Lào Cai: Tăng cường công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ

Sau 5 năm thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Mạng lưới trường lớp được rà soát, quy hoạch lại phù hợp. Chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả giáo dục tiến bộ vững chắc, rõ nét ở cả vùng thấp và vùng cao. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được bổ sung và tăng cường, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.

Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ. Năm 2013, 164/164 xã, phường, thị trấn, 9/9 huyện, thành phố của tỉnh Lào Cai được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Năm 2015, tỉnh duy trì bền vững đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1; 152/164 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 (tăng 89 xã so với năm 2010); duy trì bền vững đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở tại 164/164 xã, phường, trị trấn và 9/9 huyện, thành phố.

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS. TS Nguyễn Bá Minh, Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Mầm non
đã trao Cờ đạt chuẩn PCGDMN trẻ 5 tuổi cho tỉnh Lào Cai. (Ảnh Tuấn Ngọc)

Đến nay, quy mô, mạng lưới trường, lớp học được quan tâm đầu tư, mở rộng. Toàn tỉnh có 667 (201 trường mầm non, 231 trường tiểu học, 189 trường Trung học cơ sở, 36 trường THPT, 10 trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên), thực hiện sáp nhập 20 trường thành 9 trường (giảm 11 trường); 8.260 lớp, nhóm lớp (giảm 58 lớp so với năm 2010); 189.479 trẻ, học sinh (tăng 25.186 trẻ, học sinh so với năm 2010). Ngoài ra còn 4 trường chuyên nghiệp với 3.700 học sinh sinh viên. Mạng lưới trường, lớp được quy hoạch lại để có điều kiện tốt hơn nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, đặc biệt đối với giáo dục mầm non; chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng Trường trung học phổ thông Chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT),  phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT); các trung tâm giáo dục thường xuyên được sáp nhập với các trung tâm dạy nghề; củng cố, phát triển các trung tâm học tập cộng đồng theo hướng hoạt động hiệu quả đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời cho mọi người dân và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đẩy mạnh xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới; củng cố, xây dựng cảnh quan trường lớp, môi trường sư phạm, môi trường học tập gắn với phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 295 trường chuẩn quốc gia (chiếm 44,2%).

Chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả giáo dục đã có bước tiến bộ vững chắc. Đặc biệt là ở vùng cao đã có nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo, phù hợp thực tế địa phương trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Số lượng và chất lượng học sinh đạt giải học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, tỷ lệ học sinh được học Tin học, Ngoại ngữ, tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học nguyện vọng 1 tăng lên hàng năm. Đối với giáo dục mầm non, tổ chức học 2 buổi/ngày và ăn bán trú tại trường, lớp đạt tỷ lệ 97,4% tăng 6,4% so với năm 2010; 99% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non; 100% cơ sở giáo dục mầm non hoàn thành công tác tự đánh giá. Giáo dục tiểu học đã thực hiện các mô hình giáo dục mở hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đặc biệt, mô hình trường học mới Việt Nam được triển khai có hiệu quả rõ nét (được Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận là đơn vị điển hình và giới thiệu cho nhiều tỉnh, thành phố đến học tập kinh nghiệm). Tỷ lệ học sinh học 9-10 buổi/tuần là 84,1% (tăng 33,32% so với năm 2010); tỷ lệ học sinh học tiếng Anh đạt 45,2% (tăng 19,7%), tin học đạt 29,3% (tăng 11,6% so với năm 2010). Tỷ lệ học sinh hoàn thành về phát triển phẩm chất, phát triển năng lực đạt trên 99%. Chất lượng giáo dục ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông được kiểm soát theo yêu cầu đạt chuẩn, củng cố và nâng cao chất lượng. Tỷ lệ thanh thiếu niên 15-18 tuổi tốt nghiệp trung học cơ sở tăng 3,1% so với năm 2010; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên và dạy nghề tăng 10.6% so với năm 2010; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2015 đạt 92,4% (cao hơn trung bình toàn quốc 1%); nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi, cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế (huy chương Bạc Quốc tế cuộc thi – triển lãm Quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ; giải Nhất học sinh giỏi THPT cấp quốc gia; vô địch cuộc thi Vượt vũ môn cấp quốc gia; huy chương Vàng cấp quốc gia cuộc thi lập trình Elite...).

Công tác xóa mù chữ ở Lào Cai đã thực sự trở thành phong trào rộng khắp. Trong 2 năm 2014, 2015 đã mở được 212 lớp/5.197 học viên (vượt 15,4% so với kế hoạch giao). Tỷ lệ người mù chữ trong độ tuổi 15-60 giảm từ 9,7% xuống còn 8,9%.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được bổ sung và tăng cường, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non, tiểu học. Năm 2015, toàn ngành giáo dục có 18.374 cán bộ, giáo viên, nhân viên (tăng 3.250 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đó mầm non tăng 2.031, tiểu học tăng 665); 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên; 99,65% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp. Hàng năm, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục đều được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, trọng tâm là: bồi dưỡng chính trị, nhận thức về nhiệm vụ năm học, những vấn đề mới về chuyên môn, nghiệp vụ ở từng cấp học để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai đã ưu tiên huy động các nguồn lực đáng kể cho ngành giáo dục, đặc biệt là huy động nguồn vốn ngoài ngân sách chiếm 11%. Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã giao trên  2.000 tỷ đồng để thực hiện các đề án, dự án, chương trình, thực hiện các mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Lào Cai đã ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh ở vùng cao, học sinh con hộ nghèo để có điều kiện để học tập tốt hơn; gia đình các em đã giảm bớt khó khăn; huy động sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân. Qua đó, đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần nhất là cấp trung học cơ sở ở các xã vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh bằng nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân có nhiều thay đổi. Các nguồn lực xã hội hóa giáo dục từ nhân dân, sự đóng góp ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cho thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trong 5 năm tương đương trên 500 tỷ đồng.

Hoạt động hợp tác quốc tế được chú trọng. Các cơ sở giáo dục tích cực hợp tác giao lưu với các cơ sở giáo dục ngoài tỉnh và nước ngoài. Trong giai đoạn 2011-2015, có nhiều dự án nước ngoài, tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ cho giáo dục tỉnh Lào Cai cả về cơ sở vật chất cũng như hỗ trợ tập huấn về công tác quản lý, phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục; nhiều tình nguyện viên nước ngoài đến hỗ trợ dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục trên địa bàn tỉnh.
 
Trong giai đoạn 2016-2020, Lào Cai đã ban hành Đề án số 6 "Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo". Theo đó, phát triển nguồn nhân lực trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nhất là vùng cao, vùng dân tộc thiểu số; chuẩn hóa giáo dục vùng cao; 54% số trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%; tỷ lệ người trong độ tuổi phổ cập giáo dục từ 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở từng xã đạt 90% trở lên; 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục phổ thông và tương đương. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hướng nghiệp và dạy nghề. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục với nội dung toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai đạt trình độ tiên tiến, là một trong số tỉnh dẫn đầu các tỉnh khu vực Tây Bắc và Trung du miền núi phía Bắc./.
 
Hoàng Hà

Tin Liên Quan

Càng gian khó, càng đoàn kết như anh em ruột thịt

Cách đây 66 năm, ngày 23/9/1958, tại sân Tỉnh ủy, khi trò chuyện với cán bộ, công nhân, chiến sĩ, Nhân dân, kiều bào ta đang sinh sống tại Hà Khẩu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Ngày nay, dưới chế độ dân chủ cộng hòa của chúng ta, các dân tộc bất kỳ to hay nhỏ đều là bình đẳng, đều là...

Hơn 271 tỷ đồng ủng hộ người dân khắc phục hậu quả thiên tai

Theo thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đến 15h ngày 22/9/2024, Ban vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận đăng ký và ủng hộ của trên 6000 tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp với số tiền 271,9 tỷ đồng (trong đó Quỹ cứu trợ Trung ương là 180 tỷ đồng; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm là...

Ưu tiên số 1 là sắp xếp nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại hoàn toàn do hoàn lưu bão số 3

Đó là chỉ đạo của đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp về một số nội dung liên quan đến phương án khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh diễn ra chiều 22/9.

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...