“Ngày hạnh phúc” của người Dao đỏ

Sự phát triển của cuộc sống hiện đại đang làm mai một nhiều nét văn hóa truyền thống. Ở nước ta, mỗi dân tộc, vùng miền có những nét đặc sắc riêng trong phong tục, tập quán cần được lưu truyền, gìn giữ. Cho đến nay, người dân tộc Dao đỏ vẫn giữ được những nét truyền thống của mình trong phong tục cưới hỏi.

Lần đầu tiên nhìn thấy bức ảnh của một cô dâu dân tộc Dao đỏ, mặt được che kín trong lớp khăn dày màu đỏ, mặc bộ trang phục được thêu tỉ mỉ, treo đầy bạc trắng, hình ảnh ấy đã thôi thúc tôi lên đường tìm hiểu nét đẹp độc đáo này. Vượt quãng đường dài đi ô tô để đến Tả Phìn (Sa Pa), mất thêm 30 phút đi bộ trên đường núi mù sương, chúng tôi có mặt tại thôn Tà Chải, xã Tả Phìn để cùng chung vui “ngày hạnh phúc” với chú rể Lý Láo Lù và cô dâu Chảo Mẩy Hà. Đầu xuân, tiết trời vùng cao vẫn còn se lạnh, buổi sớm trên các con đường vào thôn còn ướt sương đêm, nhưng đây lại là thời điểm đẹp nhất trong năm để tác thành đôi lứa cho những người trẻ.

Đoàn đưa dâu nhà gái.

Đón chúng tôi tại nhà trai là ông Lý Phù Chìu - người am hiểu về phong tục, tập quán của dân tộc mình, cũng là chủ hôn của đôi vợ chồng trẻ. Ông Chìu cho biết: Đám cưới của người Dao đỏ có sự cẩn trọng và nhẫn nại. Cẩn trọng từ cách chọn dâu cho đến công đoạn chuẩn bị đám cưới cho cả cô dâu và chú rể. Ngay từ khi đi hỏi dâu, nhà trai đã lựa thật kỹ tuổi cô dâu sao cho hợp, để đón dâu về không bị xung khắc, bất hòa trong cuộc sống vợ chồng. Khi đã chọn được cô dâu có tuổi ưng ý, nhà trai sẽ chuẩn bị 4 đồng bạc trắng, đánh thành 2 chiếc vòng tay có khắc tên cô dâu, chú rể. Khi chọn được ngày lành, tháng tốt, bố mẹ chú rể cùng một người uy tín trong dòng họ sẽ mang 1 lít rượu và đôi vòng đến nhà cô dâu. Nếu nhà gái ưng thuận thì sẽ giữ lại, nếu trả lại lễ vật tức là nhà trai bị từ chối. Sau lần đồng ý thứ nhất, nhà trai phải mất thêm 3 lần nữa đến nhà gái hỏi, mỗi lần mang theo 1 lít rượu, riêng lần cuối cùng mang theo 1 đôi gà. Trên đường đi hỏi dâu phải không gặp điều gì xui xẻo, như vậy cuộc sống vợ chồng mới đồng thuận, may mắn, hạnh phúc.

Sau khi đã trải qua 4 lần đến nhà cô dâu, hai bên gia đình bàn đến lễ ăn hỏi. Lễ ăn hỏi thường được tổ chức vào tháng Giêng, nhà trai sẽ mang gà, 1 con lợn khoảng 80 kg, 20 lít rượu đến nhà gái tổ chức. Nếu sau lễ ăn hỏi, nhà gái đổi ý thì phải mang đền nhà trai đồ lễ gấp đôi. Sau khi hai bên đồng ý cưới, cô dâu, chú rể sẽ có thời gian 1 năm để chuẩn bị cho ngày lễ chính thức. Trong thời gian này, cô dâu thêu thùa, may vá, tự chuẩn bị quần áo đẹp, vòng tay, khăn đội đầu… để mang sang nhà trai làm của hồi môn. Chú rể chuẩn bị lợn, gà, rượu để tổ chức đám cưới.

Ngày cưới của người dân tộc Dao đỏ chủ yếu được tổ chức tại nhà trai. Nhà gái chỉ làm bữa cơm nhỏ, mời họ hàng thân và làm lễ báo cáo với tổ tiên. Trước ngày đón dâu, nhà trai cử hai người đại diện sang nhà gái làm người dẫn đường. Lễ cưới tại nhà trai thường diễn ra trong 3 ngày, ngày thứ 2 sẽ là ngày cưới chính - ngày vui nhất. Ẩm thực trong ngày cưới cũng được chuẩn bị chu đáo, chủ yếu là các món ăn được chế biến từ thịt lợn. Những con lợn được nuôi 2 - 3 năm, thức ăn cho lợn toàn bộ là lá cây trong rừng, nên thịt lợn thơm, ngon và rất an toàn. Trong ngày cưới, nhà chú rể treo vải đỏ ở gian chính giữa với mong muốn mang may mắn và thuận lợi đến cho đôi vợ chồng trẻ.

Tới giờ đón dâu, nhà trai đốt một đống lửa tại vị trí gần nhà, có địa hình bằng phẳng, để khi nhà gái đến sẽ dừng chân, ăn cơm và sưởi ấm. Tại đây, nhà trai có đội Pí lè bao gồm khèn, trống xuống đón cô dâu. Cũng tại vị trí này, cô dâu chỉnh sửa lại trang phục của mình. Bộ trang phục của cô dâu trong ngày cưới chính là thứ ấn tượng và đặc sắc nhất, bao gồm khăn quấn tóc, áo, yếm, quần, thắt lưng to đính chuông bạc, vòng cổ; thắt lưng vải trắng, khăn đỏ quấn chéo ngực, khăn đỏ cuốn eo, khăn đính quả chuông bạc, khăn thêu hoa văn… cuối cùng là ô che đầu. Đặc biệt nhất phải kể đến bộ khăn che đầu của cô dâu. Chuẩn bị bước vào nhà trai, cô dâu phải đội chiếc mũ trùm 7 lớp vải đỏ, nặng gần 10 kg. Người Dao đỏ quan niệm, cô dâu phải che mặt, mặc bộ trang phục kín mít, không để ai thấy, không thấy mặt trời, như vậy mới tránh được những điềm xấu, mang lại hạnh phúc. Khi đi, em gái cô dâu cầm vạt áo trước dẫn đường, một người họ hàng đi theo sau che ô có trùm một miếng vải đỏ. Riêng bộ trang phục cô dâu phải thêu hoa văn mất từ 3 - 4 tháng và phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt.

Sau khi đã sửa soạn xong trang phục, đội Pí lè sẽ thổi khèn, đánh trống đi vòng quanh nhà gái. Qua vài vòng, nhà trai sẽ từng người mời nhà gái lên nhà. Theo phong tục của người Dao đỏ, cô dâu chưa được vào nhà trai ngay, phải ngủ ở một chiếc lán nhỏ, đợi giờ tốt mới được vào nhà làm lễ và lật khăn che mặt. Từng công đoạn trong đám cưới đều diễn ra theo một trình tự nghiêm ngặt và cẩn trọng. Chính sự tỉ mỉ đó đã làm nên những nét độc đáo trong tục cưới hỏi của người Dao đỏ.

Chúng tôi chia tay nhà chú rể khi đã chiều muộn, nhưng những thanh âm của đội Pí lè vẫn còn văng vẳng. Đêm nay, cả đội sẽ thay nhau thổi khèn, đánh trống, nhảy múa thâu đêm để chúc cho đôi vợ chồng trẻ luôn ấm êm, hạnh phúc.

Theo Hoàng Thu/LCĐT

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.