“Chắp cánh” cho thương hiệu nông sản Lào Cai

Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lào Cai” – viết tắt là OCOP Lào Cai sau hơn một năm triển khai đang cho thấy một cơ hội rộng mở để nâng tầm các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho người nông dân.

Mận Tam hoa Bắc Hà năm nay được mùa, được giá. 
 

Có thể nói, chương trình OCOP là một “sân chơi” mở. Ở đó, mỗi người nông dân được quyền lựa chọn nuôi trồng, phát triển và tạo ra những sản phẩm có thể phát huy tốt nhất những lợi thế và đặc trưng riêng có của địa phương mình. Chính vì vậy, mỗi sản phẩm OCOP đều mang hương vị đặc sản vùng miền rõ nét. Cùng với chất lượng được đảm bảo, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hương vị độc đáo... những ưu điểm này đã và đang làm nên sức hấp dẫn của mỗi sản phẩm OCOP Lào Cai và nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Trên hành trình chinh phục khách hàng của mình, mỗi sản phẩm OCOP Lào Cai đều đã và đang khẳng định chất lượng là yếu tố quyết định để tạo nên thương hiệu. Năm 2018, tiêu biểu trong tốp 10 sản phẩm OCOP Lào Cai đã được xếp hạng từ 3 sao (***) trở lên phải kể đến là sản phẩm gạo Séng Cù Mường Vi. Đây là sản phẩm duy nhất đạt tiêu chuẩn xếp hạng 4 sao theo đánh giá của Hội đồng thẩm định. Từ lâu, loại gạo này đã được xem là đặc sản và là niềm tự hào của người Lào Cai. Sản lượng gạo Séng Cù mỗi năm của tỉnh Lào Cai đạt khoảng 2.300 - 2.500 tấn, song vẫn không đủ cung cấp cho nhu cầu thị trường. Vựa lúa Séng Cù tập trung lớn nhất ở 2 huyện Mường Khương và Bát Xát, nơi được cho là có điều kiện lý tưởng để hạt gạo thơm ngon nhất. Lúa Séng Cù được trồng trên chân ruộng ở vùng núi có độ cao từ 500m - 1.200m. Nguồn nước nuôi cây lúa được lấy từ khe núi với thổ nhưỡng đất phù sa cổ, tỷ lệ hàm lượng Kali trong đất cao đã đem đến chất lượng dinh dưỡng đặc biệt cho loại gạo đặc sản này. Séng Cù có các chỉ tiêu hàm lượng vitamin E, Vitamin B1, B3, B6, Cacsbonhydrat, chất sơ và các chỉ tiêu dinh dưỡng khác cao gấp 4 - 6 lần loại gạo khác. Kết quả đã được Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc Gia và Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng I thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam công nhận.

Tín hiệu vui cho thấy, năm 2019, các sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sao OCOP Lào Cai tăng cả về số lượng và chất lượng. Có 17 sản phẩm OCOP đủ điều kiện, tiêu chuẩn được xếp hạng 3 sao trở lên. Điều đặc biệt, sản phẩm Chè hữu cơ Bản Liền của Hợp tác xã chè Bản Liền huyện Bắc Hà đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp tỉnh. Hai sản phẩm đạt hạng 4 sao là gạo lứt Séng Cù của Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi và Rượu Bản Phố của Hợp tác xã Duy Phong.

Không ngừng nâng cao chất lượng, các sản phẩm nông sản của Lào Cai còn tham gia chuỗi sản xuất an toàn, gắn tem truy xuất nguồn gốc để tăng tính cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ hướng đi đúng đắn đó, mỗi sản phẩm đã từng bước xây dựng và khẳng định được thương hiệu, đem lại nguồn kinh tế cho người nông dân. Có thể nói, mận Bắc Hà là một ví dụ tiêu biểu. Nhờ xây dựng được thương hiệu, giá mận Bắc Hà mỗi năm đều tăng. Năm 2018, giá cao nhất vào khoảng 70.000-80.000 đồng/kg. Năm 2019, giá cao nhất vào mùa đua ngựa lên tới 100.000 đồng-120.000 đồng/kg, song sản lượng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.   

Không chỉ chinh phục khách hàng trong và ngoài tỉnh, Lào Cai đã có sản phẩm chinh phục thị trường quốc tế. Chè hữu cơ Bản Liền xuất khẩu đi Châu Âu là một ví dụ điển hình. Chè Bản Liền nổi tiếng với vị ngon ngọt nơi đầu lưỡi, màu nước xanh vàng sóng sánh như màu mật ong rừng và hương thơm đặc trưng của những cây chè tuyết Shan cổ thụ trên những triền đồi cao được hấp thụ tinh túy của đất trời. Sản phẩm đã được cấp “Chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu”. Quy trình để cho ra sản phẩm chè Bản Liền luôn tuân thủ nghiêm ngặt 25 tiêu chuẩn do các tổ chức quốc tế quy định. Hiện vùng chè có diện tích hơn 300 ha, cho sản lượng khoảng 130 tấn chè khô xuất khẩu mỗi năm. Từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP Lào Cai đã “chắp cánh” cho chè Bản Liền tự tin vươn ra thế giới.

Tỉnh Lào Cai dự kiến sẽ đầu tư xấp xỉ 280 tỷ đồng, đặt mục tiêu đến năm 2020 huy động từ 50 - 60% nguồn lao động nông thôn tham gia hệ thống OCOP. Cùng với nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện về cơ chế chính sách, hỗ trợ kiến thức kỹ thuật, hỗ trợ về lãi suất vốn vay, xúc tiến thương mại, Lào Cai đang tạo cơ hội rộng mở để nông sản địa phương vươn cao, vươn xa trên thị trường./. 

Thu Hiền

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).