Chăm lo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên - “chìa khóa” đổi mới giáo dục


Thầy cô giáo trò chuyện với học sinh Trường THCS thị trấn Mường Khương.

LCĐT - Việc chăm lo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên được coi là “chìa khóa” đổi mới giáo dục Lào Cai. Nhân kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2018), phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Anh Ninh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xung quanh chủ đề này.

Phóng viên: Đồng chí cho biết vai trò của đội ngũ giáo viên trong việc đổi mới giáo dục, đặc biệt là đối với tỉnh miền núi như Lào Cai?

Đồng chí Nguyễn Anh Ninh: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”. Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII, Đảng đã chỉ rõ: “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh”. Luật Giáo dục năm 2005 cũng khẳng định: “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”.

Người thầy là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục, họ là người quyết định thành công công cuộc xây dựng và đổi mới giáo dục, đặc biệt là đối với tỉnh miền núi, nhiều khó khăn như Lào Cai. Điều đó vừa khẳng định vị trí, vai trò, vừa nhấn mạnh trọng trách mà xã hội đặt lên vai nhà giáo.

Phóng viên: Đồng chí đánh giá thế nào về thực trạng đội ngũ giáo viên của tỉnh hiện nay? Những thuận lợi và khó khăn trong đổi mới giáo dục, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới?

Đồng chí Nguyễn Anh Ninh: Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 13.569 giáo viên, 423 giáo viên chuyên trách Đoàn, Đội trong tổng số hơn 18.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Hiện nay, 100% nhà giáo của tỉnh có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó trình độ trên chuẩn của giáo viên mầm non đạt 70%; giáo viên tiểu học đạt 85%; giáo viên THCS đạt 72%; giáo viên THPT đạt 13,6%. Về cơ bản, đội ngũ nhà giáo có ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tận tụy với nghề, gắn bó với nhân dân, có tinh thần vượt khó, sáng tạo và quyết tâm cao, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trong đổi mới giáo dục, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới còn gặp một số khó khăn. So với định mức, năm học này, cả tỉnh thiếu hơn 700 giáo viên, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non và giáo viên các môn tiếng Anh, Tin học. Nhận thức về đổi mới giáo dục của không ít nhà giáo còn hạn chế, đặc biệt là ở khu vực vùng cao. Chế độ, chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo đã được quan tâm nhưng còn bất cập; đời sống của phần đông nhà giáo vẫn khó khăn, ở một số địa phương đã có trường hợp giáo viên xin nghỉ việc, chuyển chỗ, làm nghề khác...

Phóng viên: Thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh đã thực hiện công tác tuyển dụng, bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại như thế nào để nâng cao chất lượng giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục?

Đồng chí Nguyễn Anh Ninh: Từ năm 2013 đến năm 2017, mỗi năm ngành giáo dục tuyển dụng 500 đến 800 giáo viên; 100% giáo viên tuyển mới đảm bảo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, nhiều giáo viên có trình độ chuyên môn trên chuẩn. Nhờ đó, số lượng giáo viên của tỉnh không ngừng được bổ sung, chất lượng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của tỉnh.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh luôn được xác định là một nhiệm vụ then chốt, được đặc biệt quan tâm, đưa vào Đề án xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên giai đoạn 2015 - 2020. Trong công tác bồi dưỡng giáo viên, ngành giáo dục tỉnh tập trung  nâng cao nhận thức về đổi mới giáo dục, đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực quản trị trường học và nâng cao trình độ lý luận chính trị đối với đội ngũ cán bộ quản lý; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho bản thân qua thực tiễn công tác.

Phóng viên: Thời gian qua, tỉnh và ngành giáo dục đã có sự quan tâm như thế nào để nâng cao chất lượng đời sống giáo viên vùng cao, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn?

Đồng chí Nguyễn Anh Ninh: Trong những năm qua, ngoài những chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh còn có nhiều chính sách để nâng cao đời sống giáo viên ở vùng cao và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Tính đến hết năm học 2017 - 2018, tỉnh đã đầu tư xây dựng đủ nhà công vụ cho giáo viên vùng cao; đầu tư xây dựng các công trình nước hợp vệ sinh, nhà vệ sinh cho giáo viên; phối hợp với công đoàn ngành hỗ trợ các thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị tai nạn, bệnh hiểm nghèo, thiên tai…

Hằng năm, vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, tỉnh tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng để tôn vinh những nhà giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp với các cơ quan tuyên truyền như Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh để nêu gương người tốt, việc tốt, những tấm gương nhà giáo tiêu biểu, qua đó khơi dậy và tạo sự lan tỏa trong toàn ngành và xã hội...

Phóng viên: Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, đồng chí có chia sẻ gì với những thầy, cô giáo trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Nguyễn Anh Ninh: Nhân dịp kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, tôi gửi tới các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh qua các thời kỳ lời cảm ơn, thăm hỏi và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Trong bối cảnh hiện nay, trọng trách và nhiệm vụ đặt ra đối với ngành ngày càng lớn. Tôi tin tưởng rằng, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong tỉnh sẽ luôn nỗ lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vinh quang của nghề dạy học, xứng đáng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và mong mỏi của nhân dân.

Theo Tuấn Ngọc/LCĐT

Tin Liên Quan

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.

Câu lạc bộ Lào Cai 1 đứng thứ 5 chung cuộc Giải vô địch Taekwondo các câu lạc bộ quốc gia 2024

Chiều 18/9, tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh đã diễn ra Lễ bế mạc Giải vô địch Taekwondo các câu lạc bộ quốc gia - Cúp Đại sứ Hàn Quốc 2024.

Chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế do ảnh hưởng của thiên tai theo quy định của pháp luật về thuế

Để cùng chung tay kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế nhanh chóng khắc phục hậu quả sau mưa lũ, Cục Thuế tỉnh Lào Cai thông tin một số nội dung liên quan đến miễn, giảm, gia hạn nộp thuế do ảnh hưởng của thiên tai theo quy định của pháp luật về thuế (Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày...