Lưu giữ nghề đan ghế mây ở Bản Xèo

Chiếc ghế mây nhỏ bé từ lâu trở nên thân quen trong đời sống sinh hoạt của bà con các dân tộc Lào Cai, nhưng chắc hẳn, ít ai biết những công đoạn để làm ra một chiếc ghế mây cầu kỳ và vất vả thế nào.

Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến thôn Cán Tỷ, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát để tìm hiểu về chiếc ghế mây - vật dụng giản dị của nhiều gia đình ở vùng cao Lào Cai. Được sự dẫn đường của một cán bộ xã, chúng tôi tới nhà anh Phàn Phù Thàng, 1 trong 5 hộ có nghề làm ghế mây ở thôn. Khi chúng tôi đến cũng là lúc gia đình anh Thàng đang bắt đầu thực hiện những công đoạn đầu tiên để làm ghế mây.

Anh Phàn Phù Thàng và vợ tranh thủ đan ghế mây lúc nông nhàn.

Mặc dù, vừa làm anh Thàng vừa trò chuyện với chúng tôi, nhưng các bước thực hiện vẫn rất nhanh nhẹn và chính xác. Anh bảo: Nguyên liệu chính để làm ghế mây là cây mây, do vậy, chúng tôi phải đi cả ngày trời để vào rừng tìm. Những cây mây càng già, thân càng to sẽ được lựa chọn hàng đầu. Theo những người làm ghế có kinh nghiệm, để có thể khai thác và sử dụng, cây mây phải có tuổi thọ từ 2 năm trở lên, như vậy mới đảm bảo độ bền và độ dài của sợi mây. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, nên mây ngày càng khan hiếm. Nhiều lúc không tự đi lấy được, tôi và các hộ làm ghế mây trong thôn phải mua ở một số xã lân cận, thậm chí phải đặt mua từ Lai Châu về mới đủ nguyên liệu để làm ghế phục vụ nhu cầu của khách tiêu dùng.

Công đoạn đầu tiên và cũng là quan trọng nhất khi làm ghế mây là tạo khung cho chiếc ghế. Cây mây có đặc tính cứng nên sẽ rất khó uốn, vì vậy người làm ghế phải hơ mây qua lửa cho dẻo rồi mới thực hiện các công đoạn uốn khuôn ghế. Công đoạn này khá phức tạp và cầu kỳ, phải cần từ 2 - 3 người mới có thể thực hiện được. Để cố định bộ khung, những thanh gỗ chắc thịt được vót nhẵn và gắn cố định xung quanh hai vòng tròn, những thanh gỗ này quyết định tới chiều cao của chiếc ghế. Mỗi thanh gỗ dài từ 20 đến 30 cm, chiều dài thanh gỗ phụ thuộc vào ý đồ của người làm ghế và nhu cầu người sử dụng trên thị trường. Mây sau khi được vót mịn, sẽ bó thành từng bó treo lên gác bếp hoặc phơi khô ngoài nắng cho mềm mịn, óng ả và có sức bền cao. Thời gian treo càng lâu thì nan mây càng vàng óng và bền.

Sau khi khuôn ghế và chân ghế đã được làm xong, công đoạn cuối cùng  là làm mặt ghế. Mặt ghế mây gồm 2 lớp: Lớp dưới làm giá đỡ có tác dụng giữ cho mặt ghế chắc chắn và êm, được đan thô như lớp mạng nhện bằng ruột mây. Đan xong phần giá đỡ, người làm ghế sẽ đan nốt phần mặt ghế bằng cật mây. Tùy vào thẩm mỹ và sự khéo léo của người đan mà mặt ghế được đan theo nong mốt, hay nong hai, vừa tạo ra những hoa văn đối xứng đẹp mắt, vừa làm cho mặt ghế khít, mang lại cảm giác ngồi êm và thoải mái nhất. Những chiếc ghế mây hoàn thiện được mang ra chợ phiên bán. Giá mỗi chiếc ghế mây trên thị trường có giá dao động từ 100.000 - 150.000 đồng.

Anh Thàng cho biết thêm: “Thôn chúng tôi chưa có điện nên chỉ tranh thủ lúc trời còn sáng, cả gia đình mang mây ra đầu hè ngồi đan. Phần khung thì tôi và hai con trai mới có sức để uốn, đan mặt ghế thì mọi thành viên trong gia đình đều có thể làm được. Nếu các thành viên trong gia đình cùng nhau quây quần làm, mỗi ngày có thể làm được 2 chiếc ghế”. Được chứng kiến anh Thàng và những người thân trong gia đình thực hiện các bước làm chiếc ghế mây, chúng tôi mới thấy việc làm ra sản phẩm bình dị này không hề đơn giản. Nghề này đòi hỏi người làm phải có sức khỏe, sự khéo léo, tỉ mỉ và chính xác trong từng công đoạn, như thế mới làm được chiếc ghế mây vừa đẹp, vừa chắc chắn và bền.

Đồng chí Vương Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bản Xèo, huyện Bát Xát cho biết: Để làm được một chiếc ghế mây hoàn chỉnh bán ra thị trường với giá 100.000 đồng, người làm ghế mất khá nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, tranh thủ những lúc nông nhàn, mỗi tuần như gia đình anh Thàng có thể làm được từ 10 đến 20 chiếc ghế, tùy vào nhân lực của gia đình. Những chiếc ghế mây không chỉ có giá trị kinh tế mà còn mang giá trị văn hóa và thể hiện mối quan hệ gắn kết trong gia đình người Dao nơi đây. Hiện nay, chính quyền xã Bản Xèo rất quan tâm đến nghề làm ghế mây truyền thống của nhân dân thôn Cán Tỷ. Để duy trì và phát triển nghề truyền thống này, chính quyền xã cũng đã đưa ra những định hướng để duy trì và phát triển trong thời gian tới.

Hy vọng, với sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, nghề làm ghế mây truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở thôn Cán Tỷ sẽ phát triển, mang lại thu nhập ổn định cho nhân dân địa phương.

Theo Thanh Huệ/LCĐT

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.