Trải nhiệm homestay ở “cao nguyên trắng”

“Cao nguyên trắng” Bắc Hà là điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế bởi những nếp nhà sàn, nhà trình tường của đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Phù Lá... Những ngôi nhà “homestay” - dịch vụ lưu trú tại gia, đang đem đến những trải nghiệm thú vị cho du khách.
Homestay ở Bản Phố là nếp nhà sàn làm bằng gỗ sa mộc. Chị chủ nhà người Mông có kinh nghiệm đón khách nên nhanh nhẹn dẫn tôi lên tầng 2 và giới thiệu về nơi ở. Chị nhanh tay dọn đồ, sửa sang lại chăn đệm. Cũng chính bởi làm du lịch mà nhà chị thêm ngăn nắp, vệ sinh sạch sẽ và biết tạo không gian đẹp cho homestay.

Sáng hôm sau thức giấc, chúng tôi vẫn chưa muốn rời khỏi chăn ấm. Tiếng nói chuyện xì xồ, tiếng vó ngựa gõ lọc cọc, tiếng bước chân hối hả... cho chúng tôi biết, những tốp người xuống chợ phiên. Bước xuống căn nhà gỗ, tận hưởng một không gian thoáng đãng của sớm cao nguyên trong lành, dịu mát. Ngồi dưới chiếc chòi lợp lá cọ, nô đùa với những đứa trẻ, thấy cảm giác thật yên bình.
Chị Lâm Thị Loan chuẩn bị chỗ nghỉ cho khách tại homestay.
 
Bình minh rực nắng. Thưởng thức bát phở chua trộn xá xíu, đậu xị “trứ danh” của đất Bắc Hà là thấy ấm bụng. Thế rồi, men theo “nhịp váy đung đưa” chúng tôi như phiêu du trong tiết thu dịu mát đi thăm bản. Dừng chân bên nếp nhà sàn mới, chúng tôi vào thăm nhà chị Lâm Thị Loan, một gia đình người Tày đang làm dịch vụ homestay ở thôn Na Hô, xã Tà Chải. Xởi lởi mời khách vào nhà, chị pha ấm trà mới chào đón chúng tôi. Ngồi trong ngôi nhà sàn gỗ truyền thống của người Tày, nhìn ra phía sân đang phơi thóc “khẩu lang”, chị Loan bảo: Khách du lịch thích món xôi cốm già này lắm, nên gia đình làm để phục vụ khách thưởng thức. Có khi nấu ăn luôn khi ở đây, cũng có khi mua “khẩu lang” về làm quà.

Chả là hôm nay, nhà chị Loan có đoàn khách nước ngoài đến nghỉ homestay.  gia đình chị đang chuẩn bị mẻ cốm đãi khách. Chị Loan cho biết: Khách đến nghỉ homestay chủ yếu là du khách nước ngoài nên họ rất thích khám phá cuộc sống thường nhật của đồng bào Tày. Gia đình làm sẵn mẻ cốm để tối giã cốm cho du khách trải nghiệm nghề truyền thống. Khách nước ngoài thích xem gia đình làm cốm lắm. Chưa kịp dứt lời, bỗng có tiếng “thình thịch, thình thịch” từ xa vọng lại, chị Loan phân trần: Đấy, tiếng giã cốm đấy. Chắc nhà ai trong thôn đang giã cốm... Tiếng giã cốm vang lên giữa những thanh âm của một ngày mới trong sự yên bình. Tản bộ trên con đường nông thôn mới, ngắm nhìn những nếp nhà yên bình dưới ánh nắng ban mai, những cây hồng lúc lỉu quả vàng trong tán lá xanh,  những cây lê cũng đã bật mầm hoa trắng tinh... là cảm nhận thật tuyệt vời tại Bắc Hà.

Bà Lisa, một du khách đến từ Úc cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi đến Bắc Hà, cũng là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm dịch vụ homestay ở đây. Thực sự thật tuyệt vời!. Không gian yên tĩnh và thanh bình, những ngày lưu lại ở đây đã cho tôi hòa mình vào cuộc sống bình dị nhưng cũng thật hấp dẫn ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Mọi người ở đây thật thân thiện. Nếu có dịp quay trở lại Lào Cai, trở lại Bắc Hà, tôi vẫn sẽ lựa chọn dịch vụ homestay.


Chưng cất rượu ngô Bắc Hà.

Trải nghiệm “homestay” thú vị ở Bắc Hà là được xem người Mông nơi này chưng cất rượu ngô. Loại rượu được làm từ ngô trồng trên núi, từ men lá hồng mi. Anh Lý Seo Thồng, người Mông gốc ở Bản Phố như đau đáu với nghề truyền thống của cha ông mình nên hết giờ làm ở cơ quan, anh lại về nhà cùng vợ nấu rượu. Rượu nhà anh Thồng giữ nguyên bản sắc bí truyền. Rượu ủ kỹ lâu ngày. Anh nghĩ mình làm để giữ thương hiệu, giữ nghề. Việc khai trương cửa hàng “Rượu hồng mi” ở chợ Văn hóa là việc mà anh tâm đắc, dồn hết nhiệt huyết bao năm nay mới thực hiện được. Đây sẽ là động lực để anh tiếp tục nối dài ước mơ, chắp cánh cho hương rượu ngô men hồng my tiếp tục bay xa.

Dẫn chúng tôi đi tham quan homestay và khu nấu rượu, anh Lý Seo Thồng tâm sự: Cứ đến phiên chợ Bắc Hà, gia đình lại nấu rượu để cho khách đến tham quan. Cùng với mô hình du lịch làng nghề, gia đình tôi còn đầu tư trồng thêm cánh đồng hoa tam giác mạch và trồng cây hồng mi để du khách chụp ảnh. Đây cũng là cách làm du lịch níu chân du khách ở lại Bắc Hà lâu hơn...

Từ Bản Phố chúng tôi men theo con đường đến xã Na Hối, được ví là “thủ phủ” của mận Tam hoa nổi tiếng. Đây là xã có diện tích trồng mận lớn nhất huyện. Những năm gần đây, người Tày ở Na Hối đã phát triển giống cây ăn quả như Mận Tam hoa, Đào Pháp để du khách đến tham quan, vừa thưởng thức và mua về làm quà... 

Ông Chu Đình Sa, đại diện nhóm hộ homestay Bắc Hà ở xã Na Hối đã được vinh danh nhận giải thưởng “Homestay Asean” cho biết: Những nếp nhà sàn truyền thống cùng với những giá trị văn hóa phi vật thể, cuộc sống bình dị của người Tày ở Na  Hối đã hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến Bắc Hà. Na Hối hấp dẫn du khách bởi những lễ hội xuống đồng, lễ cúng rừng, lễ mừng cơm mới...với các môn thể thao hấp dẫn như kéo co, đẩy gậy, tung còn; các món ẩm thực độc đáo mang đậm bản sắc như: thắng cố ngựa, xôi nhiều màu, bánh chưng đen, bánh dày, thịt lợn hun khói... Những năm gần đây, Na Hối còn được nhiều khách du lịch biết đến bởi nơi đây đã sản sinh ra rất nhiều kỵ sỹ chân đất giành “ngôi vương” trong Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà hằng năm.

Rời Bắc Hà sau chuyến trải nghiệm “homestay, chúng tôi thêm một lần được tận hưởng không gian văn hóa và thắng cảnh, thiên nhiên tươi đẹp, để lại những cảm xúc tuyệt vời, những ấn tượng khó quên về miền cao nguyên trắng./.
Thanh Cường

Tin Liên Quan

Du khách bất ngờ trước tốc độ phục hồi của du lịch Sa Pa

Sa Pa, điểm đến du lịch nổi tiếng của miền Bắc, nhanh chóng “lấy đà” phục hồi sau bão nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương.

Khách du lịch đến Sa Pa tăng 33,2% so với kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2023

Trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8 - 3/9), Lào Cai đón khoảng 196.500 lượt khách. Lượng khách du lịch đến các địa phương tăng nhẹ so với kỳ nghỉ 2/9/2023, riêng thị xã Sa Pa đón khoảng 122.770 lượt khách, tăng 33,2% so với kỳ nghỉ lễ 2/9/2023.

Lễ hội mùa Thu "Sa Pa - mùa vàng" 2024 hứa hẹn hàng loạt sự kiện hấp dẫn

Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024 không chỉ là dịp để du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của vùng cao mà còn là cơ hội để trải nghiệm những hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực hấp dẫn.

Nên đi đâu tại Lào Cai trong kỳ nghỉ lễ này?

Kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh mùng 2/9 đúng vào dịp thời tiết Lào Cai thuận lợi. Dự kiến những ngày nghỉ trời có nắng, phù hợp để du khách trải nghiệm các hoạt động ngoài trời, tận hưởng không khí đón mùa thu. Những ngày này, các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch hấp dẫn để thu hút...

Lần đầu tiên tỉnh Lào Cai tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế

Với chủ đề “Du lịch Lào Cai - kết nối khát vọng xanh”, Hội chợ Du lịch Quốc tế Lào Cai năm 2024 (Laocai International Travel Mart – LITM 2024) sẽ được tổ chức từ ngày 7/11 đến ngày 10/11/2024 tại khu vực Quảng trường Đinh Lễ (thành phố Lào Cai).

Hoa dơn thóc rực rỡ khoe sắc trên đỉnh Fansipan

Kéo dài tới hết 30/8, Lễ hội hoa dơn thóc 2024 đang thu hút đông đảo khách du lịch tới đỉnh Fansipan với biển hoa trải dài từ độ cao hơn 3.000 m và hàng loạt hoạt động vui chơi hấp dẫn, mang đậm sắc màu văn hóa Tây Bắc.