Tạo kết nối toàn diện của Khu vực Tam giác phát triển

Hội nghị cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 9 (CLV9), được tổ chức vào ngày 23-24/11 tại Siem Reap (Campuchia). Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam trả lời phỏng vấn báo chí về những thành tựu và sự chuẩn bị của Việt Nam trước Hội nghị.

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam (bên trái) trong chuyến thăm và làm việc tại Lào từ ngày 22-23/3/2016 Ảnh: TTXVN
 
Xin Thứ trưởng cho biết những thành tựu mà hợp tác Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam đạt được trong thời gian qua?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Tôi cho rằng, thành tựu lớn nhất là khu vực này đã khẳng định là một cơ chế hợp tác rất hiệu quả giữa 3 nước láng giềng hữu nghị Campuchia, Lào và Việt Nam.
 
CLV là một diễn đàn hợp tác phi quân sự đầu tiên giữa 3 nước. Điều này chứng tỏ nhân dân Campuchia, Lào và Việt Nam đã có truyền thống hợp tác chặt chẽ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và ngày nay, 3 nước lại khẳng định nhu cầu, cũng như khả năng của mình liên kết, hợp tác phát triển, vì sự phồn thịnh của nhân dân mình.
 
Hợp tác Khu vực Tam giác phát triển được khởi xướng từ năm 1999 tập trung hợp tác 13 tỉnh thuộc 3 nước. Đó là 5 tỉnh Tây Nguyên Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước); 4 tỉnh Nam Lào (Attapu, Saravan, Champasac và Sekong) và 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia (Modunkiri, Strung Treng, Rattanakiri, Kratie).
 
Nằm trên bán đảo Đông Dương, 3 nước đều có những lợi thế riêng của mình, mang tính bổ sung cho nhau. Chính vì lẽ đó, kể từ khi thành lập, diễn đàn này đã mang lại lợi ích không nhỏ. Thành tựu rất rõ ràng là nền kinh tế 3 nước đã kết nối, bổ trợ cho nhau. Chưa bao giờ người dân trong khu vực bán đảo Đông Dương lại được tự do di chuyển như bây giờ, nhờ hưởng lợi từ chính sách miễn thị thực. Phải chăng đây chính là cơ sở của việc giao lưu nhân dân sôi động hơn bao giờ hết.
 
Hằng năm, có khoảng trên dưới 1 triệu người Việt Nam đi du lịch, thăm thân tới Lào và Campuchia. Nguồn lợi từ nguồn khách du lịch này mang lại đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế của hai nước bạn và của chính Việt Nam. Chỉ đơn cử riêng trong lĩnh vực kết nối hàng không, hằng ngày gần 20 chuyến bay giữa các điểm của Việt Nam và Phnom Penh cũng như Siem Reap hoặc với Lào là gần 10 chuyến trong một ngày. Sự giao lưu sôi động chưa từng có trong lịch sử quan hệ 3 nước.
 
Nhờ chính sách kết nối, chúng ta đã có đường biên giới mở. Biên giới với Lào đã hoàn tất việc phân định, với 8 cửa khẩu quốc tế và 17 cửa khẩu quốc gia. Biên giới với Campuchia còn trong quá trình phân định. Tuy nhiên, tất cả 10 cửa khẩu quốc tế và 65 cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu phụ đã được mở cửa hoàn toàn cho giao thương, giao lưu nhân dân… Hệ thống giao thông của 3 nước đã được kết nối như các đường nối cửa khẩu với các trung tâm kinh tế của Việt Nam với các thành phố lớn của Lào, Campuchia hoặc các cây cầu kết nối giao thông giữa Campuchia và Lào, giữa Campuchia và Việt Nam đã tạo thuận lợi cho giao thông đường bộ giữa 3 nước phát triển hơn bao giờ hết.
 
Chính sách thông thoáng, đồng nhất, đã tạo cho thương mại và đầu tư giữa các nước trong khu vực CLV phát triển năng động. Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào đạt hằng năm 2-3 tỷ USD, thương mại Việt Nam-Campuchia dao động khoảng trên 3 tỷ USD. Hàng trăm dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Lào và Campuchia. Với số vốn gần 3 tỷ USD đăng ký đầu tư vào Lào và gần 5 tỷ USD đăng ký đầu tư vào Campuchia là con số ấn tượng về kết nối của 3 nền kinh tế.
 
Ngược lại, Việt Nam cũng là địa chỉ đầu tư tin cậy của các doanh nghiệp Lào và Campuchia với số vốn tuy còn khiêm tốn, khoảng hơn 50 triệu USD đầu tư từ mỗi nước. Tuy nhiên, xét từ góc độ khởi nghiệp của liên kết kinh tế 3 nước thì đây đã là điều khích lệ lớn. Ngoài ra, lợi ích về hợp tác CLV phải kể tới những thành tựu trong lĩnh vực ngân hàng, giáo dục, y tế… Hệ thống giáo dục, y tế của Việt Nam cho khu vực Tây Nguyên, các huyện, xã dọc biên giới cũng giúp một phần nào cho người dân hai nước láng giềng được chia sẻ.
 
Hợp tác CLV tạo sự kết nối toàn diện, đưa tới phát triển kinh tế của khu vực và điều cuối cùng là hướng tới mục tiêu đời sống người dân được nâng cao. GDP của khu vực đạt mức tăng 9-10% trong năm 2016, cao hơn tốc độ phát triển bình quân của cả 3 nước. Chính vì những thành tựu to lớn như vậy mà cơ chế hợp tác CLV đã khẳng định vai trò không thể thiếu được không chỉ đối với Khu vực Tam giác phát triển, mà đã được mở rộng cho toàn bộ lãnh thổ của 3 nước Lào, Campuchia và Việt Nam.
 
Xin Thứ trưởng cho biết những đóng góp của Việt Nam đối với cơ chế hợp tác CLV?
 
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Là nền kinh tế nổi trội hơn cả trong khu vực, Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ động dẫn dắt, trên tinh thần hợp tác bình đẳng, coi trọng tình nghĩa anh em cọng rau sẻ nửa, hạt muối cắn đôi, như truyền thống hợp tác vốn có giữa nhân dân 3 nước anh em.
 
Trong 17 năm qua, kinh tế 3 nước đã gắn kết trên mọi phương diện: Đầu tư, thương mại, giao thông, tài chính, ngân hàng. Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam có 183 dự án đầu tư tại Lào, trong đó có 48 dự án thuộc Khu vực Tam giác phát triển và 248 dự án đầu tư tại Campuchia, trong đó có 61 dự án trong khu vực. Các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động tiên phong đầu tư trong các lĩnh vực như ngân hàng, nông nghiệp, viễn thông… Sự hỗ trợ của Việt Nam trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục cũng góp phần phát triển các lĩnh vực trên. Ví dụ, bệnh viện vùng Tây Nguyên đã giúp cải thiện các chỉ tiêu y tế, sức khỏe của nhân dân 3 nước trong Khu vực Tam giác phát triển.
 
Đặc biệt, sự tham gia của Việt Nam trong việc xây dựng hoạch định chính sách đã tạo cho CLV trở thành diễn đàn năng động và sáng tạo. Hầu hết các bộ, ngành của Việt Nam đều tham gia đóng góp vào hợp tác khu vực. Chúng ta đang cùng các bạn Lào và Campuchia xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Khu vực Tam giác phát triển giai đoạn 2010-2020 sau khi chúng ta đã hoàn thành quy hoạch này trong giai đoạn 2004-2010. Ngoài ra các bộ, ngành Việt Nam và 2 nước bạn cũng đang xây dựng quy hoạch phát triển ngành, ví dụ quy hoạch phát triển công nghiệp, xây dựng chính sách ưu đãi đặc biệt cho Khu vực Tam giác phát triển…
 
Việt Nam đã làm gì để chuẩn bị cho tham dự CLV 9 tại Siem Reap?
 
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Chuẩn bị cho CLV 9, vừa qua Việt Nam đã chủ trì thành công hội nghị quan chức cao cấp (SOM) và cuộc họp của 4 tiểu ban an ninh-đối ngoại, kinh tế, xã hội-môi trường và địa phương tại tỉnh Đắk Nông từ ngày 31/10-1/11 nhằm rà soát các công việc đã thực hiện và xây dựng chương trình nghị sự cho cuộc họp cấp cao vào ngày 23/11. Trước đó, ngày 21/9/2016 tại Nha Trang, chúng ta đã tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 3 của Ủy ban Quốc phòng an ninh 3 nước.
 
Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành Việt Nam phải rà soát kỹ lưỡng hợp tác của mình với Lào và Campuchia để từ đó đánh giá mặt tích cực, tìm ra nguyên nhân sự chậm trễ để đề ra những giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác CLV trong thời gian tới. Các bộ, ngành Việt Nam phải tìm ra các sáng kiến, ý tưởng mới nhằm tạo ra bước chuyển mới của hợp tác 3 nước. Những vướng mắc phải được sớm khắc phục. Kinh nghiệm hay phải được nhân rộng.
 
Ví dụ mô hình một cửa một điểm dừng đã thí điểm thành công tại cửa khẩu Lao Bảo-Densavan sẽ được bàn thảo trong Hội nghị này nhằm áp dụng cho các cửa khẩu quốc tế còn lại cũng như mở sang tuyến cửa khẩu Việt Nam-Campuchia trước mắt ở Mộc Bài-Bavet.
 
Các văn kiện của Hội nghị sẽ bao gồm “Tuyên bố chung về kết nối 3 nền kinh tế”. Đây là cơ sở để kết nối hạ tầng cứng (giao thông, năng lượng, thông tin…) và cơ sở hạ tầng mềm (tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế, đào tạo...) của 3 nước. Ngoài ra, một số văn kiện quan trọng khác như báo cáo nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su, thỏa thuận về chính sách ưu đãi của 3 nước dành cho Khu vực Tam giác phát triển.
 
Ngoài ra, khác biệt lớn lần này là Hội nghị sẽ bàn bạc danh mục khoảng 15 dự án ưu tiên hợp tác để 3 nước cùng vận động đầu tư. Hội nghị cấp cao sẽ xem xét tổng thể các văn kiện./.
Theo baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Cuba mang ý nghĩa biểu tượng lịch sử, đồng thời sẽ mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị đặc biệt giữa hai nước với những kết quả thiết thực và bền vững hơn. Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cơ hội lịch sử để đưa thế giới bước vào thời đại mới, kỷ nguyên phát triển mới

Ngày 22/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, tài chính và doanh nghiệp. Tổng Bí thư, Chủ...

Phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2024

Nhằm lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2024.

Đại sứ Orlando Nicolas Hernandez Guillen: Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa lịch sử với quan hệ Việt Nam-Cuba

Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen khẳng định chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đánh dấu một thời khắc quan trọng với ý nghĩa lịch sử.

Việt Nam sẽ có những thông điệp lớn, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương

Ngày 19/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn về chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Phiên họp cấp cao Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ từ 22-24/9.

Sáng mãi tinh thần Bộ đội Cụ Hồ

Cơn bão số 3 được đánh giá là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua; bão số 3 và hoàn lưu của nó để lại hậu quả nặng nề cho các tỉnh, thành phố phía bắc, nhất là Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai...