Những tuyến đường mang tên “no ấm”

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã và đang mang lại sự đổi thay rõ nét cho diện mạo các thôn, bản trên địa bàn tỉnh; trong đó, việc hoàn thành hàng trăm tuyến đường giao thông nông thôn giúp việc đi lại và lưu thông hàng hóa thuận lợi, từng bước đem đến cuộc sống no ấm cho người dân.

Thời điểm này, dù đi bất cứ địa phương nào trong tỉnh cũng không khó bắt gặp những tuyến đường bê tông xuyên qua các khu dân cư. Đường được mở mới nhiều, đường đổ bê tông đến từng thôn, bản cũng không ít. Những tuyến đường đó đều có sự hỗ trợ của Nhà nước và sự chung tay góp sức, hiến đất của người dân từ vùng thấp đến vùng cao. Giờ đây, bà con có thể lưu thông bằng xe máy, ô tô thuận tiện trên những con đường nông thôn mới. Nông, lâm sản làm ra tới đâu dễ dàng được thương lái đến mua tại ruộng, tại rừng, tại thôn… không phải mang vác ra chợ huyện như trước đây.

Cuộc sống ấm no đang dần hiện hữu trên các thôn, bản vùng cao.     Ảnh: Tuấn Ngọc

Cách đây chưa lâu, tuyến đường từ Quốc lộ 4D đến trung tâm xã Nậm Đét (Bắc Hà) còn là đường đất, người dân muốn đi chợ, ra trung tâm huyện phải mất nhiều giờ đi bộ. Ông Đặng Tiến Vủi, Trưởng thôn Nậm Cài, xã Nậm Đét khi nói về tuyến đường nông thôn mới từ trung tâm xã qua các thôn Tống Hạ, Nậm Cài, Cốc Đào của Nậm Đét và qua xã Nậm Khánh, nối với trung tâm huyện Bắc Hà vừa được hoàn thành năm 2016 không khỏi hào hứng: “Đây là tuyến đường ngắn nhất đi từ xã đến trung tâm huyện, thời gian chỉ mất 30 phút chạy xe máy. Bà con địa phương phấn khởi lắm…”.

Ông Vủi kể chuyện rằng người dân Nậm Đét trồng quế từ những năm 1980, sau 15 năm, quế đến tuổi thu hoạch nhưng không có người mua. Bán quế, bà con phải gùi đi bộ từ 4 giờ sáng để mang ra chợ huyện, có về đến nhà thì trời cũng đã tối. Vất vả là thế nhưng giá quế thời điểm đó chỉ được vài nghìn đồng mỗi kg. Đến năm 2007, tuyến đường đến trung tâm xã Nậm Đét được đầu tư mở rộng, người dân đi lại bớt khó khăn hơn nhưng phải đến năm 2012, nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tuyến đường mới được đổ bê tông phẳng phiu. Để hoàn thành tuyến đường nông thôn dài gần 10 km, địa phương đã mất đến 4 năm, trung bình mỗi hộ dân đóng góp 3 triệu đồng, chưa kể phần hiến đất và hàng nghìn ngày công lao động…

Giờ đây, người dân Nậm Đét có thể thường xuyên đến huyện bán hàng bằng xe máy, cũng không còn lo quế ế ẩm vì thương lái có thể đến tận nơi thu mua; các phụ phẩm từ cây quế như lá, cành, thân cây đều bán dễ dàng ngay tại chân đồi. Giá trị từ quế tăng lên, kinh tế địa phương cũng phát triển. Tuyến đường đã mở ra cơ hội mới, mang về cuộc sống đủ đầy cho người dân địa phương, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, người dân Nậm Đét đã thu gần 30 tỷ đồng từ cây quế. Ông Bàn A San, Chủ tịch UBND xã Nậm Đét cho biết: Việc đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn là chủ trương hoàn toàn đúng. Sau khi hoàn thành tuyến đường này, năm 2017, người dân Nậm Đét lại tiếp tục hiến gần 3 ha đất và nhiều ngày công để làm đường nội đồng, đường liên gia.

Tương tự, tuyến đường nông thôn mới được khởi công năm 2016, đi qua thôn Giằng, Liêm, Him Ban của xã Liêm Phú (Văn Bàn) cũng mang ý nghĩa như thế. Trước thời điểm được đầu tư đổ bê tông, việc đi lại của người dân trong thôn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong những ngày mưa lũ. Người dân nhiều khi phải đi bộ gần 3 km mới đến được địa điểm có thể bán nông sản. Năm 2016, tuyến đường được đầu tư gần 2 tỷ đồng để xây dựng đạt chuẩn đường nông thôn cấp IV, đã tạo sự thuận lợi cho người dân nơi đây trong việc đi lại và tiêu thụ nông sản.

Người dân Bắc Hà tích cực làm đường giao thông nông thôn.

Đây chỉ là 2 trong hàng trăm tuyến đường được đầu tư theo chương trình xây dựng nông thôn mới, đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững tỉnh, đến hết tháng 6/2017, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 304 km đường giao thông nông thôn, tăng 110 km so với cùng kỳ năm 2016. Tỉnh Lào Cai hiện có tổng chiều dài các tuyến đường giao thông nông thôn là 3.344 km, trong đó có 866 km đường được đổ bê tông xi măng, 903 km đường rải cấp phối và hơn 700 km đường mở mới. Trong thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện các tuyến đường giao thông nông thôn, dự kiến đến hết năm 2017, toàn tỉnh có thêm 17 xã hoàn thành tiêu chí giao thông.

Đi trên những tuyến đường bê tông phẳng phiu đến các thôn, bản, chúng tôi dễ dàng cảm nhận cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang dần hiện hữu. Thật chẳng quá khi chúng ta gọi đây là những tuyến đường mang tên “no ấm” trên vùng cao Lào Cai.
 

Theo Đức Phương/LCĐT

Tin Liên Quan

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.