Ngành công thương: Bước tiến hơn hai thập niên

Tại thời điểm tái lập tỉnh (năm 1991), ngành công nghiệp và thương mại Lào Cai (viết tắt là công thương) có quy mô rất nhỏ. Sau hơn 20 năm, ngành đã có bước tiến dài mang tính lịch sử, trở thành điểm sáng trong khu vực Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Năm 1991, sau ngày tỉnh Lào Cai tái lập, ngành công thương của tỉnh chỉ chủ yếu dựa vào mỏ apatít có từ trước đó, hoạt động thương mại là các chợ và hệ thống các cửa hàng của doanh nghiệp nhà nước, làm nhiệm vụ phân phối hàng hóa theo kế hoạch, hoạt động xuất - nhập khẩu chưa đáng kể. Trong khoảng 10 năm tiếp theo, ngành công thương Lào Cai vẫn không có nhiều bước tiến lớn, phần lớn là hoạt động như điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu, quy hoạch, củng cố phát triển doanh nghiệp nhà nước.

Sản xuất đồng tại Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai.

Về công nghiệp, một số cơ sở sản xuất, như liên doanh đồng, chế biến lâm sản, thức ăn gia súc, nước giải khát, cơ khí, sản xuất nước sạch được đầu tư, nhưng kết quả khá hạn chế. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2000 tăng gấp 6 lần năm 1991 nhưng mới đạt 337 tỷ đồng, tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh chiếm 19,6%. Về thương mại, năm 2000, toàn tỉnh có 59 chợ, các doanh nghiệp nhà nước duy trì hoạt động 42 điểm bán lẻ hàng hóa tại trung tâm cụm xã. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ năm 2000 đạt 593 tỷ đồng, tăng gấp 5,1 lần so với năm 1991; hệ thống thương mại quốc doanh tiếp tục cung ứng tốt các mặt hàng chính sách, như muối I-ốt, dầu hỏa, xăng và phân bón các loại. Sự ra đời của lực lượng quản lý thị trường vào năm 1995 đã góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước về thương mại trên địa bàn.

Về ngoại thương, Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai chính thức được khai thông cả đường bộ và đường sắt vào năm 1993 đã nâng quan hệ thương mại giữa tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) lên một tầm cao mới. Từ năm 1998, Lào Cai được xếp vào danh sách địa phương thực hiện thí điểm một số chính sách biên mậu, lợi thế về kinh tế cửa khẩu được tỉnh tổ chức khai thác mạnh mẽ. Kim ngạch hàng hóa 2 chiều năm 2000 đạt gần 11 triệu USD, cao gấp 9,5 lần so với năm 1992. Cũng trong những năm này, hoạt động xúc tiến thương mại bắt đầu hình thành và được đẩy mạnh, nhất là quan hệ ngoại thương với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Năm 1999, lần đầu tiên tỉnh Lào Cai tổ chức Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung và sau đó đã trở thành hội chợ thường niên, luân phiên, ổn định giữa 2 tỉnh của 2 quốc gia.

Từ năm 2001 - 2010, Tỉnh ủy Lào Cai liên tiếp ban hành các đề án về phát triển công nghiệp và thương mại, nhờ đó ngành công thương được nâng cả về quy mô, số lượng và chất lượng hoạt động. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIII nêu rõ: “Tập trung đầu tư, tạo bước phát triển đột phá trong công nghiệp, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh”. Đó chính là cơ sở, điều kiện để ngành tham mưu xây dựng 3 khu công nghiệp, quy hoạch 14 cụm công nghiệp, tạo ra động lực thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực công thương. Tổng nguồn vốn ngành huy động được trong 10 năm đạt 12.000 tỷ đồng. Nhiều dự án lớn đã được đầu tư, như Nhà máy Luyện đồng Lào Cai, Mỏ sắt Quý Sa, Nhà máy Tuyển quặng apatít, các nhà máy phốt pho vàng, sản xuất supe lân. Về công nghiệp thủy điện, đã hoàn thành 15 nhà máy với tổng công suất lắp máy 82,5 MW, mạng lưới điện nông thôn được quan tâm đầu tư. Đến năm 2010, có 100% số xã, 81% số thôn và 83% số hộ trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia. Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (theo giá cố định năm 1994) đạt 2.169 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 27,4%/năm. Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng cơ bản trong GRDP của tỉnh tăng từ 25,6% (năm 2005) lên 35,5% (năm 2010), cơ cấu nội ngành cũng có sự chuyển dịch tích cực. Về thương mại, ngoài mạng lưới các chợ và cửa hàng truyền thống, trên địa bàn tỉnh có 5 siêu thị và 1 trung tâm thương mại được đầu tư, kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa ổn định, hoạt động xúc tiến thương mại được tăng cường.

Từ năm 2011 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành công thương Lào Cai vẫn có những nỗ lực đáng tự hào. Công nghiệp thực sự trở thành khâu “đột phá”, thương mại - dịch vụ là “mũi nhọn” trong cơ cấu chuyển dịch của nền kinh tế. Trong sản xuất công nghiệp, cơ bản hoàn thiện cơ cấu các phân ngành, chế biến khoáng sản là điểm nhấn quan trọng, chế biến sâu là nhiệm vụ chiến lược. Tỷ trọng công nghiệp chế biến tăng nhanh, công nghiệp khai thác giảm dần, Lào Cai trở thành tỉnh đứng đầu toàn quốc về luyện kim màu và đứng thứ 2 cả nước về luyện kim đen. Năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 7.403 tỷ đồng, gấp 2,7 lần năm 2010; tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2010 - 2015 đạt 22,6%/năm. Thương mại nội địa phát triển ổn định. Toàn tỉnh có 77 chợ, 13 siêu thị, 1 trung tâm thương mại, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2015 đạt 13.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 19,5%/năm. Hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục tập trung vào khảo sát thị trường, tổ chức và tham gia hội chợ, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa. Hoạt động xuất - nhập khẩu được chú trọng mà nổi bật là việc quy hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành, Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai, chuẩn bị xây dựng Khu Hợp tác qua biên giới Kim Thành - Bản Vược, thu hút doanh nghiệp đến với Lào Cai. Kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu đạt 2,2 tỷ USD trong năm 2015, tăng trưởng bình quân cả giai đoạn đạt 27,4%/năm.

Mục tiêu ngắn hạn từ nay đến năm 2020, ngành công thương tiếp tục tham mưu cho tỉnh định hướng và tổ chức phát triển công nghiệp là khâu “quan trọng”, thương mại và du lịch là “đột phá”. Nhiệm vụ đặt ra là rất lớn, bởi vậy, ngành công thương xác định hướng phát triển là kế thừa và phát huy nền tảng đã đạt được, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành và cả hệ thống chính trị để tạo ra bước tiến mới trong những năm tới.       

Ðỗ Trường Giang

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).