Gieo mầm xanh, ươm hy vọng

Nâng niu từng hạt giống nhỏ, tỉ mỉ gieo trồng và chăm sóc cây non đến tuổi xuất vườn. Cứ vậy, những người làm nghề gieo ươm cây giống đã giúp nhân lên màu xanh cho những cánh rừng, ươm hy vọng no ấm cho bao gia đình làm nghề lâm nghiệp.
Chăm sóc cây giống tại vườn ươm

Cần mẫn gieo những mầm xanh

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Yên Bái, nơi có nhiều đồi núi nên cuộc sống của ông Nguyễn Ngọc Long khi đến sinh sống tại thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên vẫn giữ nghề truyền thống là gắn bó với những cánh rừng. Ông luôn mong muốn sẽ đóng góp công sức của mình cho những cánh rừng ngày càng thêm xanh. Để thực hiện được điều đó, những năm 1990, khi mới định cư tại Bảo Yên, ông Long xin vào làm công nhân vườn ươm thuộc Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên (nay là Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên). Sau hơn 30 năm làm việc tại công ty, đến tuổi nghỉ hưu ông Long vẫn không chịu nghỉ ngơi mà bàn với vợ thuê đất để tiếp tục làm vườn ươm, gieo mầm xanh cho đời.

Trên gần 2 ha, vườn ươm giống cây lâm nghiệp được ông Long đầu tư khoa học, bài bản với tường rào kiên cố, đường bê tông, nhà để vật liệu, mái che, hệ thống bể cứng, đường ống phun nước tưới tự động. Các lô cây giống đều có biển tên rõ ràng, sổ nhật ký theo từng lô, từng luống minh bạch. Tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng quản lý, giám sát và cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống. Chia sẻ về kinh nghiệm ươm cây giống, ông Long cho biết: Để cây giống phát triển và sinh trưởng tốt, cần phải tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ khâu lựa chọn đất, hạt giống, đến khâu trộn đất đóng bầu, gieo hạt và chăm sóc. Trong quá trình ươm cây giống cần chú ý luống ươm phải được bố trí cao ráo, dễ thoát nước. Kết hợp sử dụng phân hữu cơ và phân bón NPK để chăm bón; việc phòng, trừ sâu, bệnh hại cũng được chú trọng ngay từ khi mới gieo ươm và trong suốt thời gian chăm sóc.

Những cây giống, đặc biệt là cây quế giống thường mắc các loại bệnh như nấm trắng, phấn hồng, thán thư, cháy lá… nên căn cứ vào ngày tuổi của cây và sự thay đổi của màu lá, thân cây, tốc độ sinh trưởng, ông sẽ thực hiện chế độ tưới nước, phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh thích hợp. Một kinh nghiệm nữa để cây giống sau khi trồng sinh trưởng, phát triển tốt là trước khi xuất vườn khoảng 2 tháng, mở màng che, không bón phân giúp cây dần thích nghi với điều kiện khí hậu, thời tiết.

Nhờ áp dụng những kinh nghiệm tích lũy trong khi làm việc ở công ty, cùng với những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, vườn ươm của ông Long ngày càng nâng cao chất lượng cây giống, được nhiều người dân trong vùng, thương lái tìm đến đặt mua. Trung bình mỗi năm, cơ sở của ông sản xuất hơn 4 triệu cây giống, chủ yếu là quế và keo. Với số lượng đó không chỉ giúp cung cấp giống cây phủ xanh hàng trăm héc ta rừng mà còn đem về cho gia đình nguồn thu nhập hàng tỷ đồng.

Vườn ươm giống cây của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Yên.

Ươm nghề xanh

Ở xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng không ai là không biết bà Đoàn Thị Kính (vợ của Giám đốc Công ty  TNHH Một thành viên Giống nông - lâm nghiệp Tiến Thành). Là người “chỉ huy” trực tiếp nhưng bà không nhận cho mình chức vụ gì trong công ty, mà chỉ nghĩ làm cho những vườn cây con kia ngày ngày xanh tốt và rộng mở quy mô.

Ở xã Sơn Hải hiện có gần chục vườn ươm cây giống có quy mô, chưa kể các vườn ươm nhỏ lẻ của các hộ gia đình. Đây được coi là làng nghề ươm cây giống trên địa bàn huyện Bảo Thắng. Có những người đến học nghề ươm cây hoặc làm công chỗ bà từ khi còn là thanh niên, nay đã lên chức ông, chức bà vẫn theo nghề là do tình yêu với cây mà bà đã gieo vào lòng họ. Gắn bó với nghề ươm cây giống gần 25 năm nay, mọi công việc từ trong vườn ươm cho đến thị trường được bà tính toán, sắp đặt khoa học, chặt chẽ khiến người khác phải khâm phục. Liên tục những cuộc điện thoại gọi đến đặt hàng cây giống từ các nơi trong và ngoài tỉnh như Yên Bái, Lai Châu, Lạng Sơn… khiến cuộc trò chuyện giữa bà với chúng tôi nhiều lần gián đoạn.

Một ngày của bà bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ khi mặt trời chưa thức giấc. Nghề ươm cây đã tạo cho bà thói quen dậy sớm để ra vườn kiểm tra từng luống đất, chăm sóc hạt sau khi gieo, kiểm tra từng bầu cây… Nhiều năm nay, những việc này đã có công nhân phụ trách, nhưng bà vẫn kiểm tra hằng ngày cho yên tâm hơn. Những người làm nghề ươm cây ở xã Sơn Hải gọi bà là người truyền nghề, bởi hầu như ai “ra riêng” với nghề cũng đã từng là người học việc chỗ vườn ươm của bà Kính. Với bà, đó là niềm vui riêng có, bởi người dân ở trong thôn, xã hầu hết đã có kinh tế ổn định, sống tốt với nghề ươm cây giống lâm nghiệp mà bà truyền cho. Nhưng hơn cả, bà thấy vui vì càng nhiều người làm nghề này rừng càng thêm xanh. Bà chưa bao giờ mảy may lo lắng đến việc bị cạnh tranh, mất mối bán cây giống.

Vận chuyển cấy giống xuất vườn.

Được biết, bà Đoàn Thị Kính gắn bó với nghề gieo ươm cây giống từ năm 1996, khi ấy bà vừa rời quê hương Hải Dương lên Lào Cai lập nghiệp, được nhận vào làm công nhân tại một cơ sở lâm sinh của huyện. Ở đây, công việc chính của cô gái mới ngoài 20 tuổi là hằng ngày đóng bầu, gieo hạt giống. Dần dần kinh nghiệm được tích lũy, bà được bầu là tổ trưởng sản xuất, phụ trách công việc gieo ươm cây giống, kiến thức về giống cây lâm nghiệp được bồi đắp thêm. Khi đã tích lũy được kinh nghiệm, ngoài công việc của lâm trường, bà Kính tự sản xuất cây giống tại gia đình, tạo công việc cho con cái và những người dân trong thôn.

Công ty Công ty TNHH Một thành viên Giống nông - lâm nghiệp Tiến Thành hiện có quy mô vườn ươm hơn 4 ha, có 6 lao động làm việc thường xuyên, ngoài ra hợp đồng thêm khoảng 30 lao động thời vụ khi khối lượng công việc nhiều. Trong cuốn sổ ghi chép kế hoạch sản xuất hằng năm, bà Kính khoe với chúng tôi mục tiêu của năm nay là sản xuất 5 triệu cây giống, trong đó trên 50% là giống quế và một số giống cây mới như cây hồi, dổi, trám… doanh thu ước đạt trên 5 tỷ đồng. Bà Kính bộc bạch: Nghề ươm cây giống này đòi hỏi người làm phải có cái tâm, sự đam mê mới kiên trì theo đuổi được, bởi chỉ khi tạo ra giống cây chất lượng thì người mua mới tiếp tục lựa chọn mình thêm nhiều lần nữa. Ươm hạt giống là phải nghĩ đến những rừng cây xanh tốt, điều đó bắt nguồn từ chất lượng nguồn giống, như vậy mới bền vững với nghề…

https://baolaocai.vn/bai-viet/352988-gieo-mam-xanh-uom-hy-vong

Theo Kim Thoa/LCĐT

Tin Liên Quan

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.

Câu lạc bộ Lào Cai 1 đứng thứ 5 chung cuộc Giải vô địch Taekwondo các câu lạc bộ quốc gia 2024

Chiều 18/9, tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh đã diễn ra Lễ bế mạc Giải vô địch Taekwondo các câu lạc bộ quốc gia - Cúp Đại sứ Hàn Quốc 2024.

Chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế do ảnh hưởng của thiên tai theo quy định của pháp luật về thuế

Để cùng chung tay kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế nhanh chóng khắc phục hậu quả sau mưa lũ, Cục Thuế tỉnh Lào Cai thông tin một số nội dung liên quan đến miễn, giảm, gia hạn nộp thuế do ảnh hưởng của thiên tai theo quy định của pháp luật về thuế (Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày...