Đẩy mạnh công tác phối hợp bảo vệ rừng giáp ranh

Thời gian qua, việc thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) vùng giáp ranh giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 4 tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang mang lại nhiều kết quả, góp phần gìn giữ màu xanh cho những cánh rừng của các địa phương.

Hơn 69.000 ha rừng ở khu vực giáp ranh do 3 huyện: Văn Bàn (Lào Cai) và Than Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải (Yên Bái) quản lý tập trung nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Tuy nhiên, đây là khu vực chịu nhiều tác động bởi sinh hoạt của con người. Do người dân sống gần rừng, canh tác thảo quả nên tình trạng phá rừng làm nương, chặt phá rừng lấy gỗ quý vẫn xảy ra. Từ thực trạng đó, các huyện vùng giáp ranh đã xây dựng quy chế phối hợp bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Theo đó, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn và Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn phối hợp với các huyện bạn và chủ rừng triển khai nhiều đợt tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Lực lượng kiểm lâm Văn Bàn phối hợp với kiểm lâm huyện Mù Cang Chải tuần tra rừng giáp ranh.

Ông Đỗ Ngọc Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn cho biết: Trong năm 2018, lực lượng kiểm lâm đã tổ chức 16 cuộc họp thôn, tuyên truyền và ký cam kết bảo vệ rừng với hơn 600 hộ tại các xã vùng giáp ranh; phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải, UBND xã Nậm Có (Mù Cang Chải, Yên Bái) tổ chức tuyên truyền tại thôn Lùng Cúng, Phìn Ngài về những quy định bảo vệ và phát triển rừng như không phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, phát nương làm rẫy, đốt đồi cỏ, mang lửa vào rừng, nhất là mùa hanh khô... Lực lượng kiểm lâm huyện Văn Bàn đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Than Uyên (Lai Châu) tuần tra 43 lượt tại khu vực trọng điểm thường xảy ra các vụ khai thác, phát rừng làm nương thuộc địa phận các xã: Nậm Xây, Nậm Xé của huyện Văn Bàn; duy trì 6 chốt bảo vệ rừng tại các khu vực giáp ranh, thường trực 24/24 giờ trong những ngày cao điểm của mùa hanh khô và dịp lễ, tết. Nhờ đó, ý thức của người dân ở khu vực giáp ranh ngày càng được nâng lên, hiện tượng phá rừng, các vụ cháy rừng giảm đáng kể.

Đối với toàn tỉnh, Lào Cai có 133.134,4 ha rừng giáp ranh với 3 tỉnh: Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang. Diện tích rừng tự nhiên ở khu vực này có trữ lượng rừng giàu nhiều, tính đa dạng sinh học cao, lưu trữ nhiều nguồn gen quý hiếm cần đặc biệt quan tâm bảo vệ như các loài vân sam, thiết sam, pơ mu, thích tím, vượn đen tuyền, cầy vằn bắc, gà lôi tía, gà lôi trắng, chim trèo cây lưng đen, cá cóc Tam Đảo, cóc răng, cóc mày…

Những năm qua, lực lượng kiểm lâm tỉnh Lào Cai đã tăng cường phối hợp với lực lượng kiểm lâm 3 tỉnh bạn triển khai nhiều đợt tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời vận động người dân ký cam kết bảo vệ rừng, không khai thác, chặt phá rừng, săn bắn, bẫy bắt động vật rừng và buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; không mở rộng diện tích trồng cây thảo quả trong khu rừng đặc dụng. Năm 2018, lực lượng phối hợp đã tổ chức 206 buổi tuyên truyền với 6.932 lượt người tham gia; tổ chức cho 3.512 hộ gia đình sống trong rừng, ven rừng tại 30 thôn ký cam kết bảo vệ rừng; in ấn, cấp phát 15.000 tờ rơi, áp phích tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng, đồng thời thực hiện các biện pháp nghiệp vụ chống chặt phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép... Lực lượng kiểm lâm đã ngăn chặn hơn 220 lượt người có các hành vi khai thác củi và xâm hại đến rừng; phát hiện và tham mưu xử lý 105 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu 60,626 m3 gỗ các loại, xử phạt hành chính và nộp ngân sách nhà nước hơn 630 triệu đồng.

Trong thực hiện nhiệm vụ, hạt kiểm lâm các huyện vùng giáp ranh đã chủ động tham mưu với UBND huyện chỉ đạo thành lập ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện, cấp xã; củng cố các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã, thôn; tham mưu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là các khu vực trọng điểm. Do đó, năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn các xã vùng giáp ranh không để xảy ra cháy rừng. Tuy vậy, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ và lâm sản, mua bán, vận chuyển, kinh doanh lâm sản trái pháp luật tại vùng rừng khu vực này vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, đặc biệt là tại khu vực Văn Bàn giáp với Than Uyên (Lai Châu).

Lực lượng kiểm lâm 4 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang thường xuyên phối hợp bảo vệ rừng giáp ranh.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Do địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, lực lượng mỏng nên công tác phối hợp giữa các tỉnh trong công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại địa bàn vùng giáp ranh chưa được thường xuyên, liên tục. Mặt khác, trình độ dân trí trong khu vực này còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào rừng, tình trạng trồng mới cây thảo quả và lén lút khai thác rừng vẫn còn xảy ra. Do kinh phí hạn hẹp, công tác phối hợp giữa các lực lượng trong hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn chưa được triển khai sâu rộng. Việc phối hợp thực hiện trong nhiều vụ việc còn mang tính hình thức và trao đổi thông tin là chính nên hiệu quả chưa cao.

Để công tác bảo vệ rừng giáp ranh đạt hiệu quả, thời gian tới, các địa phương cần đề xuất và đầu tư các dự án, mô hình phát triển sinh kế cho cộng đồng, gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng giáp ranh. Các huyện cũng cần xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện Quy chế phối hợp đạt hiệu quả cao nhất; cần huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các địa phương để chung sức bảo vệ màu xanh cho rừng.

 
Theo Kim Thoa/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).