Diễn đàn phát triển xã hội lưu vực sông Hồng Việt – Trung lần thứ V thành công tốt đẹp

Trong 4 ngày (từ 11 đến14/11), tại Học viện Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã diễn ra Diễn đàn Phát triển xã hội lưu vực sông Hồng Việt – Trung lần thứ V.

Đây là diễn đàn do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai, Học viện Hồng Hà (châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc) và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp tổ chức.

Tham dự Diễn đàn về phía Việt Nam có các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; Đỗ Trường Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trần Thị Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH & NV) cùng các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu đến từ Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Trường Đại học KHXH & NV, đại diện một số sở, ngành Lào Cai, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu.

Về phía Trung Quốc có ông Tống Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Vân Nam; bà La Bình, Trưởng ban Thống nhất Mặt trận Châu ủy châu Hồng Hà; ông Trương Vĩnh Minh, Bí thư Đảng ủy Học viện Hồng Hà; ông Cam Tuyết Xuân, Hiệu trưởng Học viện Hồng Hà. Cùng dự diễn đàn có hàng trăm đại biểu là học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa đến từ các trường đại học của Trung Quốc và Học viện Hồng Hà.
 


Đồng chí Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai
phát biểu tại Lễ khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Diễn đàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong, nhấn mạnh: Diễn đàn Phát triển xã hội lưu vực sông Hồng là một trong những nội dung hợp tác mà hai bên đã khởi động từ năm 2005. Qua 4 lần tổ chức trước đó, đã thu hút trên 400 lượt học giả, nhà khoa học, các nhà quản lý của Việt Nam và Trung Quốc tham dự với hàng trăm báo cáo khoa học. Từ những kết quả của diễn đàn, nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học đã định hình và phát triển.

Các diễn đàn đã đặt ra tiền đề nghiên cứu lịch sử giao lưu giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc qua lưu vực sông Hồng, qua đó khẳng định chủ đề nghiên cứu giao lưu kinh tế - văn hóa qua lưu vực sông Hồng trong lịch sử và hiện tại luôn được hai quốc gia, hai địa phương coi trọng. Đồng thời, tại các diễn đàn cũng đã quan tâm đến việc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các nhà quản lý hai tỉnh Lào Cai - Vân Nam nghiên cứu, vận dụng.

Những kết quả trao đổi qua mỗi diễn đàn, hội thảo đã được vận dụng vào thực tế, đóng góp vào những kết quả hợp tác tốt đẹp mà hai tỉnh đã đạt được trong những năm qua. Diễn đàn lần này sẽ xuất phát từ lợi ích chung của hai bên để trao đổi chân thành, đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị thiết thực, nhằm thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, cùng phát triển của lưu vực sông Hồng. Qua đó, đóng góp ý kiến góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tình hữu nghị, sự hợp tác giữa các tỉnh trong lưu vực sông Hồng của Việt Nam và Trung Quốc. Diễn đàn lần này cũng là một trong những hoạt động Kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Trung Hoa.
 


Quang cảnh Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà La Bình, Trưởng Ban thống nhất Mặt trận Châu ủy châu Hồng Hà (Vân Nam – Trung Quốc) cũng cho rằng: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hai nước Trung – Việt tận dụng thời cơ thúc đẩy xây dựng “Khu mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN”, “Khu hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mê Kông”, “Khu hợp tác kinh tế biên giới Hà Khẩu – Lào Cai”, tận dụng ưu thế địa lý, cùng có lợi, bổ sung ưu thế cho nhau, không ngừng mở rộng lĩnh vực hợp tác, cùng nhau phát triển, gia tăng tốc độ xây dựng khu hợp tác kinh tế vùng biên Hà Khẩu – Lào Cai, nâng cao năng lực cạnh tranh của hai khu vực biên giới. Diễn đàn sẽ có nhiều đóng góp, kế thừa, phát huy văn hóa dân tộc xuyên biên giới, phát triển kinh tế du lịch lưu vực sông Hồng, cùng nỗ lực thúc đẩy phát triển xã hội lưu vực sông Hồng.
 


Đồng chí Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai
trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí Trung Quốc.

Sau lễ khai mạc, tại Diễn đàn đã được nghe nhiều tham luận và ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, học giả, chuyên gia nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín của Việt Nam và Trung Quốc. Nội dung thảo luận tại diễn đàn lần này tập trung vào các nội dung chính: Phát triển hợp tác du lịch Việt - Trung; Vai trò cửa khẩu, giao thông với phát triển du lịch lưu vực sông Hồng; Lịch sử văn hóa Việt - Trung và quan hệ dân tộc biên giới.

Nhiều tham luận mang tính khoa học cao, mang tầm quốc tế, trong đó có nhiều bài nghiên cứu về du lịch, đề cập khách quan đến vấn đề ưu điểm trong quản lý khai thác phát triển du lịch (thị trường du lịch, tài nguyên du lịch, chính sách phát triển du lịch), đặc biệt nhấn mạnh trong hợp tác phát triển du lịch, đưa ra những định hướng quan trọng, sự tương tác giữa các bên để phát triển du lịch, đổi mới quảng bá giao lưu văn hóa gắn với phát triển du lịch. Điển hình như các tham luận: Vai trò của Cửa khẩu Lào Cai với phát triển kinh tế - xã hội vùng biên; Thu hút thị trường khách du lịch Trung Quốc đến Lào Cai; Thương mại biên giới và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai; Phát triển du lịch văn hóa dân tộc Mông tại Sa Pa; Văn hóa “ruộng bậc thang” của người Hà Nhì ở Việt Nam và Trung Quốc…

Các đại biểu đã tập trung phân tích, đưa ra nhiều kiến nghị tổ chức du lịch xuyên biên giới, đổi mới chính sách thông quan, quản lý nhà nước về du lịch trong lưu vực sông Hồng, vai trò của các hiệp hội du lịch 2 quốc gia, xây dựng du lịch biên mậu mang tầm chiến lược… Xây dựng cơ chế quản lý các sản phẩm du lịch, phát triển lượng khách quốc tế sang nước thứ 3 (du lịch xuyên quốc gia) với chủ đề “Hai quốc gia - 1 điểm đến”; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù (di sản ruộng bậc thang); khám phá sông Hồng để hiểu được ứng xử của các cư dân 2 bên sông Hồng…

Trong đó, nhiều đại biểu đã phân tích những ưu điểm và hạn chế về hợp tác phát triển du lịch; trong đó đề xuất thành lập Ủy ban hợp tác du lịch xuyên biên giới; thống nhất chương trình hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch cùng tham gia cạnh tranh tạo sức hút du lịch, cùng nhau tạo dựng thương hiệu du lịch, cùng chia sẻ tài nguyên, lợi nhuận về du lịch.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, hàng trăm học giả, chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học đã có chuyến khảo sát điền dã tại Khu du lịch danh thắng Ruộng bậc thang Nguyên Dương (thị trấn Nguyên Dương, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam – Trung Quốc) – di sản thiên nhiên thế giới; tìm hiểu sinh hoạt văn hóa, ẩm thực của dân tộc Hà Nhì ở Nguyên Dương và cách làm ruộng bậc thang của họ. Qua khảo sát đã đề xuất ý tưởng hình thành sản phẩm du lịch văn hóa ruộng bậc thang xuyên biên giới. Theo đó, trong tương lai, hợp tác xây dựng tuyến du lịch carnaval tự lái xe khám phá ruộng bậc thang từ Mù Cang Chải (Yên Bái) đến Sa Pa – Y Tý (Lào Cai) sang Nguyên Dương (Vân Nam – Trung Quốc) về Hoàng Su Phì (Hà Giang).


Các đại biểu tham dự Diễn đàn.
 
Cũng trong dịp này, đoàn công tác của tỉnh Lào Cai tham gia Diễn đàn đã có chuyến khảo sát điền dã đường sắt Điền Việt, khu bảo thuế Mông Tự, mô hình xây dựng nông thôn mới của dân tộc Di; tham quan trung tâm hành chính châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và tham dự Lễ hội văn hóa nghệ thuật châu Hồng Hà lần thứ nhất. Đoàn công tác đã có cuộc hội kiến với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Châu ủy châu Hồng Hà.
 


Một tiết mục tại Lễ hội văn hóa nghệ thuật châu Hồng Hà.

Qua các hoạt động tham quan tại châu Hồng Hà và sáng kiến tổ chức “Lễ hội văn hóa nghệ thuật châu Hồng Hà” của Châu ủy, Chính phủ nhân dân châu Hồng Hà là một việc làm rất có ý nghĩa và là cơ hội tốt thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật để tiếp tục làm phong phú thêm chương trình, nội dung hợp tác và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc)./.
Theo Thanh Cường/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).