Lễ buộc vòng vía của người Dao đỏ

Người Dao đỏ từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành phải trải qua khá nhiều nghi lễ, trong đó có nghi lễ buộc vòng vía cho trẻ mới sinh. Nghi lễ này chỉ diễn ra khi đứa trẻ sinh ra khó nuôi, hay ốm đau hoặc gia đình hiếm con.
 

Theo quan niệm, lễ buộc vòng vía là hình thức truyền vía từ người khỏe mạnh có phúc, có đức sang cho đứa trẻ để cầu cho khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn… Trước khi nghi lễ diễn ra, chủ nhà nhờ một phụ nữ trung tuổi se sẵn dây sợi chỉ đỏ cùng với chủ nhà sắm đủ các lễ vật cần thiết cho nghi lễ (người phụ nữ được chọn phải khỏe mạnh, tính tình hiền lành, chịu khó làm ăn, gia đình hòa thuận, có đủ con trai, con gái và phải khác họ với đứa trẻ).

Người Dao đỏ quan niệm, sắm nhiều lễ vật là để tỏ lòng thành kính với tổ tiên, những vị thần trên trời có quyền uy phù hộ ban phước lành cho đứa trẻ. Sau khi chuẩn bị xong, chủ nhà mời thầy cúng giỏi đến để làm lễ.
 

Lễ vật gồm: 1 con gà trống luộc chín, 6 chén rượu đặt lên chiếc bàn nhỏ kê ở vị trí trước cửa nhà chính, rồi bố đứa trẻ sang các nhà hàng xóm (khác họ với mình) xin mỗi nhà 1 bát gạo, 1 sợi chỉ màu đỏ và ít tiền âm rồi đặt lên bàn làm lễ. Khi mọi thứ đã xong, thầy cúng làm lễ báo cáo tổ tiên, thần linh và các vị thần trên trời cầu phúc, cầu an giải hết sài đẹn, bệnh tật… phù hộ cho đứa bé khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn. Thầy cúng cũng làm phép xin tổ tiên cho cháu bé được đến nhà một gia đình có đầy đủ vợ chồng, con cái sống hạnh phúc (ngoài dòng họ) để giúp buộc vòng vía và nhận cháu làm con nuôi (gia đình này được chọn trước khi làm lễ).

Sau khi đã làm lễ tại nhà bố mẹ đẻ, đứa trẻ được mẹ bế đến nhà bố mẹ nuôi để làm thủ tục buộc vòng vía (kể từ lúc buộc vòng vía đến hết 3 ngày sau, cháu bé không được gặp bất kỳ ai ngoài mẹ đẻ, mẹ nuôi và bà nội của cháu). Sau đó, những người ngoài dòng họ được gia đình cháu bé mời từ trước đến để thực hiện việc buộc dây vía cho cháu tại nhà mẹ nuôi, ai đến sớm hơn thì sẽ buộc dây chỉ đỏ vào cổ tay cho cháu, cứ như vậy việc buộc vòng vía diễn ra trong 3 buổi sáng. Hai sáng đầu chỉ buộc để làm lý, sáng thứ ba thì sợi chỉ mới chính thức được buộc vào tay cháu bé, người buộc sợi chỉ thứ ba vào cổ tay cho cháu, vừa buộc vừa cầu xin cho cháu ngoan, khỏe, hay ăn, chóng lớn, thông minh, tài trí./.
(Theo Báo điện tử Lào Cai)

Tin Liên Quan

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.

Trăm năm kể chuyện nghề Rèn