Cuộc sống của nhiều người dân trên thế giới vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn (Ảnh minh họa: Khánh Linh)

Ngày quốc tế xóa nghèo đầu tiên được kỷ niệm cách đây tròn 30 năm. Ngày 17/10/1987, khoảng 100.000 người đã tập trung tại quảng trường Trocadéro ở Paris (Pháp), nơi bản Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền đã được ký vào năm 1948, để  tưởng niệm các nạn nhân của bạo lực, nghèo cùng cực và nạn đói. Họ tuyên bố rằng nghèo đói là một sự vi phạm các quyền con người, đồng thời khẳng định sự cần thiết phải cùng chung tay hành động để bảo đảm rằng các quyền con người được tôn trọng. Niềm tin, niềm hy vọng đó của đông đảo quần chúng đã được khắc trên một hòn đá tưởng niệm được dựng lên vào ngày này. Kể từ đó, hàng năm, vào ngày 17/10, mọi người dân, từ mọi quốc gia, với mọi nguồn gốc, tín ngưỡng đều tập hợp lại để nối dài các cam kết và thể hiện tình đoàn kết với người nghèo. Một bản sao của hòn đá kỷ niệm đã được đặt trong khu vườn thuộc trụ sở chính của Liên hợp quốc và đây cũng chính là nơi Ban Thư ký của Liên hợp quốc ở New York tổ chức lễ kỷ niệm hàng năm.

Với Nghị quyết 47/196 thông qua vào ngày 22/12/1992, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức tuyên bố ngày 17/10 hàng năm là Ngày quốc tế xóa nghèo và kêu gọi tất cả các quốc gia cùng kỷ niệm ngày này, tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng nước mà tiến hành các hoạt động cụ thể nhằm loại bỏ nghèo đói và khổ đau. Nghị quyết của Liên hợp quốc cũng tiếp tục mời gọi các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ giúp đỡ các nước, theo yêu cầu của họ, trong việc tổ chức các hoạt động quốc gia để đánh dấu ngày kỷ niệm và yêu cầu Tổng thư ký để có những biện pháp cần thiết, trong phạm vi nguồn lực sẵn có, bảo đảm sự thành công của các hoạt động do Liên hợp quốc thực hiện nhân dịp Ngày quốc tế xóa nghèo.

Ngày kỷ niệm này không chỉ là một cơ hội để tôn vinh những nỗ lực và cuộc đấu tranh của những người sống trong nghèo đói mà còn tạo ra cơ hội cho những người này thể hiện tiếng nói của mình. Ngày kỷ niệm 17/10 cũng phản ánh ý chí của người dân sống trong cảnh nghèo đói sử dụng kỹ năng của chính họ đóng góp vào việc loại bỏ mối đe dọa này.

Nghèo đói không chỉ là vấn đề kinh tế

Không thể phủ nhận rằng thế giới chứng kiến mức độ phát triển chưa từng thấy của kinh tế, các phương tiện kỹ thuật và nguồn lực tài chính, tuy nhiên trong bối cảnh đó vẫn tồn tại thực tế là hàng triệu người phải sống trong cảnh nghèo đói, nguồn gốc dẫn tới những bất ổn sâu sắc về mặt tinh thần. Nghèo đói, do vậy, không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là một hiện tượng đa chiều, bao gồm việc thiếu thu nhập và thiếu năng lực cơ bản để sống.

Những người sống trong cảnh nghèo khổ phải đối mặt với nhiều thành kiến, ngăn cản họ thực hiện các quyền cơ bản cũng như buộc họ phải tiếp tục duy trì tình trạng đói nghèo. Những tác hại này có liên quan mật thiết với nhau và tạo ra những hệ quả có tính hệ thống như: điều kiện làm việc độc hại; nhà ở không lành mạnh; thiếu thực phẩm bổ dưỡng; tiếp cận không công bằng với luật pháp; thiếu quyền lực chính trị; và hạn chế tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Xây dựng tương lai bền vững đòi hỏi phải tăng cường nỗ lực xóa đói giảm nghèo và bảo đảm rằng mọi người đều có thể thực hiện đầy đủ các quyền con người của mình. Sự tham gia đầy đủ của những người sống trong cảnh nghèo đói, đặc biệt là sự tham gia của họ trong các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ và của các cộng đồng, phải được đặt ở trung tâm của các chính sách và chiến lược để xây dựng một tương lai bền vững. Bằng cách này, chúng ta có thể bảo đảm rằng hành tinh và xã hội có thể đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của tất cả mọi người và vì lợi ích của thế hệ hiện tại và tương lai.

Năm 2017, chủ đề của Ngày quốc tế xóa nghèo được lựa chọn kỷ niệm là: "Đáp ứng lời kêu gọi vào ngày 17 tháng 10 để xóa nghèo: Một con đường dẫn đến hòa bình và hòa nhập xã hội". Chủ đề năm nay nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau và sự cần thiết phải lắng nghe những người thiệt thòi nhất. Những giá trị này được nêu bật trong Lời kêu gọi hành động đấu tranh để chấm dứt đói nghèo ở mọi nơi./.