“Góc nhìn từ thiên lý”

Bằng thiết bị chụp hình từ vệ tinh cao hàng trăm km, huyện Bảo Thắng hiện ra trên bản đồ điện tử một bức tranh với bố cục hợp lý và những gam màu sống động. Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng Vũ Văn Tuấn nói vui “Đó là góc nhìn từ thiên lý”.
Thị trấn Phố Lu nhìn từ trên cao.

Gắn bó với Bảo Thắng mấy chục năm, kinh qua nhiều vị trí, chức vụ ở cơ sở, nên Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng khi nhìn vào bản đồ điện tử vẫn xác định rành rọt từng tuyến đường liên thôn, địa hình, địa mạo từng quả đồi, tên của những thung lũng, những khe, tràn ruộng hẹp.

Chỉ tay vào bản đồ, Bí thư Huyện ủy say sưa giới thiệu: “Trong hai vệt đỏ chủ đạo này, đường cong mềm mại là sông Hồng, thẳng vút là cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Những làn sóng ngang màu xanh trải rộng là vùng chè Phong Hải, Phong Niên, Xuân Quang, dịch sang bên kia là vùng chè Phú Nhuận. Màu xanh thẫm tràn khắp nơi như đổ mực là rừng sản xuất với quế, mỡ, bồ đề, những ô chữ nhật màu trắng, xanh xen lẫn nhau ven sông kia là vùng rau chuyên canh an toàn. Còn đây, những hình khối lớn xếp gần nhau là Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, chia ô thế kia là thị trấn Phố Lu...”.

Lời giới thiệu về Bảo Thắng qua “góc nhìn từ thiên lý” của Bí thư Huyện ủy có lẽ còn trải dài hơn cả những đồi chè hàng hóa nếu không bất chợt có đoàn khách ở tỉnh vùng xuôi tới tham quan, học hỏi quy hoạch xây dựng Khu Công nghiệp. “Phóng viên cứ đi thực tế, rồi chúng ta sẽ có thêm buổi trò chuyện riêng về Bảo Thắng”, Bí thư Huyện ủy ra chiều tiếc nuối nói với theo chúng tôi sau cái bắt tay vội vã.

Tôi đã đi qua nhiều vùng đất nhưng kỳ thực chưa nơi nào để lại nhiều xúc cảm như Bảo Thắng. Một lãnh đạo huyện nay đã nghỉ hưu từng đưa ra kết luận xác đáng rằng, ngoài vị trí vùng thấp và đầu mối giao thông ra thì Bảo Thắng rất thiếu lợi thế tự nhiên. Những mỏ khoáng sản lớn không nằm ở Bảo Thắng, không có những cánh “rừng vàng” phong phú lâm sản, không có thắng cảnh được mệnh danh “thiên đường du lịch” hay những di tích quanh năm nườm nượp du khách bốn phương. Có lẽ, cũng vì thiếu tài nguyên, đã thôi thúc Bảo Thắng tự cường vươn lên làm chủ chính mình. Chương trình, đề án, dự án, kế hoạch nào ở Bảo Thắng cũng hết sức ấn tượng, rành mạch và rõ nét, xứng đáng đứng ở tốp đầu.

Đến Bảo Thắng là đến với màu xanh ngút ngàn của rừng cây, đồng ruộng, cơ man trang trại. Không còn nghi ngờ nữa, sản xuất nông nghiệp của huyện luôn đứng số một toàn tỉnh cả trồng trọt và chăn nuôi, số trang trại được công nhận ở Bảo Thắng luôn gấp đôi số trang trại của các huyện, thành phố còn lại. Trong khi ở nhiều nơi, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ còn “ngó nghiêng”, ganh đua nhau thì ở Bảo Thắng đã đứng ở tầm cao mới. Việc liên kết, tương hỗ trong sản xuất đã trở thành quy luật tất yếu. Ví như, Hợp tác xã Quý Hiền, với sự liên kết hơn 20 trang trại chăn nuôi trở thành điển hình của cả miền Bắc về sự hợp tác chặt chẽ từ cung ứng vốn, giống, sản phẩm đầu vào đến phân bố thị trường tiêu thụ. Ngoài thế mạnh chăn nuôi, Bảo Thắng còn là vùng sản xuất rau của tỉnh, cung cấp chủ yếu cho thị trường thành phố Lào Cai, huyện Sa Pa, Khu Công nghiệp Tằng Loỏng và nội huyện. Đến nay, Bảo Thắng cũng đã hình thành những điểm trồng rau an toàn, chất lượng và giá trị cao, xây dựng vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao.

Ngát xanh vùng chè Phú Nhuận.

Ở Bảo Thắng, đất sản xuất nông nghiệp được người dân quý trọng bởi giá trị sản xuất trung bình đạt 71 triệu đồng/ha/năm, năm 2016 tăng hơn năm 2015 tới 8,5 triệu đồng. Sản xuất cây chè hàng hóa ở Bảo Thắng có bề dày truyền thống với nhiều thời điểm huy hoàng. Giờ đây, khi các sản phẩm chè trung du, chè lai LDP không còn mấy giá trị trên thị trường thì nông dân Bảo Thắng đã năng động trong việc chuyển đổi, đưa cây chè chất lượng cao Kim Tuyên, Bát Tiên vào canh tác tại các vùng chè Phú Nhuận, Phong Hải.

Không có điệp trùng những cánh rừng tự nhiên đặc dụng, nhưng người dân Bảo Thắng đã trồng rừng kinh tế kín các quả đồi trống từ cách đây hàng chục năm, giờ là thời điểm để thu hoạch và trồng rừng thay thế. Nếu cách đây vài năm, người trồng rừng còn phải lo lắng về bán sản phẩm thì mấy năm trở lại đây rừng thực sự “là vàng”, bởi bước chân ra ngõ gặp cơ sở chế biến lâm sản, một khúc gỗ nhỏ cũng có giá trị hàng chục nghìn đồng.

Màu xanh của ruộng đồng, cây cối ngan ngát đã trở thành màu nền chủ đạo, làm hài hòa cho các điểm nhấn về đô thị và sản xuất công nghiệp khi nhìn vào bức tranh tổng thể về Bảo Thắng. Người Bảo Thắng có quyền tự hào bởi đến nay, Khu Công nghiệp Tằng Loỏng vẫn đứng số một cả nước về giá trị sản xuất, công năng khai thác với thế mạnh hóa chất và luyện kim màu. Khu Công nghiệp Tằng Loỏng tạo ra những sản phẩm mà các khu công nghiệp khác không có như đồng tấm, vàng, bạc, phốt pho vàng, phụ gia cho chế biến thức ăn gia súc. Đây cũng là khu công nghiệp có khối lượng sản phẩm hàng đầu (tính đến nay) như phôi thép, phân NPK, phân bón cao cấp DAP. Có người từng nói vui rằng, nếu tính GRDP mà cộng cả giá trị sản xuất công nghiệp như một số nơi thì người dân Bảo Thắng sẽ đứng ở tốp giàu nhất cả nước. Nói là vậy, nhưng thu nhập trung bình của người dân Bảo Thắng vẫn ở mức cao. Kết thúc năm 2016 con số này là 26,6 triệu đồng/năm, tăng hơn 6 triệu đồng so với năm 2015. Những gì còn nghi ngại về môi trường tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng đã và đang được tỉnh Lào Cai, các ban, ngành trung ương tích cực giải quyết theo nhiều hướng hết sức khả quan.

Ngày cuối năm, trời đẹp, trở lại câu chuyện dang dở với Bí thư Huyện ủy Vũ Văn Tuấn về góc nhìn từ thiên lý. Câu hỏi hơi cổ điển nhưng có lẽ vẫn phù hợp: “Điều gì để Bảo Thắng có được ngày hôm nay?”. Thực sự bất ngờ, chưa bao giờ thấy Bí thư Huyện ủy Vũ Văn Tuấn lại cười tươi đến thế: “Người ta cứ hay nói trước đến sự lãnh đạo, công tác điều hành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị… nhưng điều mình luôn muốn nói là lòng dân. Dân không thuận muốn làm gì cũng khó, có lay cũng không chuyển”. Rồi vẫn bằng cái chất giọng say sưa, Bí thư Huyện ủy nói về những cuộc “đại chuyển dịch” của hàng nghìn hộ dân phục vụ dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, các dự án đầu tư tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng. Chính sách thường xuyên thay đổi, có điểm bất cập nhưng ở Bảo Thắng không để xảy ra điểm nóng phức tạp kéo dài. “Khó mà dân vẫn đồng thuận, điều đó mới quyết định tất cả”, Bí thư Huyện ủy khẳng khái. Đến đây, tôi chợt nhớ đến câu nói vui về “góc nhìn từ thiên lý” hay hiểu theo nghĩa khác, nhờ có “thiên lý nhãn” (tầm nhìn tới nghìn trùng) mà Bảo Thắng có hình ảnh khởi sắc hôm nay, âu cũng đều đúng cả.

Theo Cao Cường/LCĐT

Tin Liên Quan

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.