Từ cầu nối đến trung tâm vùng Tây Bắc

Lào Cai có vị trí địa kinh tế, địa chính trị và vai trò quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế, là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với Trung Quốc.

Cửa ngõ giao thương Lao Kay xưa

Trải qua các triều đại phong kiến, vùng cửa ngõ Lao Kay đã trở thành vùng chiến lược đặc biệt cả trong lĩnh vực kinh tế, giữ yên biên ải, đến tổ chức canh giữ, chống xâm lấn bờ cõi quốc gia. Trong suốt 8 thế kỷ của nền phong kiến Việt Nam, từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XVIII, với 8 lần kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc, thì 6 lần cửa ải Lao Kay trở thành chiến tuyến vững vàng từ lòng dân và khí phách độc lập dân tộc. Từ cửa ngõ chặn quân Nguyên Mông, Lao Kay dần được củng cố trở thành cửa ngõ giao thương. Thời Lê Trung Hưng (năm 1780), thu thuế muối xuất qua nước Điền (vùng Vân Nam) mỗi năm lên tới trên 1.000 lạng bạc; thời Nguyễn Gia Long (năm 1820), số thu lên đến 42.000 quan. Địa danh Bảo Thắng quan - 1 trong 3 cửa khẩu lớn được các triều đại phong kiến Việt Nam luôn quan tâm củng cố.

Năm 1907, Lào Cai đã trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng. Ảnh: Tư liệu

Nhưng phải đến thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc; từ chinh phục phương Đông bằng hàng hóa giá rẻ, đến âm mưu chiếm đóng thuộc địa Đông Dương, tham vọng thâu tóm vùng Tây Nam Trung Quốc đã trở thành hiện thực. Qua lời khuyên của các nhà buôn người Pháp như Jean Dupuis, các nhà truyền đạo Bồ Đào Nha, Hà Lan, những người am hiểu về vùng đất Lao Kay, giới tài phiệt Pháp hiểu ra rằng: Đây là vùng đất giàu khoáng sản, thuốc phiện, sản vật quý, cách chữa bệnh huyền bí sẽ thu lợi nhuận bù đắp cho chính quốc. Họ đã vẽ ra “con đường tơ lụa”, hối thúc giới quân sự quan tâm, giới tư bản tài chính Pháp hãy sớm ngược sông Hồng chiếm đóng, để khai thác nguồn lợi.

Theo tư liệu lịch sử còn lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước và các cuốn lịch sử đương đại: Ngày 30/3/1886, khi tiếng súng từ các thuyền chiến Pháp ngược sông Hồng do Đại tá Đờ-mốt -si-ông chỉ huy đánh chiếm khu phố Lão Nhai cũng là thời điểm báo hiệu thời kỳ mới cho “con đường tơ lụa”. Giới tài phiệt Pháp đã sớm nhận ra vùng Lão Nhai (theo tiếng địa phương) có nhiều lợi ích từ địa chính trị đến địa kinh tế, vùng gây ảnh hưởng để tràn lên phương Bắc. Những quyết định đầu tư táo bạo về vùng đất còn đầy bí ẩn này ngay khi sự chiếm đóng, bình định còn đang tiến hành được vạch ra. Trước tiên Toàn quyền Đông Dương đặt vùng Lao Kay trong chế độ quản lý “Đạo Quan binh”, một chế độ cai trị quân sự hà khắc, đứng đầu là sỹ quan Pháp. Lấy đàn áp bằng súng đạn để răn đe, mua chuộc, lôi kéo các thổ ty bằng chức tước hòng chia rẽ các dân tộc để cai trị. Năm 1887, các đội công binh Pháp đã khai thông đường thủy sông Hồng đoạn từ Yên Bái lên Bảo Thắng quan, rồi ngược biên giới lên tận Nam Hao, Mông Tự, Vân Nam ngày nay và ngược sông Nậm Thi đi vào vùng Mã Quan, châu Vân Sơn. Chỉ 3 năm sau, năm 1890 mặc dù tình hình chiến sự vẫn diễn ra ác liệt, nhiều toán quân Pháp bị quân dân Lào Cai chặn đánh, tàu chiến Pháp bị đốt cháy trên thác Tây sông Hồng, nhưng cửa khẩu Lao Kay vẫn sầm uất lạ thường: Số ngựa thồ của Mã phu đoàn tăng nhanh lên đến 500 nài, không chỉ phố cổ Lao Kay đông vui mà bên kia biên giới, phố Hà Khẩu nhiều cửa hiệu cũng được xây dựng mới. Mục tiêu gấp rút khai thác thuộc địa phục vụ nhu cầu sản xuất chính quốc Pháp đã thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu nơi cửa ngõ giao thương Lao Kay. Cầu Hồ Kiều cũ xây bằng gạch bắc qua sông Nậm Thi được xây dựng mới bằng cây cầu sắt khánh thành đầu năm 1906; khu chợ có các dãy hàng quán, mái che Phố Tèo được đưa vào sử dụng; khu chợ mới Cốc Lếu bên hữu ngạn sông Hồng và cây cầu Cốc Lếu được xây dựng. Đầu năm 1906, tuyến đường sắt nối từ cảng biển Hải Phòng đi Lao Kay dài 390 km hoàn thành và 4 năm sau, năm 1910, tuyến đường sắt Lao Kay - Côn Minh (Trung Quốc) dài 469 km cũng được đưa vào sử dụng, hàng hóa qua cửa khẩu Lao Kay ngày càng nhiều, thu thuế được tới 5 triệu franc/năm.

Thung lũng Mường Hoa (Sa Pa) dưới chân núi Hoàng Liên với đỉnh Fansipan cao 3.143 m, khí hậu gần giống châu Âu và những cánh rừng quý được phát hiện. Tiếp đó, những viên đá lạ phát sáng do người dân Cam Đường báo về năm 1924 được xác định là quặng apatít làm thay đổi nhận thức căn bản trong giới tư bản thực dân Pháp về mục tiêu sớm tập trung khai thác thuộc địa vùng thượng nguồn sông Hồng. Lao Kay được biết đến bởi công nghiệp khai thác mỏ quặng apatít Cam Đường và khu nghỉ dưỡng Sa Pa. Không chỉ giới thực dân phương Tây, mà giới tư bản phương Đông, trong đó có người Nhật cũng muốn đến. Từ chỗ khai sáng vùng đất Lao Kay, người Pháp bị cạnh tranh vai trò độc quyền. Cuối những năm 40, trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, Nhật nhảy vào Đông Dương. Ngay năm sau, chúng đã chiếm đóng Lao Kay với tham vọng lớn về vùng đất giàu tiềm năng khoáng sản mới.

Vững vàng nơi hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Tháng 11/1950, trong Chiến dịch Lao Hà, quân và dân ta giải phóng Lào Cai. Lào Cai trở thành cầu nối nhận sự viện trợ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, trong đó có nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cho cuộc kháng chiến chống Pháp và can thiệp Mỹ. Từ năm 1949 - 1954, Cửa khẩu Lào Cai đã tiếp nhận hàng trăm tấn vật tư hàng hóa và phương tiện chiến tranh. Những khẩu pháo lớn cũng qua đường Lào Cai, xuôi theo sông Hồng về bến Âu Lâu (Yên Bái) để đưa lên Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nhờ nỗ lực của hai Nhà nước Việt - Trung, tuyến đường sắt Điền - Việt nhanh chóng được khôi phục. Quan hệ tốt đẹp giữa hai Đảng, Nhà nước mới đã mở lối, nâng tầm cho một vị thế Lào Cai bước vào thời kỳ mới. Năm 1955, các chuyên gia Liên Xô lên giúp ta khôi phục Mỏ apatít Cam Đường. Ngày 23 - 24/9/1958, niềm vui lớn đến với đồng bào, chiến sỹ Lào Cai: Bác Hồ đi tàu hỏa lên thăm. Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng, đất nước thống nhất, 20 năm, Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai hoàn thành trọng trách “cửa ngõ” của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cầu nối với các nước xã hội chủ nghĩa, tiếp nhận hàng hóa viện trợ, vật tư kỹ thuật, vũ khí cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Từ năm 1976, sau khi sáp nhập vào tỉnh Hoàng Liên Sơn, các địa phương thuộc Lào Cai vẫn vững vàng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và công cuộc “xây dựng pháo đài biên giới”, khắc phục khó khăn, tiếp tục khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, củng cố thế và lực cho thời kỳ mới.

Hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới

Thông xe cầu đường bộ Kim Thành (thành phố Lào Cai) góp phần thúc đẩy giao thương kinh tế Việt - Trung.     Ảnh: Quốc Hồng

Tháng 10/1991, Quốc hội Nghị quyết về việc tái lập tỉnh, mở ra chương mới tái thiết, xây dựng lại vùng biên cương, xứng tầm một Lào Cai thời hội nhập, hợp tác quốc tế cùng đất nước.

Vì sự ổn định và phát triển, với truyền thống đoàn kết, hữu nghị vốn có và phương châm khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, xây dựng vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, Lào Cai đã từng bước làm bừng sáng lên vai trò “cầu nối” trên tuyến hành lang kinh tế phía Tây Bắc Tổ quốc trong thời kỳ mới. Trong nỗ lực lớn, năm 1994, khôi phục lại tuyến đường sắt Phố Lu đi Lào Cai, thông tàu hỏa qua cầu Hồ Kiều đi Côn Minh; mở lại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai vào ngày 18/5/1993, các lối mở truyền thống trên tuyến biên giới Lào Cai - Vân Nam. Các chuyến thăm, làm việc giữa lãnh đạo cấp cao hai tỉnh, các ngành đã nối lại quan hệ hợp tác nhiều mặt, mở thông quan hệ biên giới. Đặc biệt, đã trực tiếp góp phần hoàn thành việc phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt - Trung theo sự chỉ đạo của Chính phủ hai nước vào cuối năm 2007. Hợp tác toàn diện hai tỉnh Lào Cai - Vân Nam là hình mẫu cho sự năng động, sáng tạo trong hợp tác kinh tế, giữ vững ổn định vùng biên và củng cố vị thế cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế.

Trong chặng đường 110 năm thành lập tỉnh dân sự Lào Cai, trong đó 26 năm tái lập tỉnh, các thế hệ người Lào Cai đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực xây dựng quê hương xứng tầm vị thế tỉnh cầu nối trên khu vực biên giới Tây Bắc của đất nước. Phát huy thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, bài học đấu tranh chống ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc từ khi thành lập tỉnh dân sự Lào Cai đã qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc có quyền tự hào và thêm quyết tâm, tiếp tục xây dựng Lào Cai sớm trở thành điểm sáng, trung tâm phát triển vùng Tây Bắc của Tổ quốc.

Theo Khắc Xương/LCĐT

Tin Liên Quan

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.