Nậm Ðét “thay áo mới”

Đã lâu tôi mới có dịp trở lại xã Nậm Đét (Bắc Hà). Con đường đất năm xưa vắt qua lưng chừng núi từ thôn Nậm Trì, xã Bảo Nhai lên trung tâm xã Nậm Đét hơn 10 cây số, giờ thay bằng con đường trải nhựa uốn lượn qua những thửa ruộng, nương ngô, đồi quế. Xã Nậm Đét có 8 thôn với 548 hộ, hơn 2.200 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc: Dao, Phù Lá, Mông.
Người dân Nậm Đét khai thác quế.

Từ trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, tôi men theo con đường mới đổ bê tông thôn Nậm Đét tìm đến nhà cụ Triệu Mùi Pham, nữ bí thư chi bộ đảng đầu tiên của xã và là người dân tộc Dao duy nhất trong cộng đồng vinh dự được gặp Bác Hồ. Năm nay cụ Pham tròn 94 tuổi, có 56 năm tuổi Đảng. Nói năng nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát, cụ kể: “Mình được kết nạp Đảng năm 1960, khi đang là cán bộ Hội Phụ nữ xã. Ngày 9/3/1963, Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Hà thành lập Chi bộ Đảng xã Nậm Đét có 9 đảng viên, mình được làm Bí thư Chi bộ. Lúc này, cuộc vận động xây dựng chi bộ Đảng “4 tốt” được đảng viên và nhân dân đón nhận, trở thành phong trào thi đua yêu nước trong các đảng viên của Chi bộ”.

Cụ nhớ lại: Chi bộ “4 tốt” là lãnh đạo sản xuất tốt; lãnh đạo thực hiện chính sách pháp luật tốt; lãnh đạo công tác vận động quần chúng tốt; lãnh đạo công tác củng cố, phát triển Đảng tốt. Kết quả năm 1965, Chi bộ xã Nậm Đét đạt chi bộ “4 tốt”, tháng 3/1966, mình vinh dự được về Thủ đô Hà Nội dự Hội nghị chi bộ “4 tốt” toàn quốc và được gặp Bác Hồ...

Trào dâng một niềm cảm xúc đặc biệt, cụ bảo: Đây là tấm ảnh mình được chụp với Bác và các đồng chí cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tại hội nghị, Bác căn dặn: “Cán bộ phải cố gắng làm thế nào cho đồng bào no cơm, ấm áo hơn nữa. Muốn như vậy thì phải tăng gia sản xuất. Muốn đủ lương thực thì phải ra sức trồng lúa và ngô, khoai… ”. Thấm lời Bác dạy, trở về quê hương, mình họp bàn với các đồng chí trong Chi bộ đề ra chủ trương, lãnh đạo nhân dân “ra sức trồng lúa, ngô, khoai...”. Đây là chủ trương trúng, đúng với tâm tư, nguyện vọng đồng bào nên được già trẻ hăng hái tham gia làm tốt công tác thủy lợi, khai hoang ruộng bậc thang, vận động bà con vào hợp tác xã làm ăn tập thể... Từ đó, đời sống nhân dân được cải thiện, không còn tình trạng du canh, du cư như trước. Năm 1974, để giúp đồng bào phát triển kinh tế rừng, ổn định đời sống, mình lặn lội về xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái), đem giống quế về trồng. “Cây quý” sinh sôi, đem lại giá trị kinh tế cao. Mình giữ chức Bí thư Chi bộ xã giai đoạn từ năm 1963 đến năm 1995 thì nghỉ hưu...

Tiếp lời cụ Pham, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thị Ghến cho biết: Xã hiện có hơn 1.253 ha quế, vụ quế năm 2015, người dân thu đạt sản lượng trên 280 tấn vỏ quế khô, sản xuất hơn 120 lít tinh dầu quế, 1.260 m³ gỗ, doanh thu từ quế đạt 22 tỷ đồng. Riêng 8 tháng năm 2016, doanh thu đạt 15 tỷ đồng.

Người Dao nơi đây ví cây quế là “cây vàng”, trở thành biểu tượng vùng cao Nậm Đét. Từ cây quế, người dân xây nhà, mua sắm xe máy, ti vi, tủ lạnh phục vụ sinh hoạt, diện mạo nông thôn nơi đây đổi thay trông thấy.

Chia tay cụ Pham, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thị Ghến dẫn tôi đến gia đình anh Triệu Kim Vảng, 57 tuổi, người dân tộc Dao ở thôn Nậm Tống Hạ. Trong ngôi nhà xây 3 tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền như ti vi, xe máy, bàn, ghế... nhấp chén chè Shan tuyết thơm nồng, chủ nhà chia sẻ: “Gia đình tôi có được cơ ngơi này, tất cả đều nhờ vào cây quế. Tôi bán 1.000 cây quế thu về 1 tỷ đồng, khoán thợ xây ở xã Bảo Nhai lên xây nhà và mua sắm đồ nội thất”. Để minh chứng cho lời nói của mình, anh dẫn tôi đi thăm đồi quế rộng hơn 3 ha của gia đình mình. Trên đồi quế bạt ngàn, xanh tốt, tiếng nói, tiếng cười của bà con đang tỉa quế xôn xao cả miền sơn cước. Nhiều cây trồng từ cách đây gần 40 năm, gốc to người lớn ôm không xuể. Anh Vảng bảo: Cây quế to này tôi bán 10 triệu đồng cho khách hàng và tôi sẽ thu thêm tiền tỷ đồi quế này.

Cạnh nhà anh Vảng, tôi thấy có thêm 2 ngôi nhà mới xây 2 tầng của gia đình anh Triệu Kim Hín và Triệu A Lưu, được biết xây được nhà là nhờ vào tiền bán quế.

Ấn tượng của tôi đối với người dân Nậm Đét  ở chỗ, người dân thấm lời Bác dạy, biết canh tác trên đất dốc và làm chủ thời tiết khắc nghiệt để thâm canh cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Đồng đất ở đây vốn chỉ trồng cấy mỗi năm được 1 vụ, trong khi đó, ruộng lúa bậc thang có 140 ha, nương ngô 104 ha. Để đảm bảo an ninh lương thực cho trên 2.200 khẩu, người dân đưa lúa, ngô giống mới năng suất cao vào gieo trồng đại trà. Chứng kiến sự đổi thay trong sản xuất, tôi khỏi không ngạc nhiên khi Nậm Đét có năng suất lúa đạt 4,5 tấn/ha, ngô đạt 31 tạ/ha, lương thực bình quân đầu người năm 2015 đạt 537 kg. Ngoài ra, người dân chủ động làm chuồng nuôi nhốt gia súc, nên đàn gia súc ngày càng phát triển, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các gia đình. Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội của xã cũng khởi sắc. Xã hiện có 3 cấp học (mầm non, tiểu học, THCS); tỷ lệ học sinh từ 6 đến 14 tuổi đi học đạt 100%; chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh chuyển lớp và chuyển cấp hằng năm đạt 100% kế hoạch. Phong trào khuyến học được các gia đình, dòng họ quan tâm, xã có nhiều cháu đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Công tác y tế có nhiều chuyển biến, đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Việc hiếu, hỉ được tổ chức theo nếp sống mới, nhân dân trong thôn luôn đoàn kết. Chương trình xây dựng nông thôn mới được người dân hăng hái tham gia. Đến nay, xã Nậm Đét đạt 6/19 tiêu chí nông thôn mới và phấn đấu năm 2016 hoàn thành các tiêu chí: Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, y tế, nhà ở dân cư, cơ sở vật chất văn hóa.

Bằng những việc làm thiết thực và hiệu quả, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Nậm Đét đã được Tỉnh ủy tặng Cờ thi đua; UBND tỉnh tặng Bằng khen và UBND huyện Bắc Hà tặng Giấy khen.

Phát huy những thành tích đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đang quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

Theo La Văn Tuất/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).