“Kịch bản” tăng trưởng công nghiệp trước dịch Covid-19

Lào Cai chưa có trường hợp nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã và đang tác động mạnh đến tình hình kinh tế - xã hội, trong đó có sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Trước tình hình đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan chủ động phối hợp, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó

Nhà máy Gang thép Lào Cai của Công ty Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) mỗi tháng nhập khẩu hàng nghìn tấn than cốc, vật liệu chịu lửa… qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, nhưng hiện nay chưa có phương án khả thi để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất trong thời gian tới và việc xuất khẩu phôi thép sang Trung Quốc cũng bị đình trệ. Các chuyên gia, lao động người Trung Quốc không được nhập cảnh vào Việt Nam hoặc đang ở Việt Nam nhưng sắp hết hạn visa, không được gia hạn.
Tương tự, tổ hợp nhà máy tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng của Công ty TNHH Một thành viên hóa chất Đức Giang, mặc dù sau Tết Nguyên đán đã sớm hoạt động trở lại nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid -19, việc vận chuyển vật tư, đặc biệt là các vật tư nhập khẩu từ Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguyên liệu đầu vào, giá nguyên - nhiên vật liệu tăng.

Sản xuất gang thép sẽ giảm 25% - 30% nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, Dự án Nhà máy Luyện đồng Bản Qua (công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI) của Tổng Công ty Khoáng sản (TKV) đang trong giai đoạn lắp đặt thiết bị cũng gặp trở ngại lớn. Hiện nay, 15% thiết bị đã về đến nhà máy, 25% thiết bị về đến cửa khẩu nhưng chưa được thông quan và 60% thiết bị rải rác tại 13 tỉnh của Trung Quốc chưa vận chuyển được về Hà Khẩu.

Theo Sở Công thương, với tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, sản xuất công nghiệp của tỉnh sẽ đứng trước nhiều thách thức. Nguyên liệu đầu vào sẽ thiếu do nguồn cung nhập khẩu từ Trung Quốc hạn chế. Theo tính toán dự kiến, 6 tháng đầu năm, sản xuất gang thép của VTM thiếu hụt khoảng 80 nghìn tấn than cốc (hiện đang dự trữ cho hoạt động khoảng 1,5 tháng); sản xuất phân bón của Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem thiếu hụt nguyên liệu amoniac khoảng 20 nghìn tấn; các đơn vị sản xuất phân bón super lân và NPK cũng thiếu hụt khoảng 100 nghìn tấn lưu huỳnh để sản xuất axit sunfuric phục vụ sản xuất phân bón.

Bên cạnh đó, nguyên liệu, máy móc, phụ tùng thay thế của các nhà máy sản xuất công nghiệp đang hoạt động cũng gặp khó khăn do điện cực cacbon trong sản xuất phốt pho vàng, phụ tùng thay thế của các nhà máy chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, các dự án công nghiệp dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2020 sẽ chậm tiến độ; nhu cầu lao động kỹ thuật và chuyên gia Trung Quốc phục vụ lắp đặt và thi công các dự án thiếu...

2 kịch bản tăng trưởng

Trước tình hình trên, Sở Công thương đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng cho sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Kịch bản thứ nhất là với tình hình dịch bệnh kéo dài đến hết quý I/2020. Giải pháp là tìm kiếm nguồn cung khác ngoài Trung Quốc có thể bù đắp được 50% nguyên liệu đầu vào do thiếu hụt theo tính toán nêu trên. Do đó, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ở một số ngành nghề sẽ bị ảnh hưởng, sau khi hết dịch, sản xuất được đẩy mạnh nhằm đáp ứng thị trường thiếu hụt. Sản xuất gang, thép giảm 25% - 30% trong 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm sẽ trở lại sản xuất theo công suất thiết kế. Sản xuất phân bón, hóa chất giảm 20% - 25% trong 6 tháng đầu năm (riêng phốt pho vàng có thể giảm tới 50% do điện cực chỉ còn duy nhất nguồn cung từ Trung Quốc), 6 tháng cuối năm sẽ tăng mạnh, khả năng đạt công suất thiết kế. Công nghiệp khai thác ảnh hưởng nhẹ trong 6 tháng đầu năm và phục hồi vào 6 tháng cuối năm. Các dự án công nghiệp sẽ chậm đưa vào hoạt động từ 3 đến 6 tháng so với kế hoạch. Dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 11.675 tỷ đồng, bằng 32,27% kế hoạch.

Dự báo hoạt động của tổ hợp nhà máy thuộc Công ty Hóa chất Đức Giang sẽ gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào.

Kịch bản thứ hai là dịch bệnh kéo dài đến hết quý II/2020. Với việc tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu, máy móc, thiết bị trong 6 tháng đầu năm như tình huống thứ nhất, 6 tháng cuối năm nguồn cung đã tương đối ổn định. Tuy nhiên, giá sẽ tăng, một số máy móc, thiết bị thay thế đặc chủng sẽ không tìm được nhà cung cấp. Các dự án công nghiệp dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2020 không thể hoàn thành theo kế hoạch và phải chuyển vào năm kế tiếp, ví dụ như Dự án mở rộng, nâng công suất nhà máy luyện đồng Bản Qua và một số nhà máy thủy điện, kéo theo đó, các nhà máy tuyển đồng sẽ hoạt động cầm chừng do tiêu thụ khó khăn. Dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 11.021 tỷ đồng, bằng 30,46% kế hoạch, cả năm ước đạt 33.083 tỷ đồng, bằng 91,44% kế hoạch.

Giải pháp trước mắt để ứng phó hiệu quả nhất là các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất phải chủ động xây dựng lại kế hoạch sản xuất, tối ưu công nghệ, sắp xếp lại lao động, tiết giảm chi phí. Tích cực tìm kiếm nguồn nguyên liệu thiếu hụt thay thế nguồn cung từ Trung Quốc. Đề xuất với ngân hàng cơ cấu lại vốn vay, giảm lãi suất, nhất là tăng hạn mức tín dụng vốn lưu động để mua dự trữ nguyên liệu nhằm đẩy mạnh sản xuất khi thị trường có nhu cầu cao.

Mặc dù gặp nhiều thách thức, nhưng theo Sở Công thương, đây cũng là cơ hội bởi một số sản phẩm công nghiệp của Lào Cai sẽ có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ do Trung Quốc hạn chế xuất khẩu, như phân bón, hóa chất, phốt pho vàng, phụ gia thức ăn gia súc, thùng phi cán nguội… đồng thời có thể cơ cấu lại sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

 

http://baolaocai.vn/kinh-te/kich-ban-tang-truong-cong-nghiep-truoc-dich-covid-19-z3n20200304090708063.htm

Theo Mạnh Dũng/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).