Nước ngọt: Nguồn tài nguyên đang bị tranh giành

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu và dự báo, các nhà khí tượng thế giới đã cảnh báo về việc nhân loại sẽ phải đối mặt với nguy cơ khan hiếm nước do các dòng sông lớn trên thế giới đang cạn dần với tốc độ đáng lo ngại.

Sông Amazon.

Không phải ngẫu nhiên mà Liên hợp quốc đặt 2013 là năm của “Sự hợp tác quốc tế về nước ngọt”. Ở châu Á, để bảo đảm nhu cầu của nền nông nghiệp và năng lượng, Trung Quốc xây dựng nhiều đập lớn trên dòng sông Mekong. Theo nhiều chuyên gia, đến mùa khô hạn, Trung Quốc có thể hút đến 50% lượng nước con sông lớn nhất vùng Đông Nam Á này.
 
Tại Trung Cận Đông, Syria và Iraq cùng đang lo lắng bị Thổ Nhĩ Kỳ cướp đi nguồn nước ngọt quý giá trước các dự án xây dựng đập thủy điện của Ankara trên thượng nguồn 2 con sông Tigre và Euphrate. Nhìn sang Bắc Mỹ, khúc sông Rio Grande chảy qua Mexico bị đe dọa cạn kiệt. Tranh chấp về việc sử dụng nước của con sông Nile tại châu Phi giữa 11 quốc gia ngày càng trở thành một hồ sơ nóng bỏng. 
 
Lưu vực các con sông xuyên biên giới chiếm 46% bề mặt Trái đất, trải rộng trên lãnh thổ 148 quốc gia. Điều này gây ra rất nhiều vấn đề chỉ có thể được giải quyết thông qua hợp tác chặt chẽ ở cấp quốc tế. Trong khi đó, luật pháp quốc tế chưa thể điều chỉnh tất cả các vấn đề và chưa có câu trả lời phải làm thế nào để chúng ta chung sống với nhau trong các lưu vực sông, hồ. Các tài nguyên nước dưới đất không biết biên giới quốc gia. Phải làm thế nào để sử dụng hợp lý? Hy vọng rằng, trong tương lai gần, hoạt động tích cực của các nhà khoa học, các chuyên viên quản lý nước, các chính trị gia và nhà ngoại giao nhằm thông qua những quyết định có thể mang lại lợi ích cho tất cả các nước ở lưu vực sông xuyên biên giới.
 
Tổ chức WWF đã đưa ra lời cảnh báo khối băng tuyết trên dãy Himalaya, vốn là nguồn nước cho 7 con sông lớn của châu Á (sông Mekong, Salween, Dương Tử, Hoàng Hà, sông Hằng, Indus và Brahmaputra), do hiện tượng hâm nóng toàn cầu, nay đang bị mòn dần với vận tốc từ 10 tới 15 mét/năm, làm tăng lưu lượng nước các dòng sông trong thời gian ngắn hạn. Nhưng theo Jennifer Morgan, Giám đốc Chương trình biến đổi khí hậu toàn cầu (Global Climate Change Programme), chỉ vài thập niên sau, tình hình sẽ đảo ngược với mực nước các con sông, trong đó có con sông Mekong, sẽ xuống rất thấp.
 
Hiện tại, mới chỉ có 29 trên tổng số 103 quốc gia trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về việc sử dụng nguồn nước ngọt, do vậy văn bản này dù đã ra đời từ năm 1997 vẫn chưa chính thức có hiệu lực. Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đương nhiên không phê chuẩn Công ước quốc tế về nước ngọt khi biết rằng Công ước Liên hợp quốc về nước ngọt quy định các quốc gia ở thượng nguồn phải quản lý một cách chừng mực và phải chia sẻ với các nước ở hạ nguồn con sông tài sản thiên nhiên quý giá đó.
 
Từ cuối 2010, Liên hợp quốc đã khẳng định rằng đến năm 2015, sẽ có đến 95% dân số trên địa cầu được sử dụng nước ngọt. Thực tế không hẳn là như vậy vì theo thẩm định của các chuyên gia, hiện tại hãy còn 1,1 tỷ người trên thế giới thiếu nước sạch. Còn căn cứ vào các số liệu được Diễn đàn Quốc tế về Nước cung cấp vào năm ngoái, hiện còn 4 tỷ người trên Trái đất không có nước ngọt để dùng 24/24 giờ và có tới 3 tỷ người không có máy nước trong nhà. Nước bẩn là nguyên nhân gây nhiều bệnh tật và khiến tới 4.000 trẻ em tử vong mỗi ngày.
 
Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2020 nhu cầu về nước ngọt để phục vụ cho ngành công nghiệp sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện tại; nhu cầu tiêu thụ của các hộ gia đình sẽ tăng thêm 130%; 40% trên tổng số 9 tỷ con người sẽ sống ở những vùng bị thiếu nước. Nếu chúng ta nhìn vào hai quốc gia đông dân nhất hành tinh là Trung Quốc và Ấn Độ, Liên hợp quốc cảnh báo sông ngòi Trung Quốc ngày càng ô nhiễm; hơn 1/4 nguồn cung cấp nước không bảo đảm chất lượng. Còn tại Ấn Độ, không một thành phố nào hay một ngôi làng nào trên quê hương thánh Gandhi bảo đảm dịch vụ cung cấp nước sạch và an toàn cho người dân được 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần. Trong lúc Ấn Độ khan hiếm nước như vậy thì lại có tới 70% nguồn nước quý giá từ Himalaya bị lãng phí chỉ vì hệ thống dẫn nước lạc hậu.
 
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới vừa được công bố gần đây, nếu như nhiệt độ Trái đất tăng thêm 4°C, sẽ có từ 43 đến 50% nhân loại phải sống ở những vùng khô cằn. Vẫn theo báo cáo nói trên, thiệt hại kinh tế do không có được hệ thống lọc nước an toàn có thể lên tới 7% GDP của một quốc gia./.

(Theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Cảnh báo tác động “tàn khốc” của biến đổi khí hậu và xung đột đối với người nghèo

Biến đổi khí hậu và xung đột có nguy cơ làm lu mờ những nỗ lực cải thiện sức khỏe con người, trong khi thực tế các vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời, Peter Sands, người đứng đầu Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét cho biết.

Đức nỗ lực ổn định thị trường lao động

Thiếu hụt lao động lành nghề là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất đối với nước Đức, gây lo ngại cho các doanh nghiệp. Việc áp dụng luật nhập cư lao động lành nghề mới của Đức được giới chuyên gia đánh giá cơ bản là tích cực, song vẫn còn nhiều phức tạp và là yếu tố khiến quốc gia này tụt...

Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024

Ngày 17/9, tại Trung tâm triển lãm Crocus Expo ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024.

Thế giới tuần qua: Thiên tai, dịch bệnh và những hệ lụy

Hàng triệu người ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, thiệt hại về người và của sau khi siêu bão Yagi, cơn bão được đánh giá là lớn nhất châu Á trong năm 2024 đổ bộ. Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận...

Ấn tượng Việt Nam tại một trong những hội chợ du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới

Ngày 17/9, Hội chợ du lịch quốc tế và Pháp IFTM Top Resa năm 2024 (Top Resa 2024) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế Versailles, Paris.

Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em

Theo nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang khiến cho "cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em" trở nên tồi tệ hơn.