Năm 2017: Năm thành công của ngoại giao Việt Nam

Thành công của Năm APEC Việt Nam 2017, nhiều chuyến thăm quan trọng của nguyên thủ các nước cùng những hoạt động đối ngoại sôi động đã đánh dấu một năm ấn tượng của ngoại giao Việt nam.

Năm 2017 chứng kiến sự mở rộng và đi vào chiều sâu của các hoạt động đối ngoại, ở tất cả các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân của Việt Nam; tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hỗ trợ phát triển và tạo vị thế mới của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương; đưa Việt Nam hội nhập ngày càng chủ động, tích cực, sâu rộng và khẳng định là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Báo điện tử Chính phủ xin điểm lại một số hoạt động ngoại giao nổi bật trong năm qua.

Năm 2017, sự kiện đối ngoại lớn nhất của Việt Nam là đảm nhận vai trò chủ nhà của Hội nghị Cấp cao các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang sánh bước cùng Lãnh đạo các nền kinh tế APEC tới vị trí chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25, sáng 11/11. 
 
Ngày 12/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Hà Nội bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam sau khi tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây cũng là lần thăm cấp cao thứ ba giữa 2 nước trong năm 2017 sau 2 chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
 
Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên Tổng thống Mỹ Donald Trump tới thăm trong nhiệm kỳ của mình. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hai ngày 11 và 12/11, tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump.
 
Tối 11/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cùng tham dự lễ khai trương Không gian Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản tại thành phố Hội An (Quảng Nam), một hoạt động trong khuông khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. 
 
Trong năm APEC, Việt Nam đã đạt được mục tiêu nâng cao vai trò và vị thế quốc tế, tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nền kinh tế APEC, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp APEC và quảng bá tiềm năng phát triển, kinh doanh của Việt Nam. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo các nền kinh tế APEC.
 

 

Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam từ ngày 28/2-5/3. Chuyến thăm là một sự kiện quan trọng, mang ý nghĩa biểu tượng, một dấu mốc lịch sử trong quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Nhà vua Nhật Bản trong lễ đón chính thức.
 
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ 16-17/1. Thủ tướng Nhật Bản cho biết chính sách ngoại giao của chính quyền Abe năm thứ 5 đã khởi đầu từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Quốc gia đầu tiên ông tới trong chính sách đó chính là Việt Nam. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
 

 

Sáng 20/3, lễ đón chính thức Tổng thống Israel và phu nhân được tổ chức tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức đón nguyên thủ quốc gia. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá chuyến thăm thể hiện sự coi trọng và mong muốn của các vị lãnh đạo Israel trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Israel Reuven Rivlin.

 

Từ ngày 21-24/3, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Phu nhân sang thăm chính thức Việt Nam. Singapore hiện là nhà đầu tư lớn thứ ba ở Việt Nam, chỉ sau Nhật Bản và Hàn Quốc, với tổng giá trị đầu tư 40 tỷ USD. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
 
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-19/4 theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Sri Lanka không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp.
 
Ngày 15/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp và hội đàm với Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội liên bang Myanmar do Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch thượng viện Mauyn Khai Than làm trưởng đoàn.
 
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (6/6-8/6) của Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman nhằm khẳng định sự coi trọng và mong muốn củng cố, thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, đưa quan hệ hai nước phát triển ngày càng sâu rộng, hiệu quả hơn. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman trong buổi hội đàm.
 
Sáng 12/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp và hội đàm Chủ tịch Quốc hội Cuba Estenban Lazo Hernandez. Chuyến thăm lần này của Đoàn thể hiện sự coi trọng và mong muốn tăng cường, củng cố mối quan hệ truyền thống đặc biệt, đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam- Cuba. 
 
Ngày 20/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp và hội đàm với Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Bangladesh do bà Shirin Sharmin Chaudhury, Chủ tịch Quốc hội Bangladesh dẫn đầu. Tại buổi hội đàm, hai Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh việc cùng nhau tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực quan trọng như quốc phòng, thủy sản, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch… Trong đó, hai nước đã ký gia hạn Bản ghi nhớ có thời hạn 5 năm về việc Bangladesh sẽ nhập một triệu tấn gạo mỗi năm từ Việt Nam. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Bangladesh.
 
Thủ tướng Cộng Hòa Mozambique, ông Carlos Agostinho do Rosario thăm chính thức Việt Nam từ ngày 31/7-3/8. Tại cuộc hội đàm hai bên phấn đấu đưa Mozambique trở thành đối tác hàng đầu của Việt Nam tại châu Phi Nam Sahara và Việt Nam trở thành cầu nối của Mozambique với khu vực Đông Nam Á. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Carlos Agostinho do Rosario.
 

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22 - 24/8. Trong cuộc hội đàm, Thủ tướng hai nước khẳng định hai Chính phủ cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 4 tỷ USD vào năm 2020. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Binali Yildirim chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước.

 

Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El Sisi đã có chuyến thăm Việt Nam cấp Nhà nước từ ngày 6–7/9. Đây là chuyến thăm lịch sử của một Tổng thống Ai Cập lần đầu đến thăm Việt Nam. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El Sisi.
 
Sáng ngày 25/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Hungary Orbán Viktor và Phu nhân thăm Việt Nam. Hai bên đã trao đổi về nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư, giáo dục-đào tạo, y tế, môi trường, an ninh-quốc phòng...
 
Tổng thống Chile có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam trước khi vào Đà Nẵng tham dự hội nghị cấp cao APEC. Chuyến thăm diễn ra vào đúng 10 năm sau khi Việt Nam và Chile thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện và khởi xướng đàm phán Hiệp định Thương mại tự do song phương. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Tổng thống Chile tại Phủ Chủ tịch.

 

Thủ tướng Canada Justin Trudeau thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 8 và 9/11. Thủ tướng Justin Trudeau công du đến Việt Nam với thông điệp: "Quan hệ chặt chẽ giữa Canada và Việt Nam thể hiện qua những mối gắn kết mạnh mẽ giữa nhân dân hai nước và phạm vi mở rộng lớn lao trong suốt 40 năm qua". Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Justin Trudeau trong lễ đón chính thức.
 

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19-21/12 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Trong ảnh: Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào trong lễ đón chính thức.
 
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 27-30/11. Việt Nam-Ba Lan có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt lâu đời và ngày càng phát triển tích cực. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp cũng như ký nhiều văn kiện tạo khung pháp lý cho sự hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, thương mại-đầu tư, đến quốc phòng, an ninh, giáo dục-đào tạo. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ba Lan.
 
Ngày 18/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đón và hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Morocco Habib El Malki thăm chính thức nước ta. Tại cuộc hội đàm, hai Chủ tịch cũng thống nhất tăng cường trao đổi đoàn cấp cao; cũng như tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, Cộng đồng Pháp ngữ và Phong trào Không liên kết.
 
Theo Nhật Bắc/baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Đại sứ Orlando Nicolas Hernandez Guillen: Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa lịch sử với quan hệ Việt Nam-Cuba

Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen khẳng định chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đánh dấu một thời khắc quan trọng với ý nghĩa lịch sử.

Việt Nam sẽ có những thông điệp lớn, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương

Ngày 19/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn về chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Phiên họp cấp cao Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ từ 22-24/9.

Sáng mãi tinh thần Bộ đội Cụ Hồ

Cơn bão số 3 được đánh giá là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua; bão số 3 và hoàn lưu của nó để lại hậu quả nặng nề cho các tỉnh, thành phố phía bắc, nhất là Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu cho các cháu thiếu niên, nhi đồng

Nhân dịp Tết Trung thu 2024, ngày 13/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thư cho các cháu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam ở trong và ngoài nước, các cháu người nước ngoài ở Việt Nam. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước:

Thủ tướng: 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn sau 'siêu bão' lịch sử

Chỉ rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn sau "siêu bão" lịch sử Yagi, Thủ tướng yêu cầu ngay trong ngày mai (16/9) trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về khắc phục hậu quả siêu bão số 3, ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.

Quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga

Trả lời phỏng vấn báo chí sau Khóa họp lần thứ 25 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Nga, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko đồng chủ trì, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hai bên quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát huy vai trò của Ủy ban liên...