Độc đáo đồ lưu niệm “handmade” tại Sa Pa

Những món quà lưu niệm là một phần không thể thiếu trong các chuyến du lịch. Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, du khách đến Sa Pa có thể thỏa sức lựa chọn cho mình những món quà ý nghĩa, độc đáo mang đậm sắc màu địa phương từ những sản phẩm lưu niệm được làm bằng tay (handmade).
Du khách chọn mua đồ lưu niệm bằng thổ cẩm.

Mấy năm gần đây, đồ lưu niệm handmade đang thực sự lên ngôi khi chiếm lĩnh thị trường quà tặng trên khắp các gian hàng tại Sa Pa. Bên cạnh những quà tặng truyền thống như đồ sứ, nhựa, hoa văn in hình được sản xuất công nghiệp thì những sản phẩm handmade như: áo, váy, móc chìa khóa, thú bông họa tiết thổ cẩm; trống làm bằng da bò; đồ lưu niệm bằng đá, gỗ mang đậm “thương hiệu Sa Pa” do chính người dân ở Sa Pa làm được du khách ưa chuộng và lựa chọn.

Đeo một chiếc trống nhỏ ngang hông, anh  Đào Xuân Tú, một sinh viên đến từ Hà Nội chọn thêm cho mình hơn 10 chiếc ví cầm tay họa tiết thổ cẩm và được người bán hàng chỉ cho những sản phẩm thêu tay, phân biệt với hàng dệt máy. “Mình đang học ngành văn hóa nên rất thích những đồ lưu niệm độc đáo thế này. Chiếc trống này về đặt trang trí trong phòng khách sẽ rất đẹp, đó là kỷ niệm chuyến thăm bản làng của người Dao đỏ. Còn những chiếc ví họa tiết thổ cẩm này là hình ảnh đặc trưng nhất của Tây Bắc. Mỗi chiếc ví chỉ có giá 25.000 đồng. Chắc chắn những bạn nữ cùng lớp của mình sẽ rất thích nên mình mua tặng và cũng là để giới thiệu cho các bạn ấy về Sa Pa” – anh Tú chia sẻ.

Vừa bán hàng vừa hoàn thiện những sản phẩm đang thêu dở.

Những ngày tổ chức Lễ hội Du lịch mùa hè năm 2017, khu chợ ẩm thực ở thị trấn Sa Pa trở thành nơi trưng bày các sản phẩm độc đáo của địa phương. Nhiều người dân ở khắp các thôn, bản của Sa Pa có thể mang hàng hóa ra bày bán, nhiều nhất là đồ lưu niệm thổ cẩm.

Trước đây, mỗi dịp cuối tuần, chị Chảo Mùi Sểnh, thôn Lếch Dao, xã Thanh Kim  thường mang đồ lưu niệm ra bán ở thị trấn Sa Pa. Tại gian hàng của chị Sểnh, đồ lưu niệm đa dạng từ mẫu mã đến giá thành. Có những chiếc móc treo chìa khóa, vòng đeo tay chỉ 5.000 đồng cho đến những bộ trang phục của người Dao, người Mông trị giá đến 1 triệu đồng. Theo chị Sểnh, đồ lưu niệm họa tiết thổ cẩm có cả hàng dệt công nghiệp và đồ thêu tay. Đồ thêu tay có màu sắc ít sặc sỡ và đơn giản hơn so với hàng công nghiệp. Khi có khách đến hỏi mua chị đều giới thiệu cả 2 loại, tùy theo lựa chọn của du khách. Năm nay, do được bố trí địa điểm bán hàng thuận lợi nên chị Sểnh không còn phải đi theo du khách, bán rong như trước đây nữa.

Năm nay, trong dịp diễn ra Lễ hội Du lịch mùa hè, huyện Sa Pa đã bố trí khu vực trưng bày và bán hàng lưu niệm riêng. Chủ gian hàng là người địa phương được ưu tiên không mất chi phí thuê địa điểm và có thể vừa ngồi chế tác vừa bán hàng tạo nét văn hóa riêng. Ngoài tham quan, mua đồ lưu niệm, du khách có thể ngồi thêu cùng chủ cửa hàng, vì hầu hết chủ các gian hàng đều biết thêu và rất nhiệt tình trong việc hướng dẫn khách thêu từng hoa văn trên thổ cẩm.

Sản phẩm lưu niệm bằng đá được nhiều du khách lựa chọn.

Không chỉ tại thị trấn Sa Pa, những điểm du lịch quen thuộc như tại xã Lao Chải, Tả Van, Tả Phìn… đều có những gian hàng bán đồ handmade rất độc đáo của người địa phương. Những ngày này, các cửa hàng khá đông khách, có những khách hàng kiên nhẫn ngồi đợi vài tiếng để người dân thêu xong 1 chiếc vòng đeo tay thổ cẩm.

Không chỉ có thổ cẩm, đến Sa Pa, du khách có thể thỏa sức lựa chọn những sản phẩm handmade được làm từ đá, gỗ, vỏ cây được trang trí bởi những họa tiết đặc trưng như đỉnh Fansipan, chữ Sa Pa được khắc nổi trên các sản phẩm để làm kỷ niệm.

Anh Ngô Huy Dũng, chủ cửa hàng Stone Handmade tại xã Lao Chải chuyên kinh doanh những sản phẩm làm bằng đá, gỗ do anh làm ra. Theo anh Dũng, những ngày này, các sản phẩm như bộ chén, những bức tượng cô gái, chàng trai người Mông múa khèn bằng đá, những viên đá khắc chữ Sa Pa… được nhiều người lựa chọn.

Đa dạng về mẫu mã, giá thành, những sản phẩm handmade mang đến cho du khách thêm nhiều lựa chọn. Những sản phẩm mang đậm sắc màu Sa Pa sẽ là món quà kỷ niệm đáng nhớ cho du khách qua một hành trình trải nghiệm thú vị tại mảnh đất này.

Theo Thúy Phượng/LCĐT

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.