Phong tục cưới hỏi của đồng bào Xa Phó Lào Cai

Đồng bào Xa Phó ở Lào Cai có tập quán cưới hỏi khá độc đáo, khác lạ từ lễ vật thách cưới cho đến các nghi thức. Thời gian tổ chức cưới hỏi thường vào tháng một, tháng hai. Tiêu chuẩn chọn vợ, chọn chồng của người Xa Phó khá khắt khe. Những cô gái có tính nết hiền lành, biết thêu thùa, may vá và những chàng trai giỏi cày bừa, khỏe mạnh sẽ được nhiều người để ý, lựa chọn.

Một nghi lễ trong đám cưới của người Xa Phó.

Đám cưới của người Xa Phó trải qua nhiều bước, như dạm ngõ, dạm hỏi, thách cưới, nhưng quan trọng nhất vẫn là lễ cưới. Nhà trai tìm ông mối khéo ăn, khéo nói giúp việc giao dịch với nhà gái và thống nhất đồ lễ thách cưới. Tiền giấy và đồng bạc trắng có thể xin nhà gái giảm, nhưng các lễ vật là thịt chuột ống, rượu ống, bánh giày thì bắt buộc phải có. Ông mối nhà trai xin nhà gái cho biết số lượng anh em bên nhà gái để chuẩn bị đủ ống thịt chuột, ống rượu. Thịt chuột ống phải là loại được bẫy ở rừng.

Đến ngày cưới, thành phần đoàn nhà trai gồm hai ông bà mối, phù dâu, phù rể và đoàn người đưa lễ vật. Lễ vật gồm 18 ống thịt chuột nhỏ và 2 ống thịt chuột to; 18 ống rượu nhỏ và 2 ống rượu to; 18 chiếc bánh giày nhỏ và một đôi bánh giày to bằng chiếc mẹt; 15 kg thịt lợn mông; 25 kg gạo nếp, tẻ và 1 triệu đồng tiền giấy để làm lễ cúng gia tiên.

Người Xa Phó quan niệm đám cưới có đầy đủ thịt chuột và rượu bỗng, bánh giày thì tổ tiên mới nhận đó là con cháu. Phong tục bắt nguồn từ truyền thuyết về nguồn gốc của người Xa Phó. Có hai anh em sống sót sau thảm họa đại hồng thủy, họ bắt buộc phải lấy nhau nhưng lúc đó trên mặt đất mọi con vật đều chết hết, họ phải chui vào hang tìm bắt chuột và dùng thịt chuột làm lý cúng báo cho ông trời biết ngày họ nên duyên vợ chồng. Cũng kể từ đó, khi tổ chức cưới cho con, nhà trai người Xa Phó phải làm thịt chuột ống giao cho nhà gái mới được đón dâu về nhà. Nhà gái nhận và kiểm đếm số lễ vật, nếu thấy đủ sẽ đem chia phần thịt chuột ống, rượu ống cho anh em trong dòng họ. Khi nhận, những người này cảm ơn và gửi lời chúc đôi vợ chồng trẻ sau này có cuộc sống đầy đủ, sung túc, hạnh phúc bền lâu.

Đến giờ tốt, ông mối bên nhà trai xin phép được đón cô dâu về nhà chồng, cả chú rể và cô dâu đều có những anh em, bạn bè chưa vợ, chưa chồng đi cùng để làm phù dâu, phù rể. Đặc biệt, bố đẻ cũng đưa con gái về nhà chồng. Đoàn đón và đưa dâu khi về đến chân cầu thang của nhà trai, phải chờ giờ tốt mới vào nhà. Ở trong nhà bày sẵn một mâm cơm đặt gần nơi thờ tổ tiên để cô dâu, chú rể cùng ông mối ngồi làm lễ nhập tịch thông báo tổ tiên cho con dâu vào nhà, cầu mong tổ tiên từ nay phù hộ con dâu mạnh khỏe, làm ăn gặp nhiều may mắn.

Trong khi ông mo nhà trai đang làm lễ nhập tịch cho cô dâu, bố đẻ của cô dâu cầm theo một vòng dây đến gặp thầy mo và hỏi: “Ông có thấy con trâu cái nhà tôi sổng chuồng đến đây không?”. “Tôi không thấy - ông mo đáp - tôi chỉ thấy anh này” (ông mối chỉ tay vào chú rể). Ngay lập tức, ông bố vợ cầm vòng dây đưa qua đầu thả rơi xuống chân để cầu chúc cho con cái sống hạnh phúc, thương yêu nhau. Sau nghi thức này, cả chủ và khách cùng nhau ngồi ăn uống và chúc mừng hạnh phúc cho cô dâu, chú rể.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.