Lào Cai: 10 năm thực hiện “Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam”

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định lấy ngày 19/4 là “Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam” nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, tiếng nói, chữ viết của các dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 10 năm qua, tỉnh Lào Cai đã tổ chức “Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam” với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, hướng về cơ sở, có sự gắn kết hài hoà với các hoạt động du lịch, thể thao, chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cũng như tham gia hưởng ứng các hoạt động của Trung ương.

Tập trung cho công tác truyền thông

Hoạt động thông tin tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc đến vùng sâu, vùng xa được tăng cường, đẩy mạnh. Từ năm 2008 đến nay, trên 6.000 buổi thông tin lưu động, gần 7.000 buổi chiếu bóng lưu động phục vụ đồng bào. 9/9 đội thông tin lưu động ở Lào Cai thường xuyên sử dụng song ngữ tiếng Việt - tiếng dân tộc để tuyên truyền. Hơn 10.700 đĩa phim truyện, phim phóng sự, tài liệu lồng tiếng các dân tộc Mông, Dao, Phù Lá, Hà Nhì… được sản xuất, in sao, cung cấp cho các đội chiếu bóng phục vụ đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan báo chí, tuyên truyền tỉnh Lào Cai đã xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục, đăng tải, phát sóng tin bài về lễ hội cổ truyền, trang phục, ẩm thực, nghề thủ công, tín ngưỡng, trò chơi dân gian… của 25 dân tộc trong tỉnh như: Chuyên mục “Văn hoá - Văn nghệ” (Báo Lào Cai); Chuyên mục “Văn hoá - Du lịch”, “Đi và khám phá”, truyền hình tiếng Mông, Dao, phát thanh tiếng Mông, Dao, Giáy (Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh); Chuyên mục “Điểm đến của du khách” (Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai); Chuyên mục “Bản sắc văn hoá” (Cổng thông tin đối ngoại tỉnh Lào Cai); Chuyên mục “Văn hoá”, “Nghiên cứu văn hoá dân tộc” (Website và Cổng thông tin điện tử Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch)… Mô hình tủ sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các điểm bưu điện văn hoá xã được xây dựng giúp đồng bào dân tộc thiểu số vận dụng kiến thức vào thực tế sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói, giảm nghèo.

Năm 2009, có 5 cuốn sách song ngữ (tiếng Việt - tiếng Dao) nghiên cứu văn hoá dân gian về người Dao được xuất bản. Năm 2012 - 2017 có 60 đề tài nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn văn hoá nghệ thuật dân gian được xuất bản. Trong năm 2016, cuốn sách “Văn hoá dân gian các dân tộc Lào Cai” cũng đã ra đời góp phần quảng bá du lịch cũng như nét đẹp văn hoá của các dân tộc tỉnh Lào Cai.

Phát triển văn hoá, sáng tạo văn học nghệ thuật

Lào Cai luôn coi trọng đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Thông qua việc thực hiện Đề án “Phát triển thiết chế văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015” và Đề án “Phát triển văn hoá, thể thao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”, văn hoá tỉnh Lào Cai những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đã thực hiện quay phim, chụp ảnh bảo tồn văn hoá 10 dân tộc tiêu biểu ở Lào Cai; bảo tồn và phục dựng 8 nghề thủ công của các dân tộc; 24 di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; bảo tồn và xây dựng 9 làng văn hoá du lịch. Nhiều thành tựu về tri thức bản địa được bảo tồn và phát huy. Các làng bản, cộng đồng dân tộc Lào Cai đã khai thác các ngành nghề thủ công, cây, con thế mạnh, xây dựng thành các đặc sản mang dấu ấn văn hoá, mang thương hiệu riêng, đem lại giá trị kinh tế cao như: Tương ớt, gạo Séng Cù Mường Khương; su su Sa Pa; thổ cẩm, chạm khắc bạc…

Đến nay, Lào Cai đã xuất bản 270 đầu sách, trong đó có 115 tác phẩm lĩnh vực văn học, 26 tác phẩm lĩnh vực nghiên cứu dân gian… Đặc biệt, một số công trình nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian đã đạt giải cao như: Tác phẩm “Văn hóa dân gian người Xa Phó ở Lào Cai”; tác phẩm “Văn học dân gian người Nùng Dín ở Lào Cai”; tác phẩm “Trang phục của người Mông đen ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai”…

Năm 2015, tỉnh Lào Cai có 9 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” thuộc các lĩnh vực tập quán xã hội và tín ngưỡng; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tiếng nói, chữ viết; Tri thức dân gian.

Nhiều hoạt động hưởng ứng “Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam”

Lào Cai đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao với chủ đề dân tộc và miền núi. Nổi bật là Hội thi Văn hoá, thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai; Hội thi Văn hoá, thể thao các trường Phổ thông dân tộc Nội trú, bán trú tỉnh Lào Cai. Đặc biệt năm 2016, tỉnh Lào Cai đã đăng cai tổ chức Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng lần thứ XIII với sự tham gia của gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đến từ 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Các hoạt động văn hóa như liên hoan nghệ thuật quần chúng, trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa dân gian, thi trang phục dân tộc truyền thống, triễn lãm ảnh nghệ thuật “Sắc màu Tây Bắc”, thi thể thao dân tộc ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, tu lu… đã tạo nên bức tranh rực rỡ sắc màu, mang đậm nét văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc và một sân chơi bổ ích, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc trong vùng.

Hằng năm, khoảng 50 lễ hội được tổ chức ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Các lễ hội dân gian mang giá trị sinh hoạt cộng đồng cao, phần lễ kết hợp với các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc, hoạt động ẩm thực, giao lưu văn nghệ... đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc. Đặc biệt “Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc” dịp 18/11 luôn được tổ chức sôi nổi, rộng khắp trong toàn tỉnh với nhiều hoạt động thể thao dân tộc truyền thống, các tiết mục văn hoá, văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc, hấp dẫn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Hiện nay tỉnh đã tiến hành khảo sát, xây dựng các đội văn nghệ gắn với bản sắc văn hoá các dân tộc Lào Cai như: Đội văn nghệ dân tộc Hà Nhì (Y Tý, Bát Xát); Đội văn nghệ dân tộc Giáy (Tả Van, Sa Pa); Đội văn nghệ dân tộc Dao (Gia Phú, Bảo Thắng); Đội văn nghệ dân tộc Mông (Sảng Ma Sáo, Bát Xát), Đội văn nghệ dân tộc Tày (Na Hối, Bắc Hà)... nhằm phát huy giá trị văn hoá dân tộc và phục vụ phát triển du lịch địa phương.

Trong 10 năm qua, Lào Cai đã tổ chức đưa hàng chục đoàn nghệ nhân, diễn viên và bà con đồng bào dân tộc tham gia nhiều chương trình, sự kiện văn hoá các dân tộc của khu vực và toàn quốc. Tiêu biểu là tham gia các hoạt động văn hoá nhân sự kiện Đại hội đồng liên minh Nghị viện thế giới IPU tổ chức tại Việt Nam (năm 2015); Ngày hội văn hoá dân tộc Mông (năm 2016); tái hiện lại nghi lễ cưới độc đáo của dân tộc Bố Y, Mường Khương trong khuôn khổ Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc (năm 2018);...

Với 25 dân tộc anh em cùng chung sống đã tạo nên nét sinh hoạt văn hoá đa dạng, mang đậm bản sắc các dân tộc tỉnh Lào Cai. Việc tổ chức, hưởng ứng “Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam” của Lào Cai trong suốt 10 năm qua (2008 - 2018) đã góp phần tăng cường tình đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, khu vực và cả nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, giữ gìn, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hướng đến thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”./.

Thanh Huyền

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.