“Chìa khóa” để cải cách hành chính

Với việc xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là khâu then chốt, những năm qua, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng thông tin cũng như các ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đời sống - xã hội và trong cải cách hành chính.

Đã có đột phá…

Không phải đến bây giờ, việc phát triển và ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý, điều hành và phục vụ nhân dân mới được tỉnh quan tâm triển khai, mà trong chương trình công tác trọng tâm toàn khóa của Ban Chấp Đảng bộ tỉnh khóa XIII, XIV đã dành riêng một đề án cho lĩnh vực này. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Lào Cai tiếp tục xây dựng Đề án phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020. Cùng với đó, công tác xây dựng hạ tầng thông tin và truyền thông đã được đưa vào là thành phần quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Bình Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết: Từ cuối năm 2016, huyện đã xây dựng cầu truyền hình họp trực tuyến đến 6 cụm xã để tổ chức các hội nghị giúp tiết kiệm chi phí, thời gian. Bên cạnh đó, huyện Văn Bàn đã triển khai hệ thống thư điện tử chính thức đến từng cơ quan, đơn vị và công chức để trao đổi thông tin, tài liệu qua mạng, gắn với ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành phục vụ công việc. Nhờ việc sử dụng hệ thống thư điện tử và hệ thống chuyển, nhận văn bản điện tử gắn với chữ ký số, trung bình mỗi ngày huyện tiết kiệm được hàng chục triệu đồng.

Được biết, không chỉ riêng Văn Bàn, hiện ở nhiều sở, ban, ngành, địa phương đã triển khai họp trực tuyến và hệ thống thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành phục vụ công việc. Việc triển khai các hệ thống này đã phát huy hiệu quả rõ rệt, tiết kiệm thời gian, chi phí… góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện trong hệ thống chính trị tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV.

Thành phố Lào Cai là địa phương đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, sau 10 năm triển khai Đề án phát triển công nghệ thông tin của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII và sau gần 2 năm triển khai Đề án phát triển công nghệ thông tin tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã xây dựng mạng truyền dẫn cáp quang đến 9 trung tâm huyện, thành phố và 164 xã, phường, thị trấn; 100% cơ quan nhà nước từ Văn phòng UBND tỉnh đến văn phòng UBND cấp huyện, xã đã có mạng nội bộ và được kết nối mạng Internet băng thông rộng. Cùng với đó, 100% sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố đã có cổng thông tin điện tử đáp ứng công tác quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước. Trên cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, nhiều dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp đầy đủ.

Tính đến hết ngày 30/6/2017, đã có 18 sở, ban, ngành và 9 huyện, thành phố triển khai, đưa vào sử dụng phần mềm dịch vụ hành chính công, theo đó có 1.810 thủ tục hành chính được cập nhật. Trong 6 tháng đầu năm 2017, có trên 34.000 hồ sơ được tiếp nhận qua hệ thống và có trên 25.000 hồ sơ, được giải quyết, đạt tỷ lệ trên 70%. Cùng với đó, việc ứng dụng chữ ký số và sử dụng văn bản điện tử đã được triển khai đến hầu hết sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Vì vậy, đã có 80% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước đều được thực hiện dưới dạng điện tử, nhiều danh mục văn bản áp dụng chữ ký số được gửi, nhận bằng văn bản điện tử, giúp tiết kiệm chi phí và thuận tiện trong công tác xử lý văn bản.

Riêng đối với khối đảng, đoàn thể, hiện 100% ban xây dựng Đảng, các huyện ủy, thành ủy đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy có mạng nội bộ và có hệ thống thư tín điện tử, hệ thống thông tin điều hành gửi nhận văn bản... Cùng với đó, Tỉnh ủy đã xây dựng hệ thống cầu truyền hình trực tuyến gồm 1 hệ thống trung tâm và 10 phòng họp trực tuyến đến các huyện, thành ủy và đảng ủy trực thuộc phục vụ hiệu quả các cuộc họp trực tuyến, các hội nghị phổ biến, học tập nghị quyết của Đảng.

... vẫn còn những rào cản

Trao đổi với phóng viên, ông Tăng Văn Hạnh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong những năm qua, công tác phát triển và ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh có chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều mục tiêu quan trọng. Vì vậy, các chỉ số phát triển, ứng dụng CNTT của Lào Cai được đánh giá cao, xếp thứ hạng khá, trong top 10 của cả nước. Tuy nhiên, xét về tổng thể và so sánh với tiêu chí mà các bộ, ngành trung ương đề ra cũng như thực tế triển khai tại các địa phương cho thấy, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động CCHC còn những hạn chế cần tháo gỡ, như hạ tầng kỹ thuật, trang - thiết bị, nhất là tại cấp xã còn thiếu; hệ thống mạng nội bộ, trang - thiết bị đầu cuối, thiết bị bảo mật của các sở, ban, ngành, đoàn thể đến nay vẫn chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ, còn nhiều máy tính cài đặt hệ điều hành cũ, nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin. Ngoài ra, cán bộ, công chức đa phần mới đạt trình độ tin học văn phòng, chưa đáp ứng chuẩn kỹ năng mới về ứng dụng CNTT, nên việc khai thác, sử dụng hệ thống phần mềm chuyên ngành chưa tốt, nhất là công chức cấp xã.

Trong những năm qua, Lào Cai luôn quan tâm xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin.

Cũng theo khảo sát của phóng viên cho thấy, mặc dù tỉnh đã xây dựng hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến ở hầu hết sở, ngành để tiếp nhận hồ sơ hành chính của tổ chức, cá nhân theo quy trình và công bố trực tuyến kết quả xử lý hồ sơ của cán bộ, công chức, nhưng vì nhiều lý do mà đến nay số lượng giao dịch của người dân và doanh nghiệp còn ít.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính ở Lào Cai cần có quyết tâm cao với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, tỉnh cần tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin bền vững, hiện đại; tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ thông tin để vận hành hệ thống; bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức khai thác có hiệu quả các phần mềm chuyên ngành dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan hành chính công tiếp tục hoàn thiện và công khai thủ tục hành chính trên hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến nhằm nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận dịch vụ công của người dân.

 

Theo Phạm Vũ Sơn/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).