Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo

Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo được xem là xu hướng tất yếu trên thế giới hiện nay, khi góp phần quan trọng hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường, cũng như giảm sự phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch.

Trang trại năng lượng mặt trời ở Thái-lan.

Thế giới đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng, trong đó sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn "năng lượng xanh" được xem là điểm sáng nổi bật. Bất chấp những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng của ngành năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo vẫn tiếp tục được chú trọng phát triển. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính, công suất điện gió và quang điện sẽ vượt công suất của khí đốt vào năm 2023 và than đá vào năm 2024. Theo Giám đốc điều hành IEA Ph.Bi-rôn, đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, cung cấp một phần ba lượng điện trên thế giới.

Giới phân tích nhận định, chống biến đổi khí hậu là lý do chính khiến nhiều quốc gia coi trọng vai trò của năng lượng tái tạo, song đây không không phải động lực duy nhất. Ðối với một số nước, mục tiêu giảm ô nhiễm không khí, các vấn đề sức khỏe do ô nhiễm không khí và đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng là những động lực chính. Dù với lý do gì, việc phát triển năng lượng thân thiện với môi trường đã trở thành mục tiêu ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới trong nhiều năm qua.

Tại châu Á, trong tuyên bố về Tầm nhìn trung hòa các-bon vào năm 2050 mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In khẳng định mục tiêu đưa năng lượng tái tạo trở thành nguồn năng lượng chủ chốt tại "xứ sở kim chi". Cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản cũng công bố kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050, trong đó yêu cầu tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện lên ít nhất 50%.

Trong khi đó, Thái-lan kỳ vọng, đến năm 2036, các nguồn năng lượng sạch chiếm 30% tổng tiêu thụ năng lượng ở nước này, gần gấp hai lần tỷ lệ hiện tại. Ðể hiện thực hóa ý tưởng này, Thái-lan đã khởi động chương trình năng lượng cho mọi người, theo đó cho phép các nhà đầu tư tư nhân và cộng đồng cùng đầu tư vào các nhà máy điện tái tạo. Chương trình này bắt đầu được đưa vào thí điểm trong năm 2021. Tại Ấn Ðộ, trong nỗ lực thực hiện mục tiêu tham vọng tạo ra 175 GW năng lượng tái tạo vào năm 2022 và 450 GW vào năm 2030, mới đây, Thủ tướng N.Mô-đi đã đặt nền móng khởi công xây dựng công viên năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Công viên này dự kiến sẽ giúp Ấn Ðộ giảm 50 triệu tấn khí thải các-bon đi-ô-xít mỗi năm.

Là một trong những khu vực đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, châu Âu đã có những bước tiến nhanh trong quá trình chuyển đổi nhiên liệu ngành năng lượng điện. Theo cơ quan nghiên cứu khí hậu Ember, có trụ sở ở Anh, trong sáu tháng đầu năm 2020, năng lượng tái tạo và năng lượng sinh học đã góp phần tạo ra 40% tổng sản lượng điện của 27 nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU), tăng 11% so cùng kỳ năm 2019. Mới đây, EU đã công bố kế hoạch tiến tới mục tiêu chuyển sang sử dụng chủ yếu năng lượng tái tạo để sản xuất điện năng trong vòng 10 năm tới và tăng cường công suất điện gió ngoài khơi lên gấp 25 lần vào năm 2050.

Các nguồn năng lượng tái tạo hiện chiếm hơn 30% sản lượng điện năng của EU. Tuy nhiên, các lãnh đạo EU cho rằng, cần nâng tỷ trọng này lên hơn 60% vào năm 2030, để có thể đạt được mục tiêu trung hòa khí thải các-bon năm 2050. Theo kế hoạch, mỗi nước thành viên EU sẽ thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo, giúp khối đạt được các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu. Bản kế hoạch trên nêu rõ, tất cả những nước EU giáp biển đều có tiềm năng sản xuất điện gió, trong đó, ba nước sản xuất chủ chốt là Ðức, Hà Lan và Ðan Mạch.

Trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và phát triển nền "kinh tế xanh" đang là những ưu tiên hàng đầu đối với nhiều quốc gia trên thế giới, năng lượng tái tạo ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, việc phát triển các nguồn năng lượng sạch cần được đẩy nhanh hơn nữa nếu thế giới muốn đạt được các mục tiêu lâu dài về khí hậu và môi trường.

https://nhandan.org.vn/tin-tuc-the-gioi/xu-huong-phat-trien-nang-luong-tai-tao-631286/

Theo Báo Nhân dân

Tin Liên Quan

Cảnh báo tác động “tàn khốc” của biến đổi khí hậu và xung đột đối với người nghèo

Biến đổi khí hậu và xung đột có nguy cơ làm lu mờ những nỗ lực cải thiện sức khỏe con người, trong khi thực tế các vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời, Peter Sands, người đứng đầu Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét cho biết.

Đức nỗ lực ổn định thị trường lao động

Thiếu hụt lao động lành nghề là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất đối với nước Đức, gây lo ngại cho các doanh nghiệp. Việc áp dụng luật nhập cư lao động lành nghề mới của Đức được giới chuyên gia đánh giá cơ bản là tích cực, song vẫn còn nhiều phức tạp và là yếu tố khiến quốc gia này tụt...

Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024

Ngày 17/9, tại Trung tâm triển lãm Crocus Expo ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024.

Thế giới tuần qua: Thiên tai, dịch bệnh và những hệ lụy

Hàng triệu người ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, thiệt hại về người và của sau khi siêu bão Yagi, cơn bão được đánh giá là lớn nhất châu Á trong năm 2024 đổ bộ. Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận...

Ấn tượng Việt Nam tại một trong những hội chợ du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới

Ngày 17/9, Hội chợ du lịch quốc tế và Pháp IFTM Top Resa năm 2024 (Top Resa 2024) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế Versailles, Paris.

Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em

Theo nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang khiến cho "cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em" trở nên tồi tệ hơn.