Phát triển Ðảng từ “những cánh tay nối dài”

Lâu nay, ở các chi bộ nông thôn thường quan tâm phát triển đảng viên dựa vào lực lượng đoàn viên, thanh niên, tuy nhiên, đối tượng này hầu hết học xong THPT thường đi học các trường chuyên nghiệp hoặc đi làm. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ không chuyên trách tại thôn, đặc biệt là trưởng thôn, bản là đối tượng rất đông, là nguồn quan trọng để phát triển đảng viên.

Bài 1: Nhiều trưởng thôn chưa phải đảng viên

Thôn, bản không phải là cấp trong hệ thống chính quyền nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng đến người dân. Những người giữ vai trò trưởng thôn, bản luôn được các địa phương quan tâm xây dựng trở thành hạt nhân nòng cốt tại các địa bàn dân cư. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, những người được ví như “cánh tay nối dài” của chính quyền cơ sở vẫn chưa đứng trong hàng ngũ của Đảng vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Không chỉ là khách quan

Đây đã là nhiệm kỳ thứ hai anh Vi Văn Đô, sinh năm 1985, xã Tả Phời (TP Lào Cai) được bà con tín nhiệm bầu là Trưởng thôn Hẻo. Hiện anh đang kiêm cả chức Chi hội trưởng Chi hội Nông dân. Gia đình làm nông nghiệp, thu nhập ở mức trung bình, hằng ngày, anh vẫn phải lo toan mọi thứ để trang trải cuộc sống gia đình, nhưng mọi công việc của thôn, anh chẳng nề hà việc gì. Bà con trong thôn cũng ghi nhận Trưởng thôn Đô là người “đứng mũi chịu sào”, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua. Nói về người trưởng thôn này, cán bộ Đảng ủy xã Tả Phời cũng cảm thấy tiếc nuối vì anh chưa phải đảng viên, mặc dù Chi bộ thôn Hẻo đã vận động anh đi học lớp nhận thức về Đảng. Anh Đô chẳng hề giấu diếm nguyên nhân khiến mình ngại ngần đi học lớp nhận thức về Đảng, bởi không là đảng viên thì “từ chối nhiệm vụ gì cũng đỡ ngại”. Không chỉ Trưởng thôn, hiện hầu hết các chức danh ở thôn Hẻo đều do những người chưa phải đảng viên đảm nhiệm.

Dù tích cực tham gia công tác xã hội, nhưng hiện Trưởng thôn Vi Văn Đô (thôn Hẻo, xã Tả Phời, TP Lào Cai) vẫn chưa là đảng viên.

Bí thư Đảng ủy xã Gia Phú (Bảo Thắng), bà Phạm Thị Nhật cũng trăn trở bởi trong số 36 trưởng thôn của xã thì hơn một nửa không phải đảng viên. Vừa rồi xã có gửi hơn 10 hồ sơ lên Ban Tổ chức Huyện ủy xem xét kết nạp Đảng thì cũng chỉ có một người đang giữ chức danh trưởng thôn. Đảng ủy xã đã thành lập tổ tuyên truyền do đồng chí Bí thư Đảng ủy trực tiếp làm tổ trưởng đi tuyên truyền, vận động, nhưng có trưởng thôn nói “để nghiên cứu đã”. “Một số người ngại vào Đảng vì sợ bị phân công nhiều nhiệm vụ. Tôi phải nói là chỉ phân công ít nhất một nhiệm vụ, nhiều nhất là 2 nhiệm vụ thôi”, bà Nhật chia sẻ. Nguồn trưởng thôn còn lại để kết nạp đảng của địa phương chỉ còn 5 - 6 người, một số còn lại rất có uy tín trong nhân dân nhưng tuổi đã cao. Bí thư Đảng ủy Phạm Thị Nhật lo lắng, nhiều trưởng thôn là đảng viên nhưng sắp hết nhiệm kỳ, trong khi lớp đảng viên trẻ thì chưa đủ uy tín, điều kiện, đúng là “tre già nhưng… măng chưa mọc”.

Tại huyện Bảo Yên, cũng chỉ có 143 người trong số 299 trưởng thôn là đảng viên. Riêng xã Tân Tiến, xã khó khăn nhất của huyện chỉ có 1 trong số 9 trưởng thôn đứng trong hàng ngũ của Đảng. Từ nay đến năm 2020, Đảng bộ xã phấn đấu có chi ủy ở tất cả các chi bộ nông thôn nhưng mục tiêu này xem ra khó khăn, bởi nguồn trưởng thôn còn chưa phát triển thì nói gì đến nguồn từ các đoàn thể khác. Bí thư Đảng ủy xã Tân Tiến, ông Hoàng Văn Pao cho biết, thực tế nguồn đảng viên là trưởng thôn không đến nỗi khan hiếm, nhưng lý lịch các đồng chí này hay mắc phải là vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, một số lại chưa đủ tiêu chuẩn về trình độ văn hóa. Tới đây, xã sẽ lựa chọn những trưởng thôn nhiệt tình, năng nổ trong công việc, không vướng lý lịch, động cơ vào Đảng trong sáng, phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện mở lớp bổ túc văn hóa để những cán bộ này đủ tiêu chuẩn về trình độ văn hóa, từ đó có cơ hội trở thành đảng viên.

Uy tín trong Đảng, uy tín với dân

Ông Ma Sử, Trưởng thôn Ngải Phóng Chồ, xã Cao Sơn (Mường Khương) không những có uy tín cao trong chi bộ mà con được người dân trong thôn tín nhiệm. Ông cho biết: “Ban đầu tôi rất ngại khi được chi bộ bồi dưỡng, giới thiệu. Tuy nhiên, sau khi đứng vào hàng ngũ của Đảng, tôi thấy rất vinh dự. Việc trở thành đảng viên giúp tôi tiếp cận thuận lợi hơn các nghị quyết của chi bộ, của đảng ủy cấp trên, từ đó kịp thời triển khai đến nhân dân”. 

Trong nhiều chuyến đi đến các thôn, bản vùng cao, chúng tôi đã gặp không ít những trưởng thôn dù chưa phải là đảng viên nhưng rất có uy tín trong cộng đồng, có những người đã làm trưởng thôn 15 năm, thậm chí 20 năm. Họ là những người đầu tàu gương mẫu trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Và nếu những trưởng thôn ấy trở thành đảng viên thì những việc tốt họ đang làm sẽ có sức lan tỏa lớn hơn, góp phần nâng cao vai trò, uy tín của tổ chức đảng, củng cố niềm tin của nhân dân với con đường mà Đảng đã chọn.

Tỉnh Lào Cai đang đẩy mạnh việc ghép các chức danh ở thôn, tổ dân phố trong đó tập trung nhất thể hóa trưởng thôn và bí thư chi bộ. Quyết định 65/2016/QĐ-UBND ngày 19/8/2016 của UBND tỉnh chỉ rõ các chức danh ở thôn, tổ dân phố bố trí không quá 3 người đảm nhiệm và được hưởng 100% phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm đó. Theo lãnh đạo các xã mà chúng tôi khảo sát, khi đảng viên giữ vai trò là trưởng thôn, việc thực hiện chủ trương nhất thể hóa sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Người dân thôn Ngải Phóng Chồ giúp nhau dựng nhà.

Xã Cao Sơn (Mường Khương) có 103 đảng viên, 10 chi bộ, là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nhiều cán bộ, đảng viên ở Cao Sơn đã thoát ly trở thành cán bộ chủ chốt của huyện, của tỉnh. Đó là động lực để con em đồng bào các dân tộc nơi đây vững tin theo Đảng và phấn đấu trở thành đảng viên. Trong số 8 thôn trên địa bàn hiện có 4 thôn đang thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, gồm: Ngải Phóng Chồ, Cao Sơn, Lồ Suối Tủng, Pa Cheo Phìn A. 4 thôn còn lại thì có 1 trưởng thôn là đảng viên, 3 người còn lại đều vừa được kiện toàn, là nguồn phát triển đảng viên, hiện hai trưởng thôn đã được cử đi học lớp nhận thức về Đảng. Bí thư Đảng ủy xã Sùng Sèo cho biết, trước mỗi kỳ đại hội chi bộ, cấp ủy đảng, chính quyền dự kiến ít nhất 3 người là ứng cử viên để lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân trực tiếp bầu trưởng thôn. Đồng chí nào được bầu thì trở lại đại hội chi bộ và bầu vào chức danh bí thư chi bộ. Như vậy được hai mục tiêu là do dân chọn, dân cử và hợp nhất được chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Dự kiến với cách làm này, thời gian tới xã sẽ đạt mục tiêu 100% nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn.

Ở các địa phương như Bảo Thắng, Bảo Yên, Mường Khương, thành phố Lào Cai… chúng tôi đều nhận được đánh giá chung, trưởng thôn là bí thư chi bộ hoặc là đảng viên sẽ nắm được chủ trương của Đảng, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tốt hơn. Ông Hoàng Văn Dần, Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Lào Cai nhấn mạnh: Nếu trưởng thôn chưa phải đảng viên sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác lãnh đạo của chi bộ, muốn nắm chủ trương phải thông qua trung gian là chi ủy phụ trách truyền đạt lại. Thông tin của chi bộ nắm tình hình tổ chức hoạt động của chính quyền cũng hạn chế, lượng thông tin ít hơn, dẫn đến lãnh đạo, chỉ đạo khó khăn, chưa kể phải tổ chức thêm nhiều cuộc họp đôi khi là hình thức và gây lãng phí. Vì vậy, trách nhiệm của chi bộ là phải bồi dưỡng trưởng thôn thành nguồn phát triển đảng viên, để họ sớm đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Bằng nhiều năm theo dõi, quan sát từ cơ sở, ông Mai Anh Tuấn, Phó Ban Tổ chức Huyện ủy Bảo Thắng cũng chung nhận định: Đảng viên làm trưởng thôn tạo được sự thống nhất, nhanh chóng, kịp thời trong triển khai các chủ trương, kế hoạch ở thôn, bản; được trực tiếp tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến ngay từ đầu vào các nghị quyết của chi bộ. Ngược lại, thông qua đảng viên là trưởng thôn, chi ủy chi bộ sẽ nắm kịp thời tình hình trong thôn, từ đó việc xây dựng và ban hành nghị quyết chi bộ sẽ sát với thực tiễn hơn.

 
Theo Mạnh Dũng/LCĐT

Tin Liên Quan

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.