Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp ở Bảo Yên

Xác định ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cáo giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, những năm qua, huyện Bảo Yên đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Bảo Yên là huyện vùng thấp của tỉnh. Mặc dù đời sống của người dân ở nhiều xã vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng huyện không được hưởng nhiều chương trình hỗ trợ như các huyện vùng cao của tỉnh. Do vậy, muốn nâng cao thu nhập cho người dân thì giải pháp duy nhất là phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp.

 
Thu hoạch dâu tằm tại xã Việt Tiến.


Ông Hà Văn Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên cho biết: Xác định thế mạnh của địa phương, lồng ghép với các chương trình của tỉnh, huyện đã đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, trong đó tập trung vào một số cây trồng chủ lực. Ban đầu, huyện sẽ lựa chọn các xã có lợi thế để thực hiện, sau khi thành công sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.

Chúng tôi đến xã Bảo Hà khi những người nông dân trồng hồng không hạt nơi đây đang cải tạo vườn hồng, đốn tỉa, chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Hợp tác xã Hòa Hợp Nhất cho biết, những gốc hồng cổ có tuổi đời hàng chục năm được chăm sóc theo đúng kỹ thuật, do đó sản phẩm vẫn giữ được chất lượng, lại có mẫu mã đẹp hơn, bán được giá, được thị trường tiêu thụ mạnh.

Xã Bảo Hà hiện có 40 ha cây hồng không hạt đang cho thu hoạch (khoảng 250 cây/ha), diện tích mới trồng chưa cho thu hoạch khoảng 50 ha, năng suất bình quân 40 tấn/ha, sản lượng 1.600 tấn. Nhờ thay đổi tư duy sản xuất, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, góp phần đưa xã Bảo Hà từng bước hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Ngoài mô hình trồng hồng không hạt tại Bảo Hà, huyện Bảo Yên đang xây dựng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao khác, như mô hình trồng sản xuất rau tại xã Bảo Hà và thị trấn Phố Ràng; mô hình trồng chè, cây ăn quả tại các xã: Xuân Hòa, Lương Sơn, Tân Dương; mô hình trồng dâu nuôi tằm tại các xã: Việt Tiến, Minh Tân…

Đến nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện đạt 317 ha, tăng 75 ha so với năm 2017. Doanh thu bình quân từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên một đơn vị canh tác bình quân đạt 150 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt trên 60 triệu đồng/ha/năm.

 
Mô hình trồng chè chất lượng cao tại xã Xuân Hòa.


Để người dân yên tâm sản xuất, huyện Bảo Yên cũng kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với nông dân đầu tư các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Hiện đã có 3 công ty, 3 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác và 48 hộ gia đình tham gia sản xuất, góp phần tạo vùng sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao. Điển hình là Công ty TNHH Chè Đại Hưng nhiều năm qua đã phối hợp với chính quyền các xã trong vùng chè (Xuân Hòa, Lương Sơn, Xuân Thượng, Tân Dương...) liên kết với các hộ trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, diện tích sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã đạt 292 ha. Năng suất chè bình quân (chè Kim tuyên) là hơn 6,3 tấn/ha, sản lượng đạt 1.854 tấn/292 ha. Doanh thu của các hộ trồng chè lai bình quân gần 100 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Công ty Chè Đại Hưng, cho biết: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã tạo nên sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu của công ty, nhờ đó, thu nhập của người dân cũng được nâng lên.

Sự chuyển dịch trong sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã góp phần tăng năng suất, chất lượng cũng như giá trị các loại nông sản ở Bảo Yên, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp, quá trình sản xuất vẫn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, vì vậy doanh nghiệp có nguồn vốn thấp khó có thể đầu tư. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, đây là yếu tố ảnh hưởng khá lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Người dân chưa có sự đầu tư các máy móc (máy đốn chè, hệ thống tưới nước tiết kiệm…) cho cây trồng do còn khó khăn về vốn. Người dân thiếu thông tin về thị trường, sản phẩm chưa được quảng bá rộng rãi, chưa có kênh phân phối tiêu thụ ổn định từ doanh nghiệp…

Huyện Bảo Yên phấn đấu đến 2020, diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao áp dụng trên một số cây trồng chủ lực (chè, rau, cây ăn quả) đạt 300 ha. Ông Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên, cho biết: Để đạt mục tiêu này, thời gian tới huyện sẽ tập trung quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện, lợi thế của từng địa phương, khuyến khích nông dân, các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân liên kết, hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Theo Mạnh Dũng/LCĐT

Tin Liên Quan

Nông dân Bát Xát tích cực hiến đất xây dựng nông thôn mới

Đóng góp tiền của, ngày công lao động, thậm chí chặt bỏ cả đồi quế đang sinh trưởng và phát triển tốt để làm đường giao thông nông thôn đã trở thành phong trào được người dân ở các thôn, bản trên địa bàn huyện Bát Xát tích cực hưởng ứng.

Lào Cai phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới

Trong thời gian vừa qua, du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch cộng đồng đã hình thành ở nhiều địa phương trong tỉnh, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách.

Nông dân Lào Cai thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Tại các địa phương trong tỉnh, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" gắn với xây dựng nông thôn mới diễn ra rộng khắp, nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên; qua đó, phát huy tính năng động, sáng tạo, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh giỏi, nâng cao tiêu chí thu nhập.

Trao nhà đại đoàn kết - gửi sự yêu thương

Sáng 19/7, Công đoàn Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai phối hợp với Công đoàn Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại thành phố Hà Nội tổ chức trao hỗ trợ tiền làm nhà mới cho hộ gia đình bà Sùng Thị Sáy, ở thôn Suối Thầu 2 xã Ngũ Chỉ Sơn, thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tăng cường hoạt động giúp đỡ xã thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024

Vừa qua, UBND tỉnh ban hành văn bản số 1810/UBND-NLN về việc tăng cường hoạt động giúp đỡ xã thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024.

Lào Cai và Yên Bái trao đổi kinh nghiệm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới

Chiều 17/5, tại tỉnh Yên Bái, UBND tỉnh Lào Cai và UBND tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.