Tăng cường sản xuất năng lượng sạch, với giá cả phải chăng, đáp ứng
được nhu cầu ngày càng tăng của con người (Ảnh minh họa: Khánh Linh)

Phát biểu tại một hội nghị chuyên đề cấp cao về kết nối năng lượng toàn cầu tại trụ sở Liên hợp quốc, ông Guterres nêu rõ đây là thách thức kép về nghèo năng lượng và biến đổi khí hậu mà tất cả các bên phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi các hệ thống năng lượng của thế giới vì lợi ích của tất cả mọi người. "Năng lượng là sợi dây chi phối kết nối tất cả các mục tiêu phát triển bền vững" – Tổng thư ký khẳng định.

Các dịch vụ năng lượng hiện đại góp phần vào việc giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, y tế cộng đồng và giáo dục chất lượng cho tất cả mọi người. Thêm vào đó, chúng là chìa khóa cho công nghiệp hoá bền vững, các thành phố lành mạnh và hiệu quả hơn, và hành động khí hậu thành công.

Mặc dù vậy, ông Guterres lưu ý thế giới vẫn còn xa mới thực hiện được tầm nhìn về năng lượng sạch và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người. Theo Liên hợp quốc, khoảng một tỷ người vẫn sống mà không có điện, trong đó 500 triệu người ở châu Phi và hơn 400 triệu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 3 tỷ người tiếp tục nấu ăn và sưởi ấm mà không sử dụng nhiên liệu sạch và công nghệ hiệu quả hơn. Trước thực tế này, nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc nhấn mạnh "thế giới cần thêm năng lượng và năng lượng sạch hơn", đồng thời nêu rõ khi nhu cầu này tăng lên, thế giới phải chịu nhiệt độ tăng cao và nồng độ CO2 trong khí quyển lên mức kỷ lục mới vào năm 2016.

Đề cập đến báo cáo do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố ngày 31/10, Tổng thư ký nhắc lại rằng các cam kết theo Thỏa thuận Paris chỉ là 1/3 những gì là cần thiết để trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, có thể tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Ông Guterres ước tính rằng nhiệt độ tăng lên 2 độ C sẽ rất "thảm khốc".

Trong bối cảnh đó, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh tính cấp thiết của hành động khí hậu. "Điều đó đồng nghĩa với việc chuyển đổi các hệ thống năng lượng toàn cầu. Nó cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy các công nghệ hiện đại có thể đáp ứng nhu cầu về năng lượng mà không làm ô nhiễm môi trường và không thải ra khí nhà kính vào khí quyển" – ông Guterres giải thích.

Theo Tổng thư ký, hội nghị chuyên đề được tổ chức tại New York lần này có thể giúp chỉ ra con đường thông qua các bài thuyết trình chính sách và kỹ thuật về cách thức tăng cường kết nối năng lượng toàn cầu thông qua việc triển khai các mạng lưới điện thông minh. "Với các mạng lưới thông minh, bây giờ có thể tạo ra, truyền tải và phân phối năng lượng một cách hiệu quả, giảm tổn thất truyền tải và cung cấp năng lượng sạch, giá cả phải chăng, hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường" – ông tuyên bố.

Cùng chia sẻ quan điểm này, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội Liu Zhenmin cũng cho biết Chương trình phát triển bền vững vào năm 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững cũng nhấn mạnh vào kết nối. Theo ông, "nếu không tăng cường tiếp cận với năng lượng hiện đại, với hiệu suất năng lượng và năng lượng tái tạo thì sẽ không có tiến bộ trong hành động về khí hậu"./.