“Ðánh thức” tiềm năng kinh tế cửa khẩu

Từ một tỉnh nghèo, thu ngân sách không đủ chi cho đầu tư, phát triển hằng năm, Lào Cai đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh có mức thu khá ở khu vực phía Bắc, với mức thu đạt 5.500 tỷ đồng năm 2015. Đóng góp vào thành tựu quan trọng này của tỉnh không thể không kể đến hoạt động kinh tế cửa khẩu.

Khai thác lợi thế

Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai là 1 trong 3 cửa khẩu quốc tế quan trọng trên tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam cùng với Cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Nếu như cửa khẩu ở Quảng Ninh và Lạng Sơn tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây - địa phương có nền kinh tế phát triển, hàng hóa xuất sang đỏi hỏi hàm lượng kỹ thuật cao thì Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai lại có lợi thế tiếp giáp với vùng Tây Nam của Trung Quốc - một khu vực rộng lớn với thị trường dễ tính hơn.

Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai 1 trong 3 cửa khẩu quốc tế quan trọng trên tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam.

Trước năm 1990, khi tỉnh Lào Cai chưa có chính sách ưu đãi phát triển kinh tế cửa khẩu thì hoạt động xuất - nhập khẩu còn nhỏ lẻ, tổng kim ngạch chỉ đạt 2,6 triệu USD (năm 1991). Nhưng từ khi 2 nước Việt Nam - Trung Quốc áp dụng chính sách ưu đãi đối với khu kinh tế cửa khẩu thì hoạt động xuất - nhập khẩu, xuất - nhập cảnh cả đường bộ, đường sắt sôi động hẳn lên. Sau khi được Chính phủ cho phép thành lập khu kinh tế cửa khẩu, dù tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến động bất lợi, song kim ngạch xuất - nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai năm 2010 vẫn đạt 857 triệu USD, tăng gấp hàng trăm lần so với những ngày đầu tái lập tỉnh.

Đến năm 2015, những yếu tố tác động của kinh tế thế giới và trong khu vực khá bất lợi khiến hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Lào Cai có phần bị chững lại so với trước đó, nhưng tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu vẫn đạt 2,144 tỷ USD (tăng hơn 2 lần so với năm 2010), chưa kể kim ngạch hàng hóa cư dân qua các cửa khẩu tiểu ngạch, lối mở. Số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 đã đạt con số hơn 3.000, số doanh nghiệp hoạt động xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai lên tới gần 1.000 đơn vị.

Xuất - nhập khẩu hàng hóa sôi động đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước, phục vụ đầu tư phát triển. Từ chỗ thu không đủ chi, năm 2004, tỉnh Lào Cai đã gia nhập câu lạc bộ các tỉnh, thành có số thu ngân sách trên 500 tỷ đồng (gấp đôi năm 2001) và chỉ trong vài năm sau tỉnh tiếp tục gia nhập câu lạc bộ các tỉnh có số thu ngân sách nghìn tỷ đồng. Năm 2015, thu ngân sách toàn tỉnh đạt 5.500 tỷ đồng (gấp hơn 20 lần so với 2001), trong đó thu từ xuất - nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì được ở mức trên 1.300 tỷ đồng.

Hoạt động xuất - nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai chủ yếu là khách du lịch và cư dân biên giới qua lại buôn bán. Hằng năm, Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai có khoảng 1,2 - 1,5 triệu lượt người tham gia hoạt động xuất - nhập cảnh. Phương tiện xuất - nhập cảnh hằng năm cũng liên tục tăng lên, đặc biệt là sau khi 2 tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) có quan hệ hợp tác và thống nhất thực hiện cho phép phương tiện ô tô của 2 nước vận chuyển hành khách và hàng hoá đi sâu vào nội địa của 2 tỉnh. Bình quân mỗi năm có trên 40.000 - 50.000 lượt xe ô tô và khoảng 800 lượt đôi tàu liên vận chở hàng hóa làm thủ tục qua biên giới.

Đổi mới mô hình quản lý

Để khai thác tốt nhất những thuận lợi và cơ hội phát triển kinh tế cửa khẩu, Lào Cai đã từng bước đổi mới mô hình quản lý khu vực kinh tế đặc thù này theo hướng ngày càng năng động và bền vững. Năm 2014, Ban Quản lý Cửa khẩu Lào Cai trực thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh được thành lập, mô hình quản lý kinh tế cửa khẩu tại Lào Cai từng bước được kiện toàn để phù hợp với tình hình thực tế, tạo sự chỉ đạo thống nhất trong hoạt động phối hợp quản lý tại cửa khẩu. Ban Quản lý Cửa khẩu Lào Cai đã có nhiều nghiên cứu cơ chế, chính sách, đề xuất các biện pháp tăng cường quản lý và khuyến khích hoạt động kinh doanh qua cửa khẩu; đảm bảo tốt các điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng, dịch vụ cho các lực lượng quản lý cửa khẩu và phục vụ tốt hoạt động xuất - nhập khẩu, xuất - nhập cảnh.

Thực hiện cải cách hành chính, đơn vị đã rà soát để bổ sung các quy định như: Quy định quản lý xuất - nhập cảnh; Quy định quản lý du lịch; Quy định về thu phí, lệ phí; Quy định về quản lý các hoạt động trong khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai; Quy định về chính sách ưu đãi đầu tư... Đây là hành lang pháp lý quan trọng trong công tác phối hợp giữa các ngành chức năng quản lý cửa khẩu, quản lý đầu tư, góp thúc đẩy hoạt động xuất - nhập cảnh, xuất - nhập khẩu, hoạt động đầu tư phát triển. Ngoài ra, Ban Quản lý Cửa khẩu Lào Cai đã xây dựng, ban hành và duy trì quy chế phối hợp hoạt động quản lý tại các cửa khẩu, lối mở trên tuyến biên giới của các ngành thành viên Ban Quản lý Cửa khẩu Lào Cai. Thực hiện công khai các khoản phí, lệ phí, trình tự thủ tục và nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tại các vị trí kiểm soát tại cửa khẩu. Quản lý và khai thác có hiệu quả một số loại hình dịch vụ công tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Về hợp tác quốc tế, thông qua công tác đối ngoại, Ban Quản lý Cửa khẩu Lào Cai đã thường xuyên tổ chức hội đàm với Ban Quản lý Cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) cùng nhau hợp tác giải quyết các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý cửa khẩu, hợp tác xây dựng cặp cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu ngày càng văn minh, hiện đại.

Những tiềm năng, lợi thế về kinh tế cửa khẩu đang được tỉnh Lào Cai “đánh thức” và tận dụng, từng bước mở ra cơ hội lớn cho phát triển kinh tế của địa phương. Đây cũng là điều kiện quan trọng để Lào Cai sớm trở thành trung tâm mậu dịch của ASEAN và Trung Quốc.

Theo Nguyễn Ngọc Khải/LCĐT

Tin Liên Quan

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.