Khai mạc Hội nghị quan chức cao cấp nông lâm nghiệp ASEAN

Với quy mô 650 triệu dân và tổng GDP năm 2017 đạt 2.760 tỷ USD, việc tăng cường hợp tác nông nghiệp nội khối rất quan trọng để tận dụng được các ưu đãi mà các nước ASEAN dành cho nhau thông qua các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN, Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ...
 

 

Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương


Ngày 8/10 tại Hà Nội, Hội nghị quan chức cao cấp nông lâm nghiệp ASEAN đã khai mạc chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 40, Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN+3 (AMAF+3) lần thứ 18 và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - Trung Quốc lần thứ 6 về giám sát chất lượng, kiểm tra và kiểm dịch diễn ra từ ngày 8 - 13/10/2018.

Dự kiến, tại hội nghị Bộ trưởng nông lâm nghiệp ASEAN lần thứ 40, các Bộ trưởng sẽ xem xét và thông qua 23 Kế hoạch hành động, hợp tác và các văn kiện, tài liệu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.

Tại hội nghị Bộ trưởng AMAF và 3 nước đối tác (AMAF+3) lần thứ 18, Chủ tịch SOM-AMAF+3 (Việt Nam) sẽ trình bày báo cáo về các hoạt động hợp tác của ASEAN+3 trong lĩnh vực lương thực, nông nghiệp và lâm nghiệp, đồng thời ký kết 3 Biên bản ghi nhớ.

Tại hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc về hợp tác an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật lần thứ 6, đồng chủ tịch đầu mối ASEAN-Trung quốc về hợp tác trong lĩnh vực SPS sẽ báo cáo tiến độ thực hiện các hoạt động hợp tác ASEAN-Trung quốc và giới thiệu Chương trình hành động năm 2019-2020 để hội nghị xem xét và thông qua.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Nguyễn Xuân Cường đánh giá, trong bối cảnh mới, nông nghiệp vẫn duy trì vai trò trụ cột trong Cộng đồng kinh tế ASEAN và góp phần hiện thực hóa nhiều mục tiêu của Cộng đồng như tạo ra một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao, phát triển kinh tế đồng đều hiệu quả và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.

Qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp nhanh hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phân bổ nguồn lực tốt hơn, tăng cường năng lực sản xuất và tính cạnh tranh của ngành nông lâm nghiệp ASEAN.

Hợp tác thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài khu vực ASEAN để phát triển các chuỗi giá trị
ngành hàng nông lâm sản, hướng tới phát triển bền vững - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nông lâm nghiệp là ngành có nhiều ưu thế để phát triển, song những năm qua xu hướng phát triển trong khu vực đang chậm lại, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiện nay, nông nghiệp đang đứng trước các thách thức lớn, đặc biệt biến đổi khí hậu, bất lợi về thị trường, sự chênh lệch về trình độ phát triển với các khu vực khác trên thế giới; sự phát triển đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng cùng với khả năng quản trị chưa tốt cũng là những tồn tại hiện hữu.

Bên cạnh đó, nhiều cơ hội mới cũng đã xuất hiện nổi bật là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng các cơ hội hợp tác khác mở ra tiềm năng lớn cho sự phát triển.

Với vai trò là nước chủ nhà và chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN giai đoạn 2018-2019, Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên và Ban Thư ký ASEAN trong quá trình triển khai các hoạt động hợp tác nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của ASEAN, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nông nghiệp bền vững trong khu vực, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Nối tiếp các nội dung hợp tác ASEAN trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp trong thời gian qua, trong nhiệm kỳ 2018-2019 của AMAF dự kiến một số nội dung ưu tiên như tăng cường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng và phát triển nền nông nghiệp bền vững và thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực; hợp tác thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài khu vực ASEAN để phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị hàng hóa và thúc đẩy nông sản ASEAN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển mô hình hợp tác công tư trong sản xuất nông ngư nghiệp, tăng cường vai trò của cộng đồng và khối tư nhân trong ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; đẩy mạnh hợp tác khuyến nông, khuyến ngư trong khu vực thông qua các hoạt động đào tạo, hợp tác chuyển giao công nghệ quản lý, vận hành, giám sát theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đánh giá cao hợp tác nông lâm nghiệp trong khu vực ASEAN trong thời gian qua. Để giải quyết những thách thức trên, chúng ta cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của khu vực. Điều đó đòi hỏi mỗi nước thành viên cũng như cả hiệp hội phải có những cam kết đủ mạnh và sự đầu tư thích đáng cho sự phát triển nông nghiệp ASEAN, đề ra được những giải pháp và bước đi phù hợp để biến những mục tiêu thành hiện thực.

Tại hội nghị lần này, Bộ trưởng mong muốn Cộng đồng ASEAN sẽ cùng thảo luận và thống nhất về các vấn đề ưu tiên chung của khu vực liên quan đến hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, tăng cường an ninh lương thực và an toàn thực phẩm, góp phần thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN và Kế hoạch chiến lược hợp tác ASEAN về Thực phẩm và Nông lâm nghiệp giai đoạn 2016-2025.

ASEAN cũng cần xây dựng quan điểm chung về các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy đàm phán nông nghiệp tại các diễn đàn đa phương; trong đó có đàm phán nông nghiệp trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu; phát huy được nguồn lực tổng thể của xã hội qua hình thức đầu tư công tư PPP; tận dụng tốt nhất các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, đưa khu vực nông thôn hiện nay còn chiếm hơn 50% dân số, 33% lao động tiếp tục phát triển.

Theo Đỗ Hương/chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Khai mạc Hội nghị Đô trưởng các nước ASEAN năm 2024 và Diễn đàn Thị trưởng các nước ASEAN

Sáng 18/9, tại thủ đô Vientiane, Lào, diễn ra Hội nghị Đô trưởng các nước ASEAN (MGMAC) và Diễn đàn Thị trưởng các nước ASEAN (AMF). Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 56

Ngày 17/9, tại thủ đô Vientiane, Lào, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 56 đã khai mạc, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Công thương Lào Malaythong Kommasith, cùng các Bộ trưởng Kinh tế các nước thành viên ASEAN và Timor Leste. Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân...

Sắp diễn ra “Triển lãm FBC ASEAN 2024” tại Hà Nội

Trong hai ngày từ 18 đến 20/9, tại Hà Nội sẽ diễn ra Triển lãm FBC ASEAN 2024. Triển lãm có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Đức, Italia và các quốc gia khác.

ASEAN cung cấp hàng hoá viện trợ giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bão Yagi

Các lô hàng cứu trợ của Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai (Trung tâm AHA) đã được bàn giao cho các cơ quan, đơn vị Việt Nam nhằm khắc phục hậu quả bão Yagi (bão số 3).

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra Tuyên bố về tác động của bão Yagi

Trước những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do bão Yagi gây ra tại một số nước trong khu vực, ngày 11/9, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố chung về việc này.

Tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của hai dân tộc Việt Nam - Lào

Chiều ngày 11/9, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã có cuộc gặp gỡ với cựu quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam, lưu học sinh Việt Nam tại Lào và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Lào.