Ðộng Thiên Long những điều chưa kể

Nằm sau cánh rừng già hàng nghìn năm tuổi của xã Tả Văn Chư (Bắc Hà), động Thiên Long là hệ thống hang động rộng lớn nằm sâu trong lòng núi Rồng, chứa đựng trong đó những bí ẩn nhiều người chưa được biết.

Hang Rồng kỳ bí

Động Thiên Long nằm trong địa phận thôn Nhìu Cồ Ván B, xã Tả Văn Chư, người dân địa phương thường gọi với cái tên quen thuộc là hang Rồng.

Trước những câu chuyện đầy huyền bí của người dân về động Thiên Long, chúng tôi quyết định luồn rừng, ngược dốc để tìm hiểu và khám phá sự bí ẩn ở nơi đây. Vượt qua cánh rừng nguyên sinh hàng nghìn năm tuổi đang được người dân bảo vệ nghiêm ngặt, anh Lý Seo Vư, một người am hiểu địa hình ở xã dẫn chúng tôi đến khu vực núi Rồng. Giữa mênh mang đất trời và mây trắng bao phủ, núi Rồng hiện ra sừng sững. Trên đường đi, chúng tôi gặp anh Ly Seo Lâu, Trưởng thôn Nhìu Cồ Ván B. Biết chúng tôi đang tìm đường lên hang Rồng, anh Lâu hồ hởi bảo, hang Rồng đẹp lắm, bên trong lộng lẫy như cung điện rộng lớn, có thể chứa tới cả nghìn người. Nhà anh Lâu cách hang Rồng hơn 1 km, đã sinh sống ở đây 3 đời, nên anh phần nào hiểu biết về hang động này.

Nhũ đá nhiều màu sắc ở tầng 2 của động Thiên Long.

Sau gần 2 giờ đi bộ, chúng tôi mới đến nơi. Lối vào cửa hang rộng chừng 3 m được chia thành 2 tầng, cửa chính nằm ở tầng trên, nên để vào được, người ta phải bắc thang leo lên. Nhìn vào phía trong động mới thấy không gian dần được mở rộng, hàng nhũ đá thả thành chùm như những chiếc đèn lồng lớn trang trí cho căn phòng khổng lồ.

Kéo chúng tôi sang bên cạnh lối vào hang, anh Lâu kể một câu chuyện kỳ bí mà anh biết được về hang động này: Trước kia, vào những ngày có trăng, khi trời sẩm tối, người dân trong vùng thường thấy bóng con rồng lớn bay từ trong hang ra. Và cũng từ câu chuyện này, người dân từ đời này đến đời khác đều tin là thật, bởi người xưa thường gọi đây là nơi ở của rồng (theo tiếng người Mông địa phương gọi hang Rồng là Kháo Pàng).

Hiện, động Thiên Long được nhiều người biết đến như một điểm du lịch hấp dẫn, bởi địa thế và hệ thống hang rộng lớn, độc đáo; động cũng đã được công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo tìm hiểu của chúng tôi, động Thiên Long có 3 tầng khác nhau, mỗi tầng mang một đặc thù riêng. Tầng một có chiều dài hơn 100 m, mặt bằng rộng, nền được tạo thành bởi những tảng đá lớn; vòm hang của tầng một cao thoáng (khoảng 8 - 10 m), trên đó có những mảng nhũ đá lớn, các mảng thạch nhũ được thiên nhiên kiến tạo với hình thù đa dạng, phong phú. Tầng hai của động có chiều dài ngắn hơn tầng một, nền bằng phẳng, lòng hang rộng, vòm cao có lượng nhũ đá nhiều và phong phú hơn về hình dáng, kích thước, màu sắc. Tầng ba của động dài và có độ dốc khá lớn, lòng hang rộng, có nhiều thạch nhũ hình thù khác nhau, đặc biệt là ở đây chứa lớp đất trầm tích màu đen, xốp phủ dày lên nhau.

Và những chuyện có thật

Câu chuyện truyền miệng đã đánh thức sự tò mò của chúng tôi về sự huyền bí của động Thiên Long. Để tìm câu trả lời, chúng tôi đến thăm những người cao tuổi ở thôn Nhìu Cồ Ván B, trong đó có hai anh em ông Tẩn Seo Chùa và Tẩn Seo Giáo - những người cao tuổi nhất thôn và gia đình có 10 thế hệ sinh sống gần khu vực động Thiên Long.

Chúng tôi gặp ông Tẩn Seo Chùa bên con suối nhỏ chảy qua thung lũng dưới chân núi Rồng. Ông Chùa vẫn khá nhanh nhẹn dù đã 78 tuổi. Vừa leo núi thoăn thoắt với chiếc gùi sau lưng, ông Chùa vừa kể cho chúng tôi nghe chuyện về động Thiên Long. Từ khi còn nhỏ, ông đã có rất nhiều kỷ niệm với hang Rồng. Lớn hơn, ông Chùa và các anh em của mình được ông bà, bố mẹ đưa vào hang để lấy loại đất màu đen về làm phân bón cho cây trồng; loại đất đen ấy trộn với phân chuồng ủ tạo thành phân bón giúp cho ngô, lúa luôn tốt tươi và năng suất cao. Vì hang rộng, nhiều ngõ ngách, nên mọi người chỉ đi theo con đường duy nhất đã được các cụ đánh dấu từ trước đến nay. Khi vào hang không ai dám vứt rác, đồ đạc bừa bãi vì có thể dẫn đến lạc đường, không tìm được lối ra.

Ông Tẩn Seo Chùa kể những kỷ niệm về động Thiên Long.

Ông Tẩn Seo Giáo là người anh họ, hơn ông Chùa 3 tuổi cũng kể lại: Những năm 1950, hang Rồng không chỉ cung cấp phân bón cho người dân, mà còn là nơi trú ẩn, tránh thổ phỉ của nhiều gia đình trong vùng này... Khi chúng tôi hỏi vì sao hang có tên là Rồng thì các ông đều lắc đầu bảo không rõ, cái tên ấy có từ bao đời rồi, người dân cứ truyền nhau gọi như vậy. Thời còn trẻ, hai anh em ông Chùa, ông Giáo từng đánh liều khám phá các ngõ ngách trong hang Rồng, nhưng mò mẫm hơn 1 ngày, gần cạn hết đuốc dự trữ, hai người vẫn chưa thể đi hết hang.

Nói về thắng cảnh động Thiên Long, ông Sùng Seo Vảng, Bí thư Đảng ủy xã Tả Văn Chư chia sẻ thêm: Hồi còn bé, tôi cũng được các cụ kể cho nghe nhiều chuyện về hang Rồng. Điểm đặc biệt là hang này từng cung cấp “phân bón” cho nhân dân trong vùng trồng trọt từ hàng trăm năm trước, sau này, khi có các loại phân bón hóa học, người ta mới không đến hang lấy loại đất này nữa. Tôi nghĩ rằng, loại đất trong hang tốt cho cây trồng vì đất trầm, xốp đã được trộn với phân của hàng trăm, hàng nghìn con dơi từng trú ngụ trong hang. Hang cũng là nơi cho dân trong vùng lánh nạn, nên ngày nay, người dân vẫn giữ gìn và bảo vệ hang như ngôi nhà chung. Năm 2013, khi hang Rồng được gọi với tên là động Thiên Long và được công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, nơi đây đã trở thành niềm tự hào của người dân trong xã, góp phần phát triển du lịch sinh thái và khám phá trên vùng cao này.

Những câu chuyện huyền bí về động Thiên Long đến nay vẫn là điều thú vị cần khám phá đối với không chỉ người dân địa phương, mà còn của hàng nghìn du khách khi đến danh lam thắng cảnh này. Tuy nhiên, qua câu chuyện truyền lại thì người dân nơi đây vẫn tin và mặc nhiên rằng, động Thiên Long từng là nơi ở của rồng.

Theo Đức Toàn/LCĐT

Tin Liên Quan

Du khách bất ngờ trước tốc độ phục hồi của du lịch Sa Pa

Sa Pa, điểm đến du lịch nổi tiếng của miền Bắc, nhanh chóng “lấy đà” phục hồi sau bão nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương.

Khách du lịch đến Sa Pa tăng 33,2% so với kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2023

Trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8 - 3/9), Lào Cai đón khoảng 196.500 lượt khách. Lượng khách du lịch đến các địa phương tăng nhẹ so với kỳ nghỉ 2/9/2023, riêng thị xã Sa Pa đón khoảng 122.770 lượt khách, tăng 33,2% so với kỳ nghỉ lễ 2/9/2023.

Lễ hội mùa Thu "Sa Pa - mùa vàng" 2024 hứa hẹn hàng loạt sự kiện hấp dẫn

Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024 không chỉ là dịp để du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của vùng cao mà còn là cơ hội để trải nghiệm những hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực hấp dẫn.

Nên đi đâu tại Lào Cai trong kỳ nghỉ lễ này?

Kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh mùng 2/9 đúng vào dịp thời tiết Lào Cai thuận lợi. Dự kiến những ngày nghỉ trời có nắng, phù hợp để du khách trải nghiệm các hoạt động ngoài trời, tận hưởng không khí đón mùa thu. Những ngày này, các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch hấp dẫn để thu hút...

Lần đầu tiên tỉnh Lào Cai tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế

Với chủ đề “Du lịch Lào Cai - kết nối khát vọng xanh”, Hội chợ Du lịch Quốc tế Lào Cai năm 2024 (Laocai International Travel Mart – LITM 2024) sẽ được tổ chức từ ngày 7/11 đến ngày 10/11/2024 tại khu vực Quảng trường Đinh Lễ (thành phố Lào Cai).

Hoa dơn thóc rực rỡ khoe sắc trên đỉnh Fansipan

Kéo dài tới hết 30/8, Lễ hội hoa dơn thóc 2024 đang thu hút đông đảo khách du lịch tới đỉnh Fansipan với biển hoa trải dài từ độ cao hơn 3.000 m và hàng loạt hoạt động vui chơi hấp dẫn, mang đậm sắc màu văn hóa Tây Bắc.