Ðổi mới trên vùng quê cách mạng

Những ngày đầu tháng Tám, chúng tôi ngược dốc về huyện Văn Bàn, mảnh đất đất giàu truyền thống cách mạng. Đặc biệt, ở đây, trong những năm kháng chiến chống Pháp đã ra đời Đội du kích Gia Lan nổi tiếng, hoạt động bí mật ngay trong lòng địch, góp phần quan trọng vào việc giải phóng Văn Bàn nói riêng, Lào Cai nói chung.

Khu du kích Gia Lan đã trở thành vùng nông thôn trù phú.

Trong căn nhà sàn ở thôn Bản Pi, xã Khánh Yên Thượng, nằm dưới chân núi Gia Lan, ông Chu Văn Trường (80 tuổi), mái tóc trắng như cước, rót chén nước chè, rưng rưng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những năm tháng kháng chiến chống Pháp và sự ra đời của Đội du kích Gia Lan ngay trên mảnh đất này cách đây gần 70 năm. Tháng 11/1947, thực dân Pháp tái chiếm Văn Bàn và tập trung xây dựng hệ thống đồn, bốt, củng cố hành lang an toàn, nhằm ngăn chặn quân chủ lực của ta mở các chiến dịch lớn. Nhân dân các xã: Làng Giàng, Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Hạ tản cư vào chân núi Gia Lan. Quân địch dồn dân vào sống quanh các đồn bốt của chúng để quản lý chặt chẽ như một “ấp chiến lược”. Từ tháng 3 - 6/1948, Tổ công tác địch hậu của Huyện ủy Văn Bàn do đồng chí Nguyễn Chí làm Tổ trưởng, đã nhanh chóng liên lạc với cơ sở cách mạng tại địa phương, vận động nhiều thanh niên người dân tộc tham gia đội du kích các xã và Đội du kích Gia Lan do Huyện ủy Văn Bàn trực tiếp chỉ đạo, hình thành căn cứ bí mật trong lòng địch ở xã Khánh Yên Thượng.

Theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Yên Bái, khu vực thung lũng hẹp từ xã Làng Giàng đến xã Khánh Yên Hạ, được chọn làm Khu du kích Gia Lan, tạo điều kiện để phát triển lực lượng. Đây là nơi gặp gỡ, trao đổi của cán bộ, bộ đội, du kích, thực hiện các đợt huấn luyện ngắn ngày và cũng là nơi thuận lợi nhất để nhân dân tiếp tế cho cách mạng. Từ tháng 10/1948 - 11/1950, Đội du kích Gia Lan phối hợp với đội du kích các xã, cùng bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực vận động nhân dân tích cực lao động, sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm cho căn cứ cách mạng, bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ huyện được an toàn; tổ chức tiêu diệt 312 lính Pháp và tề ngụy gian ác, phá hủy 8 đồn địch, thu giữ và phá hủy nhiều phương tiện kỹ thuật, súng đạn của địch, góp phần quan trọng vào giải phóng Văn Bàn. Ngày 16/11/1950, huyện Văn Bàn được giải phóng, đánh dấu bước ngoặt mới trong phong trào cách mạng của huyện. Ông Chu Văn Trường tâm sự: Ngày đó, tôi còn nhỏ, nhưng có hai người anh tham gia đội du kích, nên được nghe kể nhiều về những chiến công và tinh thần dũng cảm, kiên cường của các chiến sĩ du kích Gia Lan, làm cho quân giặc khiếp sợ…

Tôi cùng anh Phan Trọng Quang, cán bộ văn hóa xã Khánh Yên Thượng đến thăm Khu du kích Gia Lan được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh từ năm 2006. Khu di tích được xây dựng khang trang cách đây 3 năm ở thôn Bản Chiêu, xã Khánh Yên Thượng, bên gốc đa cổ thụ ngay dưới chân núi Gia Lan. Tại đây, có bảng ghi danh các chiến sỹ tham gia Đội du kích Gia Lan, để hế hệ sau ghi nhớ và trân trọng. Sau 2/3 thế kỷ, Khu du kích Gia Lan xưa, mà trung tâm là xã Khánh Yên Thượng đã trở thành những bản, làng trù phú, dân cư đông đúc. Khắp các thôn, bản từ Bản Chiêu, Bản Pi đến Nà Lộc, Nà Thái, Sân Bay, hiện hữu cuộc sống mới bình yên, no ấm. Các thôn Yên Xuân, Yên Thành san sát nhà xây, nhịp sống sôi động. Bà con các dân tộc nơi đây phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo để xây dựng quê hương. Đặc biệt, trong những năm gần đây, phong trào xây dựng nông thôn mới được nhân dân trong xã tích cực hưởng ứng, diện mạo nơi đây đổi thay rõ nét. Các tuyến đường vào thôn, bản đều được đổ bê tông; nhà ở được chỉnh trang, lò đốt rác, nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng nuôi nhốt gia súc được người dân đầu tư xây dựng kiên cố, đảm bảo vệ sinh môi trường. Có 3/4 trường học đạt chuẩn quốc gia; trạm y tế xã, nhà văn hóa các thôn, bản được xây dựng khang trang.

Di tích lịch sử văn hóa Khu du kích Gia Lan ở xã Khánh Yên Thượng.

Tại trụ sở UBND xã Khánh Yên Thượng, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hạnh, hồ hởi khoe về những thế mạnh của địa phương: Nét mới nhất trong sản xuất nông nghiệp của xã là thực hiện thành công mô hình cánh đồng một giống với các giống lúa BC15, TBR225 cho năng suất 83 tạ/ha, tăng 30 tạ/ha so với giống lúa địa phương. Ngoài ra, Khánh Yên Thượng cũng là vựa ngô của huyện Văn Bàn, với 140 ha ngô trồng 2 vụ/năm, sản lượng mỗi năm trên 2.000 tấn. Xã Khánh Yên Thượng có hàng trăm hộ dân phát triển dịch vụ kinh doanh, buôn bán, cho thu nhập cao. Điều đáng nói, nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã hăng hái thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Năm 2015, toàn xã có 10 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, 2 hộ cấp tỉnh. Điển hình như mô hình trồng măng bói của gia đình ông Lự Văn Chế và Hoàng Văn Loan; mô hình nuôi lợn rừng của gia đình ông Hoàng Xuân Viết, nuôi lợn thịt của gia đình ông Vũ Văn Hiện… Mỗi năm, xã giảm được từ 5% - 6% hộ nghèo. Từ đầu năm 2016 đến nay, xã có 92 hộ thoát nghèo, đạt 100% kế hoạch. Hiện, xã Khánh Yên Thượng đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới và đang dồn sức hoàn thành những tiêu chí còn lại để đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2016. Nghe anh Hạnh say sưa kể về đổi thay ở Khánh Yên Thượng, tôi cũng thêm tự hào về mảnh đất giàu truyền thống cách mạng dưới chân núi Gia Lan.

Chia tay Khánh Yên Thượng, hình ảnh con người và mảnh đất chiến khu cách mạng xưa kia để lại ấn tượng không thể nào quên. Khu du kích Gia Lan xưa, nay đã trở thành một vùng nông thôn mới rộng lớn và giàu đẹp, xứng đáng với sự chiến đấu và hy sinh của các thế hệ đi trước, tiếp nối truyền thống anh hùng trong lao động sản xuất, bảo vệ và xây dựng quê hương.


 

Theo Tuấn Ngọc/LCĐT

Tin Liên Quan

Đoàn kết theo lời Bác dạy

Ngày 23/9/1958, trong chuyến thăm và nói chuyện với cán bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những lời căn dặn sâu sắc về tầm quan trọng của đoàn kết dân tộc.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong tiếp Đoàn công tác của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ủng hộ khắc phục hậu quả thiên tai

Chiều 23/9, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp Đoàn công tác của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam do ông Phùng Quang Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng...

Càng gian khó, càng đoàn kết như anh em ruột thịt

Cách đây 66 năm, ngày 23/9/1958, tại sân Tỉnh ủy, khi trò chuyện với cán bộ, công nhân, chiến sĩ, Nhân dân, kiều bào ta đang sinh sống tại Hà Khẩu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Ngày nay, dưới chế độ dân chủ cộng hòa của chúng ta, các dân tộc bất kỳ to hay nhỏ đều là bình đẳng, đều là...

Hơn 271 tỷ đồng ủng hộ người dân khắc phục hậu quả thiên tai

Theo thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đến 15h ngày 22/9/2024, Ban vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận đăng ký và ủng hộ của trên 6000 tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp với số tiền 271,9 tỷ đồng (trong đó Quỹ cứu trợ Trung ương là 180 tỷ đồng; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm là...

Ưu tiên số 1 là sắp xếp nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại hoàn toàn do hoàn lưu bão số 3

Đó là chỉ đạo của đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp về một số nội dung liên quan đến phương án khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh diễn ra chiều 22/9.

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).