Lào Cai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Lào Cai với đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa có các tiểu vùng khí hậu rất thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp đa dạng mang tính đặc hữu và cả ưu thế cạnh tranh. Để du lịch nông nghiệp, nông thôn “cất cánh”, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế thì cần có lộ trình với những định hướng, giải pháp hiệu quả.

Phát huy những thế mạnh ưu đãi của thiên nhiên và huy động hiệu quả các nguồn lực, tỉnh Lào Cai đã có những chính sách phát triển nông nghiệp phù hợp và đang thu được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là kết quả bước đầu của các mô hình du lịch nông nghiệp. Tỉnh xác định tập trung phát triển du lịch nông thôn dựa trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn, góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.

Muốn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đồng bộ từ tỉnh đến địa phương.

Kế hoạch thực hiện Chương trình du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và riêng của năm 2023 với mục tiêu các phát triển, chuẩn hoá các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, xây dựng mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn mang tính đặc trưng của địa phương, bồi dưỡng, tập huấn quản lý du lịch và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch…

Homestay ở huyện Bắc Hà.

Triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù như: Hỗ trợ 15 triệu đồng/ sản phẩm 3 sao, 30 triệu đồng/sản phẩm 4 sao, riêng đối với sản phẩm OCOP đạt chứng nhận cấp quốc gia hỗ trợ 80 triệu đồng/sản phẩm 5 sao (Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020); Hỗ trợ 100% chi phí xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh và hàng hóa nông sản khác. Đối với phát triển du lịch cộng đồng, tỉnh có chính sách cho vay đối với người lao động tối đa không quá 100 triệu đồng/người, không quá 40 triệu đồng/đội đối với thành lập mới câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian, hỗ trợ tối đa không quá 05 triệu đồng/tháng/đội duy trì hoạt động của câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian.

Đội văn nghệ dân gian tham gia biểu diễn tại các sự kiện của địa phương.

Đến nay, đã giải ngân được 1.305 triệu đồng hỗ trợ các sản phẩm được chứng nhận OCOP của năm 2021 và 2022, dự kiến giải ngân thêm 600 triệu đồng trong năm 2023; giải ngân 22 tỷ đồng cho 224 hộ gia đình làm du lịch cộng đồng tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Bảo Yên giúp người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh doanh du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Bước đầu hình thành được 10 đội văn nghệ dân gian tại các điểm du lịch, khuyến khích người dân có ý thức bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai.

Nghĩa Đô - điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của Bảo Yên.

Du lịch nông thôn nói chung khá đa dạng, tuy nhiên, các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo là du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Trong đó, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh thu hút được sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Tính đến đầu tháng 12/2023, Lào Cai có 11 điểm du lịch cộng đồng được công nhận, cùng với đó là hệ thống các làng, thôn, bản có thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch. Hầu hết các điểm du lịch cộng đồng tập trung chủ yếu ở thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà và từng bước mở rộng sang huyện Bát Xát, huyện Bảo Yên.

Toàn tỉnh có 457 cơ sở lưu trú tại gia (homestay) ở thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà, huyện Bát Xát, huyện Bảo Yên, thành phố Lào Cai. Các homestay cơ bản đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ như: chăn, ga, gối, đệm, buồng ngủ, nhà vệ sinh, bếp nấu ăn… đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho khách lưu trú. Với việc lựa chọn dịch vụ homestay, khách du lịch được ngủ, nghỉ tại nhà truyền thống của người Dao, Mông; nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày; nhà trình tường người Hà Nhì… và tìm hiểu về phong tục tập quán, đời sống văn hóa của người dân địa phương. Hiện nay, tỉnh Lào Cai có 3 nhóm homestay của đồng bào dân tộc Giáy tại xã Tả Van (thị xã Sa Pa); dân tộc Tày tại xã Tà Chải (huyện Bắc Hà), xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) được Hiệp hội du lịch các quốc gia ASEAN công nhận đạt chuẩn homestay ASEAN. Đây là cơ hội để quảng bá, giới thiệu du lịch cộng đồng của tỉnh với khách du lịch.

Trên địa bàn tỉnh đang triển khai 08 mô hình thí điểm cấp tỉnh về du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn; trong đó 01 mô hình cấp tỉnh chủ trì, 07 mô hình do đơn vị cấp huyện chủ trì. Trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Lào Cai được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thực hiện 01 mô hình thí điểm “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Tày trên địa bàn xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên”.

Tổ chức các lớp tập huấn, mời chuyên gia giảng dạy nhằm bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống.

Xác định sản phẩm du lịch được xây dựng cần đảm bảo 3 yếu tố đa dạng, đặc sắc và gia tăng giá trị, tỉnh Lào Cai đã tổ chức 02 lớp tập huấn về du lịch nông thôn, 04 lớp về Chương trình OCOP; 29 lớp tập huấn về công tác bảo vẹ môi trường, cấp nước sinh hoạt nông thôn, vệ sinh an toàn thực phẩm… Có trên 90% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch và khoảng 91% lao động tham gia hoạt động du lịch cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch.

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch nông thôn chủ yếu lồng ghép với hoạt động xúc tiến chung của tỉnh. Đến nay, có 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá bằng nhiều hình thức như xây dựng các ẩn phẩm quảng bá du lịch: du lịch chợ phiên, du lịch leo núi, du lịch tâm linh, bản đồ Sa Pa, Bắc Hà, in ấn bộ công cụ nhận diện thương hiệu của du lịch Lào Cai, sách ảnh du lịch Lào Cai… Năm 2023, công tác truyền thông, quảng bá tập trung vào các chương trình liên kết hợp tác quốc tế, trong nước và phát triển các sản phẩm du lịch mới, tổ chức các sự kiện du lịch hấp dẫn như: Hội nghị chuyên đề về xây dựng triển khai sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc tại Khu du lịch quốc gia Sa Pa, huyện Bắc Hà, thành phố Lào Cai; phát động Chương trình kích cầu tri ân khách du lịch nhân dịp 120 năm Du lịch Sa Pa với gần 100 doanh nghiệp hưởng ứng; triển khai Cổng Du lịch thông minh với 251.265 lượt truy cập và 4.954 người dân, du khách cài đặt ứng dụng truy cập trên điện thoại thông minh.

Mặc dù có nhiều khởi sắc nhưng tổng thể bức tranh du lịch nông nghiệp, nông thôn của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn còn thiếu, chưa chuyên nghiệp. Số lượng, quy mô các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn còn “khiêm tốn”. Hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho du lịch nông nghiệp, nông thôn thiếu tính đồng bộ. Hơn hết, các dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu dẫn đến tính hấp dẫn của du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa cao.

Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón 10 triệu lượt khách du lịch; doanh thu từ du lịch 44.500 tỷ đồng; tạo việc làm cho 40.000 - 42.000 lao động việc làm trong lĩnh vực du lịch. Việc xây dựng phát triển du lịch nông thôn phù hợp với đặc thù của mỗi địa phương góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu năm 2025 của tỉnh Lào Cai về phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; thời gian tới Lào Cai sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch nông thôn; thực hiện công tác quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch nông thôn; triển khai hiệu quả các mô hình thí điểm làm tiền đề nhân rộng ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.

Anh Đào

Tin Liên Quan

Khách du lịch đến Sa Pa tăng 33,2% so với kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2023

Trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8 - 3/9), Lào Cai đón khoảng 196.500 lượt khách. Lượng khách du lịch đến các địa phương tăng nhẹ so với kỳ nghỉ 2/9/2023, riêng thị xã Sa Pa đón khoảng 122.770 lượt khách, tăng 33,2% so với kỳ nghỉ lễ 2/9/2023.

Lễ hội mùa Thu "Sa Pa - mùa vàng" 2024 hứa hẹn hàng loạt sự kiện hấp dẫn

Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024 không chỉ là dịp để du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của vùng cao mà còn là cơ hội để trải nghiệm những hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực hấp dẫn.

Nên đi đâu tại Lào Cai trong kỳ nghỉ lễ này?

Kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh mùng 2/9 đúng vào dịp thời tiết Lào Cai thuận lợi. Dự kiến những ngày nghỉ trời có nắng, phù hợp để du khách trải nghiệm các hoạt động ngoài trời, tận hưởng không khí đón mùa thu. Những ngày này, các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch hấp dẫn để thu hút...

Lần đầu tiên tỉnh Lào Cai tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế

Với chủ đề “Du lịch Lào Cai - kết nối khát vọng xanh”, Hội chợ Du lịch Quốc tế Lào Cai năm 2024 (Laocai International Travel Mart – LITM 2024) sẽ được tổ chức từ ngày 7/11 đến ngày 10/11/2024 tại khu vực Quảng trường Đinh Lễ (thành phố Lào Cai).

Hoa dơn thóc rực rỡ khoe sắc trên đỉnh Fansipan

Kéo dài tới hết 30/8, Lễ hội hoa dơn thóc 2024 đang thu hút đông đảo khách du lịch tới đỉnh Fansipan với biển hoa trải dài từ độ cao hơn 3.000 m và hàng loạt hoạt động vui chơi hấp dẫn, mang đậm sắc màu văn hóa Tây Bắc.

Đi tàu hỏa - trải nghiệm thú vị cho du khách đến Lào Cai