Nông nghiệp Lào Cai tự tin hội nhập quốc tế

Cách đây 70 năm, Bộ Canh Nông (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chính thức được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập. Trải qua 70 năm, cùng với sự phát triển của đất nước, nông nghiệp, nông thôn Lào Cai đã có nhiều khởi sắc, vững bước hội nhập quốc tế.

Những năm tháng đất nước còn chiến tranh, Bác Hồ căn dặn đồng bào Lào Cai: “Muốn đủ lương thực thì phải ra sức trồng lúa và ngô khoai. Muốn người đông, sức đủ để tăng gia thì phải tổ chức tổ đổi công cho tốt, rồi tiến dần lên hợp tác xã. Các cán bộ cần phải hướng dẫn đồng bào, đặc biệt là đồng bào rẻo cao định canh, bảo vệ rừng, dùng phân bón, làm ruộng bậc thang, cải tiến kỹ thuật cày cấy”. Thực hiện lời huấn thị của Người, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương, Lào Cai tiến hành xây dựng hợp tác xã, cải cách dân chủ, thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), vừa sản xuất, vừa chiến đấu, đảm bảo tự túc lương thực, thực phẩm, cùng với nhân dân miền Bắc chi viện sức người, sức của cho miền Nam (1965 - 1975).

Nhờ đẩy mạnh phong trào khai hoang, thâm canh, áp dụng khoa học, kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất nên năng suất, sản lượng lương thực tăng nhanh: Năm 1964, tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt 34.833 tấn (đây là năm đầu tiên Lào Cai có thể tự túc được lương thực); năm 1965, sản lượng lương thực tiếp tục tăng, đạt 36.412 tấn; năm 1970 là 48.240 tấn, đến năm 1975 đạt 55.076 tấn.



Đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp.

Khi hợp nhất với tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, Lào Cai phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Kinh tế xuất phát điểm thấp, sản xuất nông nghiệp phần lớn là tự cung tự cấp, lương thực bình quân đầu người chỉ đạt 184 kg/năm, GDP bình quân thu nhập đầu người đạt 680.000 đồng/năm, tỷ lệ đói nghèo cao nhất nước, nhất là vùng nông thôn. Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp đã nỗ lực cùng nông dân trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn, tập trung nhiệm vụ phát triển sản xuất nâng cao năng suất, sản lượng lương thực, trước mắt giải quyết xóa đói, gắn với công tác định canh định cư, giảm đốt rừng làm nương, từng bước ổn định đời sống cho bà con.

Năm 1991, tỉnh Lào Cai được tái lập, ngành nông nghiệp bước vào chặng đường mới, với bộn bề khó khăn. Nhận thấy rõ tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp, nên qua các nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh luôn coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, nền tảng quan trọng để ổn định dân cư và là cơ sở để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Mục tiêu được đặt ra trong những năm đầu tái lập tỉnh là phải đảm bảo an ninh lương thực. Ngành nông nghiệp đã tập trung tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các đề án, dự án Kế hoạch, chương trình chi tiết qua từng giai đoạn nhằm thay đổi toàn diện nông nghiệp, nông thôn Lào Cai, tạo bước đi vững chắc, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội toàn tỉnh.

Giai đoạn 2000 - 2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các khóa: XII, XIII và XIV tiếp tục xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, cụ thể hóa bằng chủ trương hướng mạnh về cơ sở, với những chương trình, đề án, dự án nhằm huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh Lào Cai đã dành tới 70% nguồn lực từ ngân sách để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

Sau 25 năm xây dựng, phát triển, tổng sản lượng lương thực năm 2015 đạt 281.000 tấn (tăng 189.867 tấn so với năm 1991), lương thực bình quân đầu người từ 200 kg (năm 1991) tăng lên 440,5 kg (năm 2015), góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Cùng với đó, các dự án sản xuất hàng hóa đồng bộ từ nhân giống đến sản xuất và tiêu thụ có sự liên kết của doanh nghiệp được đẩy mạnh thực hiện như: Lúa chất lượng cao (trên 5.000 ha), rau an toàn (586 ha), chè kinh doanh (3.659 ha)…

Nhờ đó, giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác tăng từ 6 - 7 triệu đồng (năm 1991) lên 46,5 triệu đồng (năm 2015); chăn nuôi từng bước phát triển, quy mô mở rộng, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung theo các hình thức trang trại, phương thức bán công nghiệp và công nghiệp; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi bình quân đạt trên 11%/năm. Diện tích thủy sản tăng nhanh, đến nay đạt 1.900 ha, sản lượng đạt 5.698 tấn (tăng trên 5.000 tấn so với năm 1991). Ngoài ra, khai thác thế mạnh tiểu vùng khí hậu ôn đới, một số địa phương trong tỉnh đã tập trung phát triển nuôi cá nước lạnh, sản lượng đạt 392 tấn/năm. Lâm nghiệp chuyển hướng mạnh với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; bảo vệ và phát triển rừng được đặc biệt quan tâm, nâng độ che phủ rừng từ 18,2% (năm 1991) lên 53,3% (năm 2015).

Nhờ làm chủ khoa học, kỹ thuật, Lào Cai đã tổ chức nghiên cứu thành công 3 giống lúa lai, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là bộ lúa giống quốc gia. LC25, LC212, LC270 là 3 giống lúa mang thương hiệu Lào Cai, hằng năm tổ chức sản xuất trên 300 ha giống lúa lai F1, sản lượng trên 600 tấn, đáp ứng trên 65% nhu cầu hạt giống lúa trong tỉnh và cung cấp cho nhiều tỉnh trong khu vực. Cùng với đó, Lào Cai đã thực hiện nhân giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh và trong ống nghiệm đạt 1.000 tấn, đáp ứng nhu cầu giống khoai tây cho sản xuất; nghiên cứu khảo nghiệm thành công cây ăn quả ôn đới như lê Tai nung (VH6), đào Maycrest chín sớm…

Công tác khuyến nông chuyển giao khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa được đẩy mạnh nhằm nâng cao năng suất lao động, trình độ canh tác của người dân trong sản xuất. Khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống được khôi phục, mở rộng; hệ thống dịch vụ sản xuất nông nghiệp được tăng cường, các hợp tác xã và tổ hợp tác được củng cố hoạt động và thành lập mới để phù hợp với yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

Từ kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, sự hỗ trợ của Nhà nước, của hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân, đến nay, diện mạo nông thôn trong tỉnh đã đổi thay căn bản. Ước đến hết năm 2015, bình quân toàn tỉnh đạt 9,36 tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn/xã, trong đó có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới; kết cấu hạ tầng được cải thiện; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; hệ thống thủy lợi đã đảm bảo nước tưới chủ động trên 93% diện tích lúa xuân và 85% diện tích lúa mùa; 86% số hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh...

Giai đoạn 2016 - 2020, để đạt được những chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV đề ra, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu cho tỉnh ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng đẩy mạnh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; ưu tiên sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng thu nhập và nâng cao đời sống của nông dân.

Trong đó, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong nước và xuất khẩu; thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 6%/năm; tăng trưởng GDP đạt 5,4%/năm; đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp hàng hoá có giá trị kinh tế cao, chuyển dịch cây trồng vật nuôi, mở rộng diện tích tăng vụ để tăng hệ số sử dụng đất nông nghiệp và giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác, tạo ra các vùng sản xuất có quy mô lớn, phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực của tỉnh để đủ sức cạnh tranh trên thị trường; tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, doanh nhân và các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn có hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao hàm lượng tri thức trong tất cả hoạt động của ngành để thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn./.
Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).