Số lượng người bị đói tại Cộng hòa Trung Phi tăng gấp đôi trong giai đoạn 2015 – 2016 (Ảnh: OCHA)

Báo cáo do Liên minh châu Âu, Mạng lưới các hệ thống cảnh báo sớm nạn đói (FEWS NET), các tổ chức khu vực chuyên về an ninh lương thực và các cơ quan khác của Liên hợp quốc, trong đó Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cùng phối hợp thực hiện.

Theo đó, số lượng người phải đối mặt với bất ổn lương thực nghiêm trọng trong năm 2016 tăng đáng kể so với con số 80 triệu người được ghi nhận vào năm 2015 trước đó. Sự gia tăng này được lý giải bởi các vấn đề mà người dân gặp phải trong quá trình sản xuất và tiếp cận với lương thực do các cuộc xung đột; tình trạng giá các sản phẩm lương thực tăng cao tại chợ địa phương thuộc những quốc gia bị tác động; và bởi các điều kiện khí hậu cực đoan như hạn hán hay mưa bất thường do hiện tượng El Nino gây ra.

Nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa hòa bình và an ninh lương thực, Báo cáo toàn cầu về các cuộc khủng hoảng lương thực năm 2017 nêu rõ các cuộc xung đột dân sự là một nhân tố ảnh hưởng mấu chốt đối với 9 trong số 10 cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất.

Thông qua việc tập hợp nguồn lực đóng góp từ nhiều đơn vị để tiến hành phân tích trung lập, báo cáo giúp đưa ra những quyết định tối ưu dựa trên hiểu biết rõ nhất về nguyên nhân. Mục tiêu là có thể ứng phó với các cuộc khủng hoảng lương thực của thế giới một cách nhanh nhất và theo phương thức phù hợp nhất. "Báo cáo nêu bật tầm quan trọng của một hành động nhanh chóng và có mục tiêu để đối phó với các cuộc khủng hoảng lương thực và để giải quyết nguyên nhân của chúng một cách hiệu quả" – Cao ủy châu Âu về hợp tác quốc tế và phát triển, Neven Mimica cho biết.

Theo báo cáo, năm nay, nhu cầu về tăng cường hỗ trợ nhân đạo và phục hồi tăng mạnh, trong bối cảnh 4 quốc gia có nguy cơ rơi vào nạn đói là: Nam Sudan, Somalia, Yemen và Nigeria. Ngoài ra, nhiều quốc gia khác cũng cần mức hỗ trợ rất cao do tình trạng bất ổn lương thực diễn ra trên diện rộng là: Iraq, Syria (và những người tị nạn ở các nước láng giềng), Malawi và Zimbabwe. Theo báo cáo mới, nếu không có hành động kịp thời và cần thiết không chỉ để cứu lấy các mạng sống mà còn để tránh khỏi nguy cơ bị đói thì tình hình an ninh lương thực ở các nước này sẽ vẫn tiếp tục xấu đi trong những tháng sắp tới.

“Những thiệt hại về người và thiệt hại liên quan tới các nguồn lực sẽ chỉ tăng lên nếu chúng ta để tình hình tiếp tục xấu đi” – Tổng giám đốc FAO, José Graziano da Silva tuyên bố. “Chúng ta có thể ngăn chặn những người chết vì đói, nhưng nếu chúng ta không tăng cường nỗ lực để cứu, bảo vệ và đầu tư vào các sinh kế nông thôn thì 10 triệu người vẫn sẽ ở trong tình trạng bất ổn lương thực nghiêm trọng”.

Theo Giám đốc điều hành WFP Ertharin Cousin, “đó là một cuộc chạy đua với thời gian, thế giới phải hành động ngay để cứu lấy các mạng sống và sinh kế của hàng triệu người đang bị đe dọa bởi nạn đói".

Báo cáo toàn cầu về các cuộc khủng hoảng lương thực năm 2017 nêu rõ 108 triệu người ở trong tình trạng bất ổn lương thực nghiêm trọng vào năm 2016 phải chịu suy dinh dưỡng cấp tính, cao hơn bình thường, và không có lượng thực phẩm thiết yếu tối thiểu, thậm chí với sự giúp đỡ từ bên ngoài. Trong bối cảnh đó, nếu không có một hành động mạnh mẽ và bền vững, những người dân phải gánh chịu bất ổn lương thực nghiêm trọng sẽ đi tới một kịch bản thảm họa và có nguy cơ rơi vào nạn đói./.