Một chốn rong chơi

Vậy là huyện Si Ma Cai đã thành lập được 50 năm. Đó là vùng đất cao nguyên nơi thượng nguồn sông Chảy với hơn 3 vạn dân thuộc 11 dân tộc anh em, trong đó đồng bào Mông chiếm hơn 80%, còn lại là đồng bào các dân tộc: Nùng, La Chí, Phù Lá, Kinh… Đường lên Si Ma Cai giờ đã thuận lợi, dốc Lử Thẩn, “cua” 3 tầng Cán Cấu, một thời là nỗi khiếp sợ của cánh lái xe, giờ chỉ còn trong ký ức.
Một nét vùng cao Sín Chéng.

Từ Bắc Hà qua Lùng Phình là đến Lử Thẩn - xã được coi là “cửa ngõ” của Si Ma Cai. “Sở hữu” 1 trong 7 thôn khó khăn nhất huyện hồi mới tái lập (năm 2000) là Sảng Nàng Cảng, nhưng hiện nay, không chỉ thôn này, mà đường đi, lối lại đến tất cả các thôn trong xã đã thông suốt bốn mùa. Mấy năm gần đây, cả xã có vài chục hộ trồng hoa tam giác mạch (loại cây từng được trồng làm lương thực của đồng bào Mông), thu hút hàng vạn người từ khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng. Cứ 20 - 30 nghìn đồng một lượt, du khách có thể trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp của loài hoa dung dị này trong thời gian bao lâu cũng được; kèm theo dịch vụ cho thuê trang phục, vậy là bà con có thêm nguồn thu đáng kể trên khoảnh nương vốn chỉ trồng ngô, hoặc canh tác được 1 vụ lúa nước mỗi năm. Ấy là chưa kể mấy thanh niên trong xã tranh thủ “chạy xe ôm” cũng có “đồng ra, đồng vào” lúc nông nhàn, không phải sang nước bạn làm thuê nữa.

Qua Lử Thẩn vài cây số là lối rẽ vào Lùng Sui với những địa danh mà trước đây khiến không ít người mới nghe đã thấy hãi hùng, như Seng Sui, Nà Mổ Cái, Ta Pa Chải, Lao Dì Phàng, Lênh Sui Thàng, Nà Chí… nhưng nay đến đây lại thấy thấm đẫm sắc màu “thần thoại”. Đó cũng là hình ảnh chung của các thôn, bản ở Si Ma Cai, trong đó có những thôn, bản của xã Cán Cấu - xã nằm ngay cạnh Lùng Sui. Hồ Cán Cấu thanh bình, đẹp như tranh vẽ. Nhắc đến Cán Cấu không thể không nói đến chợ Cán Cấu, một trong những chợ phiên lâu đời nhất không chỉ của Lào Cai, mà còn của cả vùng miền núi phía Bắc. Chợ họp vào thứ 7 hằng tuần, phiên nào cũng rực rỡ sắc màu thổ cẩm và phong phú đặc sản vùng cao Si Ma Cai, như lợn “cắp nách”, gà đen, ớt… và chắc chắn không thể thiếu thắng cố - món ẩm thực đặc trưng của vùng cao Lào Cai. Theo lời anh Trương Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Cán Cấu, mỗi phiên chợ thu hút từ 300 - 500 khách du lịch nước ngoài tới tham quan. Chợ Cán Cấu còn được biết đến là chợ trâu lớn nhất miền Bắc, mỗi phiên có tới 700 - 800 con trâu được đưa về đây. Để phục vụ khách du lịch và người buôn bán từ khắp nơi, riêng ở xã đã có 16 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống thường xuyên (vào phiên chợ có khoảng 70 hộ kinh doanh dịch vụ này)...

Chợ Cán Cấu.

Qua Cán Cấu, xã Sán Chải nằm ven Quốc lộ 4D. Như nhiều nơi khác ở Si Ma Cai, đồng bào Mông ở đây có nghề thêu thổ cẩm, nhưng riêng thôn Sán Khố Sủ, hầu như phụ nữ, trẻ em gái nào cũng đều biết làm nghề này. Vào thời điểm cuối năm, khi đến thôn, du khách sẽ thấy thổ cẩm phơi giăng giăng khắp đường đi, lối lại trong thôn. Vẫn theo Quốc lộ 4D, qua Sán Chải khoảng 4 cây số là xã Si Ma Cai - trung tâm huyện lỵ. Si Ma Cai là huyện duy nhất của tỉnh Lào Cai có khu hành chính của huyện “đóng đô” trên địa bàn một xã. Vì thế, những trụ sở cơ quan, nhà cửa được xây dựng theo kiến trúc hiện đại đan xen với những nếp nhà truyền thống. Chợ phiên Si Ma Cai họp vào Chủ nhật hằng tuần, không chỉ mang đặc trưng của chợ phiên vùng cao mà mỗi phiên “chợ Si” còn có phong vị khác do người Trung Quốc sinh sống ven biên sang bán hàng.

Từ trung tâm huyện lỵ, các tuyến đường tiếp tục tỏa đi Nàn Sán, Bản Mế - thượng nguồn sông Chảy - con sông chảy về xuôi mà khi thủy điện Bắc Hà hoàn thành đã mở ra nghề nuôi cá lồng giúp bà con nơi đây làm giàu. Tuyến đường khác qua Mản Thẩn với những vườn cây tam thất; đến Sín Chéng, một thị tứ trong tương lai - nơi có chợ phiên cũng nổi tiếng không kém chợ Cán Cấu hay chợ Si Ma Cai, phiên nào cũng đông đúc. Nơi đây có ruộng bậc thang thôn Bản Kha đã “chinh phục” biết bao văn nghệ sỹ. Ngược về phía Bắc là xã Thào Chư Phìn; chếch về phía Tây là Nàn Sín - xã xa nhất huyện Si Ma Cai, nằm ven sông Chảy… Đâu đâu cũng là màu xanh của núi rừng và những nếp nhà truyền thống của đồng bào Mông, đồng bào Nùng… Tất cả tạo nên bức tranh  phong cảnh thật “sơn thủy hữu tình”!

Cuối năm, ở nơi vùng cao này, trời tối nhanh hơn. Trong cái rét ngọt, sương bảng lảng khắp “thị trấn” Si, chỉ thấy í ới tiếng nói, giòn tan tiếng cười mà chẳng biết từ nơi nào vọng lại. Tôi rẽ vào một quán ăn ven đường để “thấm” hơn sự thú vị của chuyến rong chơi trên xứ sở núi đá. Rượu ngô Si Ma Cai đậm lắm, “bốc” lắm. Miếng thịt lợn đen thái rất to, chấm với ớt xanh nướng trộn muối cùng vài thứ gia vị nữa, ăn hết nửa đĩa mà không thấy ngấy. Món lạp xường, thịt lợn “treo” mẻ sớm, chưa “ngấu” khói bếp, cũng được đem ra xào, ngon hết sảy. Anh Giàng Sín Chớ, Phó Chủ tịch UBND huyện bảo tôi: “Ăn đi chú, rau đấy!”.

Hầu hết phụ nữ, trẻ em gái thôn Sán Khố Sủ (xã Sán Chải) biết thêu may thổ cẩm.

Hai ngày rong ruổi cùng anh Ngô Đình Nam, Phó Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Si Ma Cai, đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được nét tươi mới nơi huyện vùng cao, biên giới này. Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được nâng cấp tạo cho nơi đây sự kết nối liên hoàn, từ Bắc Hà lên, từ Hà Giang sang hay từ Mường Khương đến, đã thu hẹp khoảng cách giữa Si Ma Cai với những vùng lân cận. Đã đi nhiều nơi và đã đến Si Ma Cai không biết bao nhiêu lần, nhưng lần nào vùng đất này cũng cho tôi những cảm xúc mới lạ. Những thôn, bản ẩn hiện dưới tán rừng; những tuyến đường bê tông uốn lượn theo triền núi. Nắng phơi mình trên từng dãy núi, nắng lọt qua kẽ lá bên đường; xa xa, đoàn ngựa lốc cốc trên sườn non… Được chiêm ngưỡng những hình ảnh đẹp mê hồn ấy, tôi lái xe máy chạy cả ngày cũng không thấy mệt.

Giữa muôn trùng núi non hùng vĩ, Si Ma Cai không còn cảnh hiu hắt như xưa nhưng cũng không ồn ã, xô bồ, mà vẫn giữ được nét bình thản với những giá trị đơn sơ, mộc mạc vốn có.

Chia tay Si Ma Cai khi đã ngả bóng chiều, tôi về qua “vựa lúa” Cán Hồ, ngắm mặt trời ngự trên đỉnh Quan Thần Sán. Đâu đó tiếng nói cười vẫn rộn rã trên nương trong mờ mờ, ảo ảo. Cũng trong sắc màu huyền thoại ấy, những giọt nắng cuối ngày vẫn cố phơi trên những nụ đào rừng nở sớm. Một mùa xuân mới đang về…

Theo Đức Lân/LCĐT

Tin Liên Quan

Du khách bất ngờ trước tốc độ phục hồi của du lịch Sa Pa

Sa Pa, điểm đến du lịch nổi tiếng của miền Bắc, nhanh chóng “lấy đà” phục hồi sau bão nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương.

Khách du lịch đến Sa Pa tăng 33,2% so với kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2023

Trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8 - 3/9), Lào Cai đón khoảng 196.500 lượt khách. Lượng khách du lịch đến các địa phương tăng nhẹ so với kỳ nghỉ 2/9/2023, riêng thị xã Sa Pa đón khoảng 122.770 lượt khách, tăng 33,2% so với kỳ nghỉ lễ 2/9/2023.

Lễ hội mùa Thu "Sa Pa - mùa vàng" 2024 hứa hẹn hàng loạt sự kiện hấp dẫn

Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024 không chỉ là dịp để du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của vùng cao mà còn là cơ hội để trải nghiệm những hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực hấp dẫn.

Nên đi đâu tại Lào Cai trong kỳ nghỉ lễ này?

Kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh mùng 2/9 đúng vào dịp thời tiết Lào Cai thuận lợi. Dự kiến những ngày nghỉ trời có nắng, phù hợp để du khách trải nghiệm các hoạt động ngoài trời, tận hưởng không khí đón mùa thu. Những ngày này, các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch hấp dẫn để thu hút...

Lần đầu tiên tỉnh Lào Cai tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế

Với chủ đề “Du lịch Lào Cai - kết nối khát vọng xanh”, Hội chợ Du lịch Quốc tế Lào Cai năm 2024 (Laocai International Travel Mart – LITM 2024) sẽ được tổ chức từ ngày 7/11 đến ngày 10/11/2024 tại khu vực Quảng trường Đinh Lễ (thành phố Lào Cai).

Hoa dơn thóc rực rỡ khoe sắc trên đỉnh Fansipan

Kéo dài tới hết 30/8, Lễ hội hoa dơn thóc 2024 đang thu hút đông đảo khách du lịch tới đỉnh Fansipan với biển hoa trải dài từ độ cao hơn 3.000 m và hàng loạt hoạt động vui chơi hấp dẫn, mang đậm sắc màu văn hóa Tây Bắc.