Lễ hội Roóng Poọc của dân tộc Giáy

Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy là hội để cầu mùa, mở đầu cho một năm mới thuận lợi, cầu mong thần linh phù hộ cho ngô lúa tốt tươi, chăn nuôi phát triển, xóm làng bình yên, mọi người khỏe mạnh. Lễ hội Roóng Poọc có nhiều yếu tố phồn thực thể hiện qua nghi lễ dựng cột nêu và trò chơi ném còn, thi trâu cày với ước mong âm dương hòa hợp, vạn vật sinh sôi nảy nở.

Hằng năm vào ngày Thìn tháng Giêng, người Giáy ở Tả Van (Sa Pa), Đồng Tuyển, Tả Phời, Hợp Thành (thành phố Lào Cai) cùng nhau tổ chức lễ hội xuống đồng. Địa điểm được chọn tổ chức thường ở cánh đồng trung tâm của làng, thuận lợi cho người dân qua lại.

Trước ngày diễn ra lễ hội, người dân trong làng chuẩn bị quả còn và lễ vật để dâng cúng lên thần linh. Lễ vật gồm các sản vật do người dân tự làm ra như xôi màu, thịt lợn, gà, cá, rượu, trứng nhuộm phẩm màu… Và đặc biệt, việc làm vòng còn (vòng nhật nguyệt) treo trên ngọn cây nêu được người Giáy chú trọng chuẩn bị. Thầy mo đảm nhiệm việc làm mặt vòng còn, dán giấy trang trí mặt còn theo hai màu: Màu đỏ tượng trưng cho mặt trời, mặt còn lại dán giấy vàng tượng trưng cho mặt trăng. Chủ lễ lựa chọn hai cô gái đồng trinh làm 3 đôi còn giống để đặt trên mâm lễ. Cây nêu phải thẳng không cụt ngọt, dài tầm 15 - 20 m.

Đội kèn pí lè rước mâm lễ chung từ nhà thầy mo.

Vào ngày hội, đội kèn pí lè đón rước thầy về trung tâm lễ hội để hành lễ, rồi thổi bài kèn đón thần theo nghi lễ, có một trống to làm hiệu lệnh thông báo cho dân làng. Sau khi chủ lễ thực hiện các thủ tục hành lễ với thần linh, liền mời những người cao tuổi có uy tín (già làng, trưởng thôn), nam đứng một bên, nữ đứng một bên, mỗi bên có 4 người và lấy những quả còn đã được “ra mắt” thần ném tượng trưng ba lần. Lấy cột nêu làm chuẩn, nam nữ chia thành hai hàng rồi bắt đầu tung, một bên tung một bên nhặt rồi tung ngược lại. Tiếp đó, chủ lễ cầm khay đựng quả còn ra chia phát cho thanh niên nam, người nam ném còn về phía vòng nhật nguyệt trên ngọn nêu, người nữ ở phía đối diện nhặt và ném lại. Người Giáy ném còn với mục đích làm thủng vòng mặt trăng, mặt trời trên ngọn cột nêu, nếu làm thủng được vòng còn thì năm đó làng mới làm ăn phát đạt, bình an.

Khi đã ném thủng vòng mặt trời, mặt trăng, người ta lấy quả còn ném thủng đó và mời người ném thủng đến mâm lễ chung của cộng đồng để hành lễ báo với thần linh. Người vừa ném còn thành công đứng trước bàn thờ bái lạy thần linh ba vái. Thầy cúng, chủ làng rót bốn chén rượu đỏ (có phẩm đỏ) mời đôi nam nữ chiến thắng mỗi người hai chén và còn thưởng mỗi người hai hào bạc trắng. Người Giáy quan niệm trung tâm của lễ hội là ở cột nêu, do đó bằng mọi giá, những người tham gia phải ném thủng được vòng nhật nguyệt thì năm đó làm ăn mới thuận lợi, làng bản được bình yên, mọi người được mạnh khỏe... Bởi vậy, trong trường hợp cả buổi lễ không có ai ném thủng được hình trên cột cây nêu thì họ phải dùng nỏ bắn cho thủng để tránh tai ương cho dân bản trong năm đó... Tiếp đó, phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, bịt mắt bắt dê, hát dân ca Giáy, múa quạt… Độc đáo nhất trong phần hội là thi trâu cày nhằm mục đích cầu mùa cho năm mới bội thu.

Lễ hội Roóng Poọc là loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang đậm chất tâm linh và huyền bí, thể hiện nhiều loại hình diễn xướng dân gian từ nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn dân gian, nghệ thuật âm nhạc... nên gắn bó sâu sắc, lâu dài với đời sống tinh thần của người Giáy. Khi lễ hội này được tổ chức thành công, mọi người mới cho là hết tết và sẵn sàng bước vào những vụ sản xuất mới.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Du khách bất ngờ trước tốc độ phục hồi của du lịch Sa Pa

Sa Pa, điểm đến du lịch nổi tiếng của miền Bắc, nhanh chóng “lấy đà” phục hồi sau bão nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương.

Khách du lịch đến Sa Pa tăng 33,2% so với kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2023

Trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8 - 3/9), Lào Cai đón khoảng 196.500 lượt khách. Lượng khách du lịch đến các địa phương tăng nhẹ so với kỳ nghỉ 2/9/2023, riêng thị xã Sa Pa đón khoảng 122.770 lượt khách, tăng 33,2% so với kỳ nghỉ lễ 2/9/2023.

Lễ hội mùa Thu "Sa Pa - mùa vàng" 2024 hứa hẹn hàng loạt sự kiện hấp dẫn

Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024 không chỉ là dịp để du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của vùng cao mà còn là cơ hội để trải nghiệm những hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực hấp dẫn.

Nên đi đâu tại Lào Cai trong kỳ nghỉ lễ này?

Kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh mùng 2/9 đúng vào dịp thời tiết Lào Cai thuận lợi. Dự kiến những ngày nghỉ trời có nắng, phù hợp để du khách trải nghiệm các hoạt động ngoài trời, tận hưởng không khí đón mùa thu. Những ngày này, các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch hấp dẫn để thu hút...

Lần đầu tiên tỉnh Lào Cai tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế

Với chủ đề “Du lịch Lào Cai - kết nối khát vọng xanh”, Hội chợ Du lịch Quốc tế Lào Cai năm 2024 (Laocai International Travel Mart – LITM 2024) sẽ được tổ chức từ ngày 7/11 đến ngày 10/11/2024 tại khu vực Quảng trường Đinh Lễ (thành phố Lào Cai).

Hoa dơn thóc rực rỡ khoe sắc trên đỉnh Fansipan

Kéo dài tới hết 30/8, Lễ hội hoa dơn thóc 2024 đang thu hút đông đảo khách du lịch tới đỉnh Fansipan với biển hoa trải dài từ độ cao hơn 3.000 m và hàng loạt hoạt động vui chơi hấp dẫn, mang đậm sắc màu văn hóa Tây Bắc.