Đưa tri thức dân gian vào làm ruộng bậc thang

Người Dao đỏ cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, họ có kinh nghiệm trong việc tận dụng địa hình, nguồn nước để “dẫn thủy nhập điền”.

Bài 3: Nghệ thuật “dẫn thủy nhập điền”

Người Dao thường dẫn nước ở đầu nguồn bằng mương chảy về ruộng. Mương được đào từ chỗ nước chảy vào và thấp dần về phía ruộng. Từ các khe nước, theo độ dốc của địa hình, người Dao dùng cuốc để tạo thành mương dẫn nước chảy về ruộng. Chỗ mương nước đi qua, nếu gặp đá to, người ta sẽ bắc máng nước chảy sang bên kia và tiếp tục dẫn bằng mương đất.

Người Dao thường dùng cây mai, cây báng để làm máng dẫn nước. Cây mai to, thân dài 6 - 10 m, được chặt và đục thông các mấu để cho nước chảy, nếu chỗ quá xa, sẽ nối 2 cây mai vào nhau, lấy ngọn của cây trước cắm vào gốc của cây sau (nối sâu khoảng 30 cm). Dùng cây gỗ có chạc để chống máng nước, cứ 4 m lại có một cây chống, giúp máng dẫn nước chắc chắn. Ở phía nước chảy vào miệng ống, người Dao dùng đá để kê và chèn cho chắc, phía cuối, người ta lấy hòn đá nhỏ để dưới dòng chảy với mục đích làm giảm lực của nước, sẽ tránh được xói lở. Theo kinh nghiệm của người Dao, khi đào mương dẫn nước, cứ cách 100 m phải mở một cửa xả nước để tránh lũ. Khi thấy thời tiết thay đổi, sắp có mưa lớn, người Dao xả lũ bằng cách lấy hòn đá chắn ở đầu nguồn nước chảy, chỗ các cửa xả nước, hạ thấp bờ cho nước chảy ra ngoài.

Người Dao đỏ có kinh nghiệm trong việc tận dụng địa hình, nguồn nước để “dẫn thủy nhập điền".

Người Dao đỏ thường sử dụng 2 loại vật liệu để làm máng dẫn nước, đó là cây mai và thân cây móc. Cây mai được làm máng dẫn nước phổ biến ở những chỗ có địa hình khó, còn máng nước bằng thân cây móc thường được dẫn nước qua suối, vì thân cây to và nặng, lòng máng rộng, nước chảy được nhiều hơn.

Trước kia, hầu hết các gia đình người Dao tự làm mương dẫn nước đảm bảo cung cấp nước tưới cho khu ruộng nhà mình. Các khu ruộng cách xa nhau thì mỗi khu sử dụng một mương dẫn nước. Ngày nay, do nhu cầu tách hộ, việc chia ruộng cũng như chia sẻ nguồn nước khá phổ biến. Mương nước khi được dẫn về đến khu ruộng đầu tiên, người ta dùng ống mai dẫn nước vào ruộng để tránh bị nước chảy làm xói mòn bờ.

Cách chia nước theo hình rích rắc được sử dụng phổ biến ở những khu canh tác ruộng bậc thang. Đầu này nước vào, xả nước xuống ruộng dưới ở đầu bờ bên kia, khi nước đầy bằng mặt, sẽ tràn xuống mảnh ruộng dưới. Nếu là những khu ruộng bậc thang vừa mới khai phá và cấy lần đầu, người Dao sẽ chia dẫn nước bằng ống tre. Là ruộng mới, bờ vừa đắp chưa được cứng và chắc, nếu thả nước từ bờ trên xuống bờ dưới mà không có ống dẫn thì bờ rất dễ bị xói lở. Do vậy, 1 - 2 năm đầu canh tác và cải tạo đất, người Dao đỏ dùng ống mai để dẫn và xả nước vào ruộng, bờ ruộng nào cũng đặt một ống và đắp đất ở trên cho chắc để nước chảy từ ống xuống ruộng dưới. Sau 1 - 2 mùa vụ, đất bờ đã chắc, lúc này không cần dùng ống dẫn mà để nước chảy từ rãnh của ruộng trên xuống ruộng dưới.

Ngay ở gần cửa dẫn nước vào ruộng (cách khoảng 40 cm), người Dao đỏ còn làm mương phụ. Mương phụ được làm thông suốt từ trên đỉnh xuống tận những khu ruộng ở phía dưới, vừa để tận dụng các nguồn nước nhỏ từ các khe. Nếu địa thế của khu ruộng bậc thang nằm ở giữa sống lưng của quả núi, 2 bên là 2 khe nước nhỏ thì người Dao sẽ làm 2 mương phụ để dẫn nước, cung cấp cho những thửa ruộng bậc thang ở dưới thấp. Người Dao cho rằng, nếu nguồn chính không cung cấp đủ nước cho toàn bộ khu ruộng thì những nguồn phụ cũng đủ cung cấp khi lúa trỗ đòng.

Ngoài nguồn nước chính cung cấp cho toàn bộ hệ thống ruộng bậc thang thì 2 mương dẫn nước phụ cũng cung cấp thêm nước cho những thửa ruộng ở bên dưới, đồng thời 2 mương dẫn này còn được bố trí hệ thống thoát nước khi cần thiết, nhất là lúc mưa lũ. Người Dao thường làm các đường thoát nước ở 2 đầu bờ của thửa ruộng, nếu trời mưa to, nước trong lòng ruộng tràn xuống một số thửa, đến chỗ nước có thể chảy ra suối, người Dao thường chọn làm cửa xả và thoát nước khi cần thiết.

Ông Tẩn Vần Siệu cũng cho biết thêm về kinh nghiệm xử lý nước mạch từ trong bờ ruộng và nước ở những khu ruộng lầy. Trong quá trình khai mở ruộng bậc thang, có những chỗ khi đào đến chân ruộng thấy có mạch nước chảy ra mát lạnh, nhưng người Dao không cho nước mạch này vào ruộng mà làm một ống tre đục thông suốt, cắm một đầu vào chỗ nước đùn ra và một đầu bắc ngang qua bờ ruộng cho chảy ra ngoài. Với kinh nghiệm của nhà làm nông, nước lạnh sẽ ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển, đẻ nhánh của cây lúa, đồng thời hạn chế độ chín của bông lúa.

Việc chia nước cũng là một nghệ thuật. Nếu có nhiều nhà cùng sử dụng một mương dẫn nước thì cách chia cụ thể như sau: Mỗi hộ có một cửa chia nước, nếu là ruộng to thì cửa chia nước to (mở nước cho chảy nhiều), nếu là ruộng nhỏ thì cửa chia nước nhỏ (mở nước chảy vừa). Vào mùa vụ, ruộng của nhà nào ở đầu nguồn thì mở cửa cho nước vào nhỏ, ruộng càng ở phía cuối nguồn thì càng được mở cho nước vào nhiều. Tuy nhiên, cách này chỉ áp dụng được khi mương dẫn nước nằm sát đầu ruộng và có độ dốc vừa phải. Trường hợp mương dẫn nước cách xa bờ ruộng vài mét, người ta phải bắc nước về ruộng bằng các ống mai. Bên cạnh ruộng của mỗi hộ đều có một mương phụ để dẫn nước cho chủ ruộng phía dưới. Người bên trên cấy xong, thả nước vào mương phụ cho người bên dưới, mọi người cùng chia sẻ nguồn nước để canh tác, đảm bảo các thửa ruộng bậc thang đủ nước.

Những năm hạn hán, do không đủ nước để cày cấy, các hộ tự thống nhất, hôm nay nhà này lấy nước, ngày mai đến hộ khác, cứ lần lượt như vậy, nhờ đó hộ nào cũng đủ nước để canh tác. Do vậy, mọi người đều có ý thức trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, nếu sử dụng chung một mương dẫn, khi mương bị sạt, thì tất cả cùng đi đắp lại bờ mương, đảm bảo nước tưới cho ruộng. Một năm, các hộ gia đình đi sửa mương một lần vào mùa cấy lúa hoặc nếu trời mưa to, nước chảy làm hỏng bờ mương, khi đó mọi người thông báo cho nhau biết, cùng đi đắp lại. Nhờ đó không xảy ra tình trạng tranh chấp nước, mà còn vun đắp tình làng nghĩa xóm, cùng cộng đồng chia sẻ trách nhiệm.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.