Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch

Chiều 29/11, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị gặp mặt bàn giải pháp phát triển du lịch giữa UBND tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Dự hội nghị có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; đại diện các nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp kinh doanh du lịch; các hộ kinh doanh homestay trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội nghị.

Những năm qua, du lịch Lào Cai đã có bước chuyển mạnh mẽ, thực sự là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và được đánh giá là địa phương dẫn đầu khu vực Tây Bắc về du lịch. Năm 2019, khách du lịch đến Lào Cai ước đạt 5,1 triệu lượt, tăng 2,1% so với kế hoạch, trong đó khách quốc tế đạt 806.000 lượt; tổng doanh thu du lịch năm 2019 ước đạt trên 19.200 tỷ đồng. Ngành du lịch tạo việc làm cho 32.000 lao động (14.500 lao động trực tiếp và 17.500 lao động gián tiếp). Trong 2 năm (2018 - 2019), có 10.110 lao động được đào tạo các ngành nghề thuộc nhóm du lịch – dịch vụ.

Đại diện các hộ dân làm mô hình homestay xã Tả Van tham gia ý kiến.

Tại hội nghị, đại diện các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch đã thảo luận, đóng góp 15 ý kiến, đề xuất kiến nghị các giải pháp phát triển du lịch triên địa bàn tỉnh như: Xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách cụ thể trong lĩnh vực du lịch; thủ tục hành chính; đầu tư nâng cấp về hạ tầng giao thông; giải quyết việc làm, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường, phát triển du lịch cộng đồng…

Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao và tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại diện các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân; mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Lào Cai xây dựng ngành du lịch ngày càng phát triển.

Để phát triển du lịch trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành du lịch rà soát, nghiên cứu xây dựng thể chế, cơ chế quản lý cụ thể trong lĩnh vực du lịch đề xuất với UBND tỉnh phê duyệt; giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính cho doanh nghiệp triển khai các dự án du lịch trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông, nước sạch, bãi đỗ xe…; nhìn nhận, đánh giá, xây dựng cơ chế đặc thù trong phát triển du lịch cộng đồng; các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cần có sự chủ động, liên kết chặt chẽ hơn trong đào tạo nhân lực du lịch; các địa phương phải đảm bảo công tác vệ sinh môi trường.

Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Trường Cao đẳng Lào Cai với đại diện các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo trong lĩnh vực du lịch (ảnh trên).

Một số ý kiến, giải pháp được đề xuất tại hội nghị:

* Ông Đặng Đình Sáu, Giám đốc khách sạn Biển Mây Sa Pa

Hiện nay, việc dừng dỗ xe và phân luồng giao thông ở Sa Pa còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ở một số tuyến phố chính như: Cầu Mây, Fansipan…Vì vậy, chúng tôi đề xuất ngành giao thông cần nghiên cứu phương án xoay chiều lưu thông đối với các phương tiện ô tô từ hướng khách sạn BB Sa Pa xuống khách sạn PAO và quay lại phố Fansipan; cân nhắc việc cấm các loại xe trên 29 chỗ lưu thông trên các tuyến đường tập trung đông khách sạn vì phải sử dụng rất nhiều xe nhỏ làm tăng lượng xe lưu thông gây ách tắc, phát sinh chi phí cho doanh nghiệp và  phiền hà cho du khách; cấm các loại xe đỗ tĩnh trên các tuyến phố Cầu Mây, Mường Hoa, Fansipan… Cùng với đó, cần mở rộng nút giao thông từ khu chợ ẩm thực cũ đến hết mặt tiền của Trung tâm thông tin Du lịch Lào Cai; tháo gỡ quyết liệt tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Đồng thời có giải pháp bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, khôi phục một số nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo nhân lực chất lượng phục vụ du lịch…

* Ông Trần Thanh Thủy, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Hùng Dũng

Nhiều doanh nghiệp hiện nay khó “giữ chân” lao động vì không có chỗ ở cho nhân viên. Do đó chúng tôi đề nghị tỉnh có cơ chế đặc thù đối với các doanh nghiệp có từ 50 nhân viên trở lên, có thể điều chỉnh quy hoạch để doanh nghiệp xây dựng khu nhà ở cho nhân viên; cho phép doanh nghiệp có thể mời chuyên gia về tự mở lớp đào tạo; quan tâm hơn nữ biểu diễn văn hóa; xem xét chủ trương xã hội hóa hệ thống đèn đường giao thông Quốc lộ 4D để tạo điểm nhấn và đảm bảo an toàn cho các phương tiện di chuyển vào ban đêm; cần phải bình đẳng, hài hòa về chính sách ưu đãi giữa doanh nghiệp địa phương và các nhà đầu tư ngoài tỉnh…

* Ông Trần Chí Thành, Hợp tác xã Tả Phìn Xanh Sa Pa

Tuyến đường du lịch Sa Pả - Tả Phìn -  Bản Khoang thi công kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch của xã Tả Phìn, đề nghị các cấp, ngành liên quan có phương án đẩy nhanh tiến độ thi công. Đối với tu viện Tả Phìn, hiện nay ngành chức năng giao cho 1 hộ gia đình quản lý là không phù hợp, gây rất nhiều khó khăn cho khách du lịch khi có nhu cầu đến tham quan, chụp ảnh… nên cần phải điều chỉnh phương án quản lý.

* Ông Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai

Trường Cao đẳng Lào Cai hiện nay gặp nhiều khó khăn trong đào tạo, dạy nghề nói chung và các nhóm ngành du lịch – dịch vụ nói riêng. Trong đó, trường đang phải giải quyết mâu thuẫn giữa đào tạo đại trà và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Hiện mỗi năm Trường Cao đẳng Lào Cai đào tạo khoảng 500 lao động du lịch (hệ cao đẳng, trung cấp) và hướng tới đào tạo nhân lực chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực du lịch vào năm 2025. Ngoài ra, trường đang làm quy trình thành lập bộ môn du lịch cộng đồng để trình các cấp thẩm quyền phê duyệt, đưa vào chương trình đào tạo. Đề nghị UBND tỉnh xem xét đề xuất vay vốn ODA; xây dựng đề án riêng về phát triển du lịch cộng đồng. Đối với lĩnh vực liên kết, ngoài 20 doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng đang ký hợp đồng đào tạo với trường, Trường Cao đẳng Lào Cai mong muốn tiếp tục được hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề và đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ về cơ sở vật chất thực hành để đào tạo nhân lực chất lượng.

Theo Đức Phương/LCĐT

Tin Liên Quan

Du khách bất ngờ trước tốc độ phục hồi của du lịch Sa Pa

Sa Pa, điểm đến du lịch nổi tiếng của miền Bắc, nhanh chóng “lấy đà” phục hồi sau bão nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương.

Khách du lịch đến Sa Pa tăng 33,2% so với kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2023

Trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8 - 3/9), Lào Cai đón khoảng 196.500 lượt khách. Lượng khách du lịch đến các địa phương tăng nhẹ so với kỳ nghỉ 2/9/2023, riêng thị xã Sa Pa đón khoảng 122.770 lượt khách, tăng 33,2% so với kỳ nghỉ lễ 2/9/2023.

Lễ hội mùa Thu "Sa Pa - mùa vàng" 2024 hứa hẹn hàng loạt sự kiện hấp dẫn

Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024 không chỉ là dịp để du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của vùng cao mà còn là cơ hội để trải nghiệm những hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực hấp dẫn.

Nên đi đâu tại Lào Cai trong kỳ nghỉ lễ này?

Kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh mùng 2/9 đúng vào dịp thời tiết Lào Cai thuận lợi. Dự kiến những ngày nghỉ trời có nắng, phù hợp để du khách trải nghiệm các hoạt động ngoài trời, tận hưởng không khí đón mùa thu. Những ngày này, các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch hấp dẫn để thu hút...

Lần đầu tiên tỉnh Lào Cai tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế

Với chủ đề “Du lịch Lào Cai - kết nối khát vọng xanh”, Hội chợ Du lịch Quốc tế Lào Cai năm 2024 (Laocai International Travel Mart – LITM 2024) sẽ được tổ chức từ ngày 7/11 đến ngày 10/11/2024 tại khu vực Quảng trường Đinh Lễ (thành phố Lào Cai).

Hoa dơn thóc rực rỡ khoe sắc trên đỉnh Fansipan

Kéo dài tới hết 30/8, Lễ hội hoa dơn thóc 2024 đang thu hút đông đảo khách du lịch tới đỉnh Fansipan với biển hoa trải dài từ độ cao hơn 3.000 m và hàng loạt hoạt động vui chơi hấp dẫn, mang đậm sắc màu văn hóa Tây Bắc.