tỷ lệ chuyên cần. Do đó, đến năm học 1993 - 1994, toàn tỉnh có thêm 10 xã khôi phục được trường, lớp và đến năm 1995 thì không còn xã “trắng” về giáo dục.

Là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh về giáo dục và đào tạo, nếu như năm học 1990 - 1991, toàn huyện Mường Khương chỉ có 19 trường học, với trên 5.000 học sinh các cấp, thì đến năm 2016 - 2017, đã phát triển lên tới 66 trường học và 16 trung tâm học tập cộng đồng, với trên 17.000 học sinh. Bà Nguyễn Thị Minh Xuân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương cho biết: Địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp quy hoạch hệ thống trường lớp, thành lập mới, điều chỉnh và bố trí các điểm trường, cấp học. Đến nay, hệ thống trường học của huyện được mở rộng, 231/254 thôn có điểm trường; bình quân mỗi đơn vị cấp xã đều có ít nhất 3 trường có đủ các cấp học từ mầm non đến THCS và 1 trung tâm học tập cộng đồng; huyện có 3 trường THPT, 1 trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên, 1 trường phổ thông dân tộc THCS và THPT dân tộc nội trú.

Bằng việc tích cực huy động các nguồn lực, kết hợp linh hoạt các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt từ năm 2002, thụ hưởng Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học của Chính phủ, những ngôi trường xây mới khang trang, đảm bảo đủ chuẩn về diện tích cũng như trang - thiết bị dạy học đã tác động tích cực tới sự nghiệp “trồng người” của tỉnh. Cô giáo Tống Thị Huệ, giáo viên Trường Tiểu học Cốc Mỳ (Bát Xát), người đã gắn bó với giáo dục vùng cao Bát Xát từ những năm 90 tới nay phấn khởi chia sẻ: “Sự đầu tư của Đảng và Nhà nước cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là đầu tư trường lớp học ở vùng cao đã giúp thầy, trò có thêm niềm tin, động lực yên tâm gắn bó với trường, lớp”.

Việc xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng cũng được ngành giáo dục - đào tạo chú trọng thực hiện. Những năm đầu mới tái lập, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, một mặt tỉnh có chính sách thu hút nhân lực từ các địa phương trong cả nước, mặt khác, mau chóng tái lập Trường Trung cấp Sư phạm Lào Cai, mở rộng dần quy mô và nâng dần hệ đào tạo. Đồng thời, liên kết với các trường đại học, cao đẳng để đào tạo giáo viên THPT, giáo viên hệ cao đẳng; mở các lớp đào tạo 1 giai đoạn để có sinh viên lên vùng cao phục vụ kịp thời. Từ con số 4.245 cán bộ giáo viên năm 1992, đến nay, tổng số nhân lực của ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai đã phát triển lên tới trên 18.000 người. Từ tình trạng giáo viên không đạt chuẩn của những năm đầu tái lập tỉnh khá phổ biến, thì nay 100% cán bộ đạt chuẩn, nhiều cán bộ, giáo viên, giảng viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ.

Cơ sở vật chất được đầu tư, nguồn nhân lực được củng cố đã tác động tích cực tới chất lượng giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, việc thực hiện vững chắc chương trình phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ, phổ cập THCS, tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đã đưa Lào Cai vươn lên tốp đầu của khu vực miền núi phía Bắc về chất lượng giáo dục - đào tạo. Ngành giáo dục - đào tạo tỉnh đã chủ động tiếp cận với các phương pháp dạy học tiên tiến hiệu quả, như chương trình lớp ghép, chương trình dạy tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, các mô hình giáo dục tiên tiến (mô hình trường học mới, trường học gắn với thực tiễn). Hằng năm, có hàng trăm lượt học sinh các cấp tham dự các kỳ thi, cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, khu vực đạt thành tích cao.

Bước phát triển của ngành giáo dục - đào tạo Lào Cai sau 25 năm tái lập tỉnh rất đáng tự hào, nhưng trước yêu cầu đổi mới và hội nhập hiện nay, ngành cần có những hướng đi, giải pháp cụ thể. Theo ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, để đổi mới và sáng tạo, ngành sẽ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, rút kinh nghiệm với những đề tài ở các cấp độ, có ý nghĩa thực tiễn. Nỗ lực huy động số lượng, phát triển quy mô gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Quyết tâm nâng cao chất lượng đại trà, đồng thời nỗ lực chăm lo, bồi dưỡng học sinh giỏi, tài năng - hai mục tiêu này sẽ tạo nên chất lượng và hiệu quả bền vững.

Theo Tô Dung/LCĐT

Tin Liên Quan

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.