Văn Bàn hình thành các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh

“Mỗi xã một sản phẩm” là chương trình lớn, mang tính tổng thể trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Văn Bàn.

Măng bói, măng sặt của Văn Bàn từ lâu đã nổi tiếng, là sản phẩm đặc trưng khó lẫn với các loại măng của địa phương khác. Sản phẩm tập trung nhiều ở các xã Khánh Yên Thượng, Dương Quỳ, Nậm Xây, Nậm Xé, Dần Thàng, Hòa Mạc, với khoảng 90 ha, trong đó Dương Quỳ có khoảng 11 ha. Tại đây có 2 hộ sơ chế măng sặt thành sản phẩm hàng hóa, phân phối cho chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) từ nhiều năm nay. Các sản phẩm măng tre, măng bói chủ yếu tiêu thụ tại địa phương và một số xã lân cận. Ông La Văn Toan, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Quỳ cho biết: Măng là sản phẩm đã có từ lâu, nhưng để trở thành hàng hóa vẫn gặp nhiều khó khăn, do người dân trồng măng chưa tập trung, chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc đưa sản phẩm trở thành hàng hóa.

Khó khăn về giao thông nên sản phẩm măng bói của Văn Bàn chủ yếu được tiêu thụ tại địa phương.

Một xã khác cũng có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm nông nghiệp là Hòa Mạc. Xã có địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, các sản phẩm từ cây có củ rất thích hợp khi trồng tại đây như khoai tây, khoai lang, dong riềng… Đặc biệt, dong riềng đang là loại cây được người dân kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế lớn, góp phần thay đổi đời sống. Hiện xã có khoảng 7 ha dong riềng, với 32 hộ tham gia trồng thay thế diện tích trồng ngô, sắn trước đây. So với những sản phẩm nông nghiệp khác, trên cùng diện tích đất, cây dong riềng mang lại giá trị kinh tế gấp 1,5 lần. Trong năm vừa qua, UBND xã Hòa Mạc đã phối hợp với Hợp tác xã Nà Lộc thu mua toàn bộ củ dong riềng của bà con để chế biến miến. Ông Hà Văn Va, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nà Lộc chia sẻ: Sản phẩm miến chế biến từ dong riềng do chính bà con trong xã trồng đang được thị trường ưa chuộng. Sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn và có hương vị riêng. Hiện nay, hợp tác xã vẫn thiếu nguyên liệu để chế biến.

Trong năm tới, xã Hòa Mạc dự kiến tăng diện tích trồng dong riềng lên 12 - 15 ha. Ông Ngô Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Hòa Mạc cho biết: “Thời gian tới, xã sẽ tăng cường phối hợp với các hợp tác xã để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của bà con, đặc biệt là sản phẩm từ cây dong riềng. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cho bà con để đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Miến dong là một sản phẩm thế mạnh của xã Hòa Mạc.

Huyện Văn Bàn hiện có 20 sản phẩm thế mạnh, thuộc 3 nhóm, trong đó: Thực phẩm có 13 sản phẩm (trồng trọt 8 sản phẩm, chăn nuôi 5 sản phẩm); nhóm dược liệu có 3 sản phẩm; nhóm chế biến có 4 sản phẩm (trong đó 3 sản phẩm có đăng ký công bố nhãn hiệu tập thể là lúa nếp Thẳm Dương, hồng không hạt Tân An và măng bói, măng sặt Văn Bàn), 1 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ là rượu Nậm Cần. Căn cứ vào thế mạnh của mỗi địa phương, huyện có kế hoạch cụ thể để khuyến khích người dân tích cực tham gia sản xuất và quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng phối hợp với các hợp tác xã, doanh nghiệp để đầu tư cho bà con sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đầu năm 2018, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tổ chức tập huấn về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, thu hút trên 1.000 người là cán bộ các xã và các hộ dân tham gia.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn cho biết: Trong triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Văn Bàn gặp nhiều khó khăn, bởi trên địa bàn chưa có điểm giới thiệu và bán sản phẩm địa phương, chủ yếu được giới thiệu thông qua các hội chợ, lễ hội của tỉnh, huyện và bán tại chợ phiên ở các xã. Trở ngại nhất vẫn là giao thông, do hệ thống đường trên địa bàn huyện đã xuống cấp, ảnh hưởng nhiều đến việc vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Chủ trương của huyện Văn Bàn là đẩy mạnh quảng bá và phát triển sản phẩm đặc trưng, nên chính quyền sẽ cùng bà con tìm cách gỡ khó nhằm đưa các sản phẩm thế mạnh ra thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo Hoàng Thu-Thi Khanh/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).