Tết ở bản Mông xanh

Cuối năm, vượt cung đường hơn trăm cây số, chúng tôi đến Nậm Xé, nơi lưu giữ không gian văn hóa của người Mông xanh - tộc người duy nhất ở Việt Nam sinh sống tại vùng đất này. Chung vui đón Tết với đồng bào ở đây, chúng tôi hiểu thêm bản sắc văn hóa độc đáo có một không hai trên lưng núi Tu Thượng...

Bản Mông lưng chừng núi

Từ trung tâm xã Nậm Xé (Văn Bàn), chúng tôi phải đi thêm 5 cây số đường dốc núi dựng đứng, lởm chởm đầy đá hộc, mới lên đến Tu Thượng. Đây là thôn có đông bà con dân tộc Mông xanh sinh sống nhất, nằm cao ngút trên lưng chừng núi. Đồng hành với tôi là anh cán bộ văn hóa - xã hội, cũng là người con của bản Mông xanh. Dọc đường đi, những cây mận, cây đào đã bắt đầu bung hoa khoe sắc, báo hiệu mùa xuân đã đến gần. Trời cuối đông, mới 3 giờ chiều mà mây kéo về giăng kín lối. Mây sà xuống tận nóc nhà. Bản, làng với những ngôi nhà lúp xúp bám chặt vào sườn núi dần dần hiện ra trước mắt. Có hẹn trước, đồng chí Lý A Hòa, Bí thư Chi bộ thôn đã đứng chờ chúng tôi ngay ở đầu thôn với đôi mắt ánh lên niềm vui.

“Năm nay Tu Thượng được mùa thóc đấy. Nhà nào cũng có trên dưới 100 bao. Con trâu, con lợn cũng béo tốt. Cuộc sống no ấm hơn hẳn những năm trước. Bà con nơi đây bắt đầu sắm sửa Tết rồi. Mời anh ở lại chơi và vui Tết với bà con nhé!” - lời của Bí thư Chi bộ thôn cho chúng tôi đã thấy mùa xuân đủ đầy đang gõ cửa bản Mông Xanh.

Tu Thượng nằm giữa những ngọn núi quanh năm mây phủ của đại ngàn Hoàng Liên. Những nếp nhà nằm rải rác trong thung lũng, được chia làm 3 khu vực là Hô Khóa, Nậm Tu và Nậm Cần. Năm 1966, thôn, bản mới tập trung lại nơi thượng nguồn suối Nậm Tu, hình thành nên Tu Thượng ngày nay với 54 hộ người Mông, 2 hộ người Dao sinh sống.

Giống như đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, người Mông ở Tu Thượng cũng đón tết vào dịp Tết Nguyên đán. Họ chuẩn bị Tết từ rất sớm và Tết kéo dài đến hết Rằm tháng Giêng với nhiều phong tục độc đáo.

Tết được người Mông xanh chuẩn bị rất chu đáo. Khoảng hai mươi tháng Chạp, người dân ở Tu Thượng bắt đầu nghỉ đi nương, đi rừng để sắm sửa chuẩn bị đón Tết truyền thống. Tất cả mọi người trong gia đình đều mỗi người mỗi việc. Đàn ông thường đi mua sắm đồ dùng mới; mổ lợn, gà, nấu rượu làm bữa cơm thịnh soạn cho gia đình. Thông thường, mỗi nhà sẽ mổ một con lợn   chừng 40 kg. Nhà nào nuôi  được lợn to, có kinh tế khá, sẽ mổ con lợn nặng đến cả tạ để làm cỗ mời anh em, làng xóm bữa cơm tất niên. Những miếng thịt ngon nhất được giữ lại để dùng trong năm mới. Trong khi đó, phụ nữ gấp rút hoàn thiện những chiếc áo mới, váy mới để người thân trong gia đình diện Tết. Để làm được một chiếc váy truyền thống, mỗi người phụ nữ Mông phải mất từ 4 - 5 tháng để hoàn thiện từ khâu xe lanh, dệt vải và khâu váy, còn trang phục của đàn ông thì nhanh hơn, khoảng một tháng là xong.

Trứng gà vẽ hình vật nuôi

Công việc quan trọng cuối cùng của năm là vào ba mươi Tết, mọi người dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ tổ tiên. Người Mông ở Tu Thượng sẽ chọn một cây trúc còn tươi, để lại chút lá ở ngọn làm chổi quét nhà. Người Mông xanh quan niệm, dọn dẹp nhà cửa sẽ quét đi bệnh tật, ốm đau, những điều không may của năm cũ và mang lại may mắn cho gia chủ vào năm mới. Đặc biệt, công việc quét nhà sẽ do người đàn ông là chủ của gia đình làm; phụ nữ và con cái trong nhà chỉ phụ giúp, dọn dẹp quanh nhà.

Phụ nữ người Mông xanh xe lanh, may váy áo để du xuân.

Sau khi nhà cửa tươm tất, đàn ông cắt giấy để trang trí nhà, bàn thờ tổ tiên, chuồng trại, nông cụ… Tất cả giấy trang trí làm bằng giấy dó. Giấy cũ sẽ được bóc bỏ và thay bằng giấy mới. Duy nhất bàn thờ tổ tiên ở gian chính giữa nhà được trang trí bằng giấy màu đỏ. Các vị trí khác trong nhà, như chuồng lợn, chuồng gà, nông cụ, xe máy… tất cả được dán giấy trang trí màu trắng. Theo ông Lý A Khải, thôn Tu Thượng: Việc làm này thể hiện sự tri ân của người Mông xanh đối với “người bạn” đã giúp gia đình lao động, sản xuất trong một năm.

Khi nhà cửa được trang trí xong cũng là lúc người vợ đồ xong xôi nếp để làm bánh giày. Xôi được đổ ra máng gỗ lớn. Những người đàn ông khỏe mạnh trong nhà sẽ dùng chiếc chày gỗ giã xôi thành bánh. Để có được mẻ bánh ngon, trước hết xôi phải được làm từ loại nếp mỡ - một trong hai giống lúa nếp truyền thống của bà con người Mông nơi đây. Bánh làm ra sẽ được bảo quản cẩn thận để dâng cúng các vị thần, tổ tiên và thết đãi khách trong những ngày đầu năm mới.

Mâm cỗ cúng tổ tiên vào đêm ba mươi thường có một đôi gà trống, hai thỏi thịt lợn, giấy, tiền vàng và bánh dày. Bánh dày trong văn hóa của người Mông xanh cũng giống như triết lý bánh chưng của người Kinh. Trong quan niệm của người Mông xanh, chiếc bánh dày hình tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, khởi nguồn của vạn vật, trong đó có con người. Đặc biệt trong mâm cỗ cúng của người Mông xanh có những quả trứng gà được vẽ hình vật nuôi trong gia đình. Tùy điều kiện từng nhà mà số trứng được cúng nhiều hay ít. Nhà có điều kiện, mỗi quả trứng sẽ được vẽ một con vật nuôi, như trâu, bò, gà… Nhà không có điều kiện sẽ vẽ tất cả một quả trứng với mong muốn gọi hồn vật nuôi, gọi những con béo tốt về trong năm mới và đuổi những con gầy yếu đi. Đến giao thừa, gia chủ sẽ mở cửa chính, gọi hồn tổ tiên về ăn Tết.

Ngày đầu năm, mọi người dậy rất sớm, chuẩn bị cơm cúng. Đàn ông lạy trước bàn thờ hai lạy để tỏ lòng biết ơn với người đã khuất. Sau đó, người con trai sẽ lạy bố mẹ hai lạy để chúc Tết, em lạy chúc anh, cứ thế từ cao đến thấp với ý nghĩa kính trọng và cầu sức khỏe, may mắn cho người vai trên. Người bố nói với các con: “Sang năm mới, các con phải chăm chỉ học hành, nghe lời người lớn, gặp nhiều may mắn và nhớ không được làm điều xấu.” Sau đó, mọi người sẽ đi chúc tết người thân, anh em và hàng xóm trong bản. Từ ngày mồng 6 tết trở đi, trai gái trong bản sẽ đi hội xuân. Các cô gái xúng xính trong bộ váy xòe truyền thống. Các chàng trai mặc áo chàm đi chơi hội, cùng nhau hát giao duyên qua ống nghe làm từ tre, nứa và chơi các trò chơi dân gian như: Đu quay, ném còn, đánh quay…

Kiêng huýt sáo, thổi lửa

Trong văn hóa của người Mông ở Tu Thượng, ngày Ngọ là ngày xấu nhất.  Do đó, nếu ngày cuối năm là ngày Ngọ, việc chỉnh trang nhà cửa và cúng tất niên sẽ được làm sớm vào hôm trước. Bởi người Mông xanh quan niệm, nếu không làm như vậy, sẽ gặp điều không may trong năm mới.

Ngày đầu năm, người ta kiêng huýt sáo, kiêng thổi lửa và giặt, phơi quần áo. Vì người Mông xanh cho rằng, đó là những việc “gọi gió và đón gió” nên phải kiêng. Nếu không năm mới gió sẽ về làm đổ cây cối, nhà cửa, mùa màng thất bát. Trong 3 ngày đầu năm mới, người ta kiêng ăn canh và hạn chế ăn rau vì nghĩ rằng, làm như thế năm mới mưa nhiều, ruộng nương sẽ nhiều cỏ, khó canh tác cây trồng.

Người Mông cũng không dùng xe máy trong ngày đầu năm mà chỉ đi bộ vì họ kiêng đi xa để cầu may mắn, sức khỏe, tránh điều không may bởi ngày đầu năm thường uống nhiều rượu.

Thôn Tu Thượng yên bình nơi lưng núi.

Tết ở Tu Thượng thường kết thúc vào Rằm tháng Giêng với mâm cơm tổng kết. Bấy giờ người ta mới gói bánh chưng mời mọi người đến dự Lễ hóa vàng. Bà con người Mông lại tiếp tục một năm miệt mài, hăng say lao động, trong không khí vui tươi, phấn khởi những ngày đầu xuân.

Rời Tu Thượng trong nắng sớm mới lên, nhà ai đó đã dậy cất rượu ngô, hương rượu mới thơm nức cả thôn. Những cánh đào phớt hồng ngậm sương mai đẹp long lanh. Mùa xuân đã về tới lưng chừng núi, trên mỗi gương mặt người dân tôi gặp đều ánh lên niềm hy vọng về mùa màng bội thu, đủ đầy. Hy vọng sẽ có dịp trở lại đón Tết với người dân Tu Thượng, để chứng kiến sự đổi thay, để nâng chén rượu nồng chúc nhau sức khỏe, bình an và cùng những chàng trai, cô gái xúng xính váy áo, nô nức đi hội mùa xuân…

Theo Đức Phương/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).