Cuối tuần ở Mường Hum

Nằm dưới thung lũng sâu, được bao bọc bởi núi cao chót vót, Mường Hum (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Vào ngày Chủ nhật, từng đoàn du khách khắp nơi đổ xuống thung lũng này để nhóm chợ phiên. Đến mùa lúa chín, người ta lại đến đây ngắm những thửa ruộng bậc thang, những nấc thang trải dài như nối Mường Hum lên đến chín tầng mây…

Chợ phiên Mường Hum.

Xuất phát từ thành phố Lào Cai, di chuyển khoảng 45 cây số là đến Mường Hum. Cung đường này cực kỳ hiểm trở. Du khách phải đi dọc theo đường vành đai biên giới, vượt qua những ngọn núi, không ít lần xe “leo” lên những mỏm đá rồi mới bắt đầu xuống thung lũng sâu trên con đường ngoằn ngoèo.

Nếu đi từ thị trấn Sa Pa, đường đi dễ dàng hơn. Theo đường lên đỉnh Ô Quy Hồ đến ngã ba Bản Xèo thì rẽ phải. Cứ thế di chuyển trên con đường dọc theo triền núi khi lên khi xuống là đến thung lũng Mường Hum. Khách có thể lên Y Tý đi chợ phiên thứ 7 rồi trở lại Mường Hum đi tiếp chợ phiên Chủ nhật.

Đường đi gian nan nhưng bù lại cảnh sắc Mường Hum tuyệt đẹp. Nếu nói Sa Pa là nàng “công chúa” duyên dáng và sang trọng thì Mường Hum lại có nét duyên ngầm như nàng con gái miền sơn cước.

Đến ngày họp chợ phiên, dòng người từ các quả núi đổ về chợ. Người ta dắt theo ngựa, mang vác mọi thứ từ nông sản đến heo cúi, gà… Thậm chí, có cả tủ, bàn vừa mới đóng xong cũng được vác đến chợ để trao đổi. Ai nấy cũng trang phục lộng lẫy đầy màu sắc. Những cô gái Mông rực rỡ trong những chiếc váy hoa được dệt, thêu tay cầu kỳ; thiếu nữ Dao đỏ thì mặc trang phục chàm có hoa văn trên ngực, đầu đội khăn đỏ và mang nhiều trang sức bạc… Một đứa trẻ còn địu trên lưng cũng được mẹ mặc cho những trang phục truyền thống.

Người vùng cao đi chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn để giao lưu. Người gặp lại bạn xưa. Người gặp lại tình cũ. Người trẻ thì đến chợ để tìm một nửa của mình. Hằng ngày họ sống trên núi cao, cật lực với nương rẫy, không có thời gian hẹn hò, tìm hiểu.

Sau khi mua bán xong, những hàng quán ăn uống tấp nập người. Họ ăn thắng cố - món chỉ có bán ở chợ phiên và uống rượu ngô. Nam nữ đều có thể uống rượu và uống đến say khướt. Du khách không lạ khi tan chợ có người nằm bên vệ đường ngủ ngon lành vì quá say. Hay một phụ nữ đi bên các con; trên lưng ngựa là người đàn ông nằm vắt vẻo.

Nằm dưới thung lũng sâu, Mường Hum tuyệt đẹp vào mùa lúa chín. Những dãy núi cao bao bọc xung quanh là những bậc thang trồng lúa. Chiều chiều, những bậc thang trên cùng nằm khuất trong mây. Đứng từ Mường Hum, tưởng chừng như đó là những bậc thang nối từ trần gian đến chín tầng trời. Lúc trời xanh trong vắt, những thửa ruộng bậc thang càng thêm chót vót.

Đặc biệt, ngay trung tâm Mường Hum có con suối lớn. Đó là con suối Mường Hum ào ạt chảy ngày đêm được hợp lưu bởi hai dòng suối Nậm Pung Hồ và Trung Lèng Hồ. Những ca khúc “Suối Mường Hum còn chảy mãi”, “Chiều Mường Hum” mới chỉ nghe thôi đã muốn đến Mường Hum. Đến đây rồi, lòng không thể không dạt dào theo con suối, bay lượn theo cánh bướm vờn hoa bên suối.

Người dân nơi đây sống và sinh hoạt theo nếp riêng truyền thống của từng dân tộc. Sự hiếu khách và thân thiện của các dân tộc bản địa càng tạo sự thích thú cho du khách. Họ nhoẻn miệng cười duyên dáng khi ai đó đưa máy chụp hình lên; hoặc thẹn thùng e lệ vì nhiều người lạ đang nhìn mình.

Mường Hum là thế - rất bản sắc như những gì đã có, đó là thứ quý nhất để níu chân du khách. Khi về, người ta vẫn nhớ đến những nụ cười trong trẻo như làn nước suối Mường Hum…

(Theo Báo điện tử Lào Cai)

Tin Liên Quan

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.

Trăm năm kể chuyện nghề Rèn