Những mô hình HTX kiểu mới ở Lào Cai: Thành Sơn - Điểm sáng vùng cao (Bài 2)

Không chỉ khôi phục lại nghề làm miến đao truyền thống đã thất truyền gần 4 thập kỷ qua, mà còn  đem lại thu nhập cho hàng nghìn hộ dân vùng cao Bát Xát là “câu chuyện cổ tích” đã được ban quản trị và các xã viên Hợp tác xã (HTX) Thành Sơn, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát viết lên sau 4 năm thành lập.

Một vùng nguyên liệu cây đao đỏ tại xã Bản Xèo.

HTX Thành Sơn, Bản Xèo được thành lập vào tháng 8 năm 2012, với ngành nghề chính là trồng, chế biến củ đao đỏ thành miến đao đặc sản mang thương hiệu miến đao Thành Sơn.

Khi mới thành lập,  HTX này chỉ có 10 xã viên và một vùng nguyên liệu rộng 10 ha nhưng không thể khai thác để sản xuất vì thiếu giống. Thế mà chỉ sau 4 năm, HTX này đã có 215 xã viên với một vùng nguyên liệu rộng hơn 500 ha được trồng trên địa bàn các xã Bản Xèo,  Mường Vi, Pa Cheo, Y Tý, Bản Vược, Cốc Mỳ của huyện Bát Xát, giúp cho hàng trăm hộ dân có thêm thu nhập khi giá thu mua củ đao đỏ nguyên liệu được duy trì ổn định từ 2,5 - 3  nghìn đồng/kg.

Đưa chúng tôi đi thăm đồi đao đỏ rộng hơn 2 ha của gia đình sắp bước vào thời điểm thu hoạch, ông Má A Cha, thôn Thành Sơn, xã Bản Xèo chia sẻ: “Nhờ có cây đao đỏ này mà nhà tôi thoát nghèo đấy. Trồng nó không vất vả như cây ngô nhưng tiền thu về gấp đôi nên bà con phấn khởi lắm”. Và rồi ông Cha nhẩm tính, năng suất mỗi ha đao đỏ là 25 - 27 tấn củ, vậy là có 50 đến 70 triệu đồng rồi nếu trồng đủ 1 ha.

Trở lại HTX Thành Sơn, chúng tôi gặp người “nhạc trưởng” dẫn dắt nhân dân Bản Xèo viết lên “câu chuyện cổ tích” đó là anh Cù Như Thành (sinh năm 1981), Chủ nhiệm HTX. Câu chuyện với anh Thành được bắt đầu bằng việc khôi phục lại nghề làm miến đao  truyền thống tại xã Bản Xèo đã ngừng hoạt động từ gần 40 năm về trước.

Xã viên HTX Thành Sơn chuẩn bị máy móc cho mùa sản xuất mới 2016.

Để rõ hơn, chúng tôi đã tìm đến cụ Vũ Văn Bình, 78 tuổi, hiện cụ đang sinh sống cùng con cháu tại thị trấn Bát Xát, người rất thông hiểu về nghề làm miến đao tại thôn Thành Sơn, xã Bản Xèo vào những năm 1960 - 1970.

Giống đao đỏ ở xã Bản Xèo ngày nay là do đích danh cụ Bình mang từ quê hương tỉnh Nam Định lên khi đi xây dựng vùng kinh tế mới. Ban đầu, cụ Bình trồng với mục đích chăn nuôi nhưng kỳ thực kết quả lại vượt ngoài sự mong đợi là cây đao đỏ trồng trên đất Bản Xeo củ to, mập, chất lượng tinh bột vượt trội so với các vùng trồng là các tỉnh miền xuôi.

Nhận thấy điều này, cụ Bình bàn với người dân trong vùng chế biến củ đao đỏ thành loại miến đao và kết quả bất ngờ hơn là sản phẩm có vị thơm ngon đặc biệt, sợi miến dai, không bị trương, nát khi nấu. Miến đao Thành Sơn nhanh chóng nổi tiếng xa, gần, người dân khắp nơi đến mua khiến sản phẩm của người dân làm ra không đủ để bán. Những năm 1970, tình hình biên giới phía Bắc có những diễn biến phức tạp, sản xuất bị ảnh hưởng, nghề làm miến đao dần mai một và mất dấu không còn ai làm suốt từ những năm 1980 đến nay.

Chàng thanh niên Cù Như Thành khi biết câu chuyện này đã tìm đồng chí Vương Mạnh Tuấn, sinh 1979, Chủ tịch UBND xã Bản Xèo để bàn việc khôi phục lại nghề làm miến đao truyền thống. Với nhiệt huyết và trách nhiệm của tuổi trẻ, hai người dù có công việc khác nhau nhưng họ đã cùng theo một chí hướng. Một bên là sự ủng hộ của chính quyền, một bên là sự nỗ lực của người đứng đầu đơn vị kinh tế tập thể và các xã viên, nên đến hôm nay thành công của HTX Thành Sơn là tổng hợp của nhiều nguồn lực.

Sản phẩm miến đao Thành Sơn.

Hiện mỗi năm HTX Thành Sơn sản xuất hơn 100 tấn sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động với mức thu nhập 4 triệu đồng/ người/ tháng. Giá miến đao thương hiệu Thành Sơn tại xã Bản Xèo hiện là 80.000/kg, cao hơn 30.000/kg so với các loại miến thông thường, nhưng hàng hóa luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”.

Đó là thành công lớn của Thành Sơn trên bước đường sản xuất hàng hóa với việc hoàn thiện các khâu từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Khi nhắc đến miến đao Thành Sơn, ông Vương Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bản Xèo luôn tỏ ra phấn khởi. Hơn ai hết, ông Tuấn hiểu rằng khi HTX Thành Sơn khôi phục lại nghề làm miến truyền thống là đã giúp cho hơn 400 hộ dân trên địa bàn xã có thêm nguồn thu nhập bền vững. Và tương lai còn vươn xa hơn nữa khi sản phẩm của HTX Thành Sơn hoàn thành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm cấp quốc gia. 

Theo Phạm Khánh/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).