Dấu ấn văn hóa Lào Cai sau 25 năm tái lập tỉnh

Sau 25 năm tái lập tỉnh (01/10/1991 – 01/10/2016), Lào Cai đã có những bước phát triển mang tính chất đột phá với những thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Hòa chung với sức vươn lên của toàn tỉnh, văn hóa Lào Cai đã in đậm dấu ấn truyền thống vùng biên trong các hoạt động kinh tế - xã hội.
Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc Lào Cai đã có những bước phát triển, thay đổi nhanh chóng. Mức hưởng thụ về văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao; hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở từ tự phát đã phát triển thành phong trào sôi nổi, lan tỏa tới cả các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm, ngoài những đội tuyên truyền, chiếu bóng lưu động được đưa về hoạt động ở các thôn bản, còn có nhiều hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, ngày văn hóa thể thao được tổ chức; nhiều mô hình chợ phiên, câu lạc bộ, đội văn nghệ (Câu lạc bộ Khắp Nôm Tày – Văn Bàn, đội xòe Tày – Bắc Hà, đội văn nghệ các dân tộc Mông, Dao, Giáy…) được hình thành, khơi dậy và tạo điều kiện cho văn hóa văn nghệ truyền thống được khôi phục, phát triển.


Các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng được tổ chức rộng khắp trong toàn tỉnh.

Phong trào xây dựng gia đình, làng bản, cơ quan, đơn vị văn hoá được triển khai rộng khắp và được nhân dân hưởng ứng tích cực, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nhiều vấn đề nổi cộm và cấp bách ở vùng cao như hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, bất bình đẳng giới, phụ nữ đi khỏi địa phương, bạo lực gia đình… đã được chú trọng giải quyết với nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo. Đến hết năm 2016, dự kiến trên toàn tỉnh có khoảng 80% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình băn hóa. Các mô hình làng văn hóa du lịch ở Sa Pa, Bắc Hà; làng văn hóa vùng đặc biệt khó khăn ở Bảo Yên, Bát Xát; làng văn hóa sức khỏe ở Si Ma Cai, Mường Khương, Bảo Thắng…đã có tác động tích cực tới phát triển đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân.

Việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội và tín ngưỡng cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều cách làm sáng tạo, nhờ đó diện mạo đời sống sinh hoạt văn hóa của nhân dân các dân tộc Lào Cai đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những năm đầu mới tái lập, cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, thể thao từ cấp tỉnh đến huyện, xã hầu như trống trắng (năm 1998, toàn tỉnh mới có 5 thôn bản có nhà văn hoá). Nhưng đến nay, cấp tỉnh đã có Nhà văn hóa trung tâm, Nhà Bảo tàng, Trung tâm trưng bày và biểu diễn ngoài trời; ở cơ sở đã có 6 Trung tâm Văn hóa thể thao huyện, 68 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn và trên 1.300 nhà văn hóa thôn bản.

Nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Lào Cai, tăng cường giáo dục truyền thống, tỉnh Lào Cai tổ chức nhiều sự kiện văn hoá có quy mô lớn, hoành tráng như “Đón chào thiên niên kỷ”, “110 năm du lịch Sa Pa”, “Du lịch cội nguồn”, “100 năm thành lập tỉnh Lào Cai”… Có những sự kiện được tổ chức thường niên, đã trở thành “phong tục”, nét văn hóa riêng có của Lào Cai như sự kiện Dạ hội đón giao thừa và Dâng hương Đền Thượng vào đêm 30 Tết Nguyên Đán. Tổ chức các sự kiện thành công là thông điệp về một điểm sáng Lào Cai ở vùng biên giới với nhân dân cả nước.

Việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tạo thành nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cho đến nay, Lào Cai đã tiến hành tổng kiểm kê, khảo sát văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh với 18 di tích, danh thắng cấp quốc gia, 16 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 01 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Nghi lễ trò chơi kéo co – cùng với các tỉnh, thành phố: Hà Nội – Vĩnh Phúc – Bắc Ninh). Những chương trình đã được triển khai hiệu quả như chương trình “Biến di sản thành tài sản”, “Mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, mỗi vùng có loại đặc sản trở thành hàng hóa”. Nhiều di sản văn hóa được sưu tầm, khai thác, phát triển thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn như các lễ hội dân gian, vốn dân ca, dân vũ, nghi lễ truyền thống, ẩm thực, tri thức dân gian trong lao động, sản xuất, nghề thủ công truyền thống (rèn đúc, thổ cẩm, sản phẩm thêu, chạm khắc bạc…). Nhiều di tích, danh thắng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách thập phương (Đền Bảo Hà, Đền Thượng, danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa, Y Tý – Bát Xát…).


Động Thiên Long (xã Tả Van Chư - Bắc Hà) được công nhận xếp hạng Di tích danh thắng
cấp Quốc gia năm 2014.

Văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết cũng được tỉnh quan tâm đầu tư, phát triển. Đã có nhiều chương trình hợp tác với các cơ quan nghiên cứu như Viện Dân tộc học, Viện Ngôn ngữ học thực hiện các chương trình khảo sát, kiểm kê di sản sách cổ và ngôn ngữ các dân tộc, truyền dạy chữ viết như Nôm – Dao, biên soạn giáo trình tiếng Mông được phê chuẩn thành giáo trình chuẩn áp dụng trong toàn quốc, thực hiện lồng tiếng các dân tộc Mông, Dao, Phù Lá cho các chương trình phim, phóng sự chiếu phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa. Đội ngũ nghệ nhân dân gian các dân tộc, những người “giữ lửa” cho di sản văn hóa ngày càng được quan tâm, tạo điều kiện để truyền dạy, quảng bá tinh hoa văn hóa dân tộc mình cho thế hệ trẻ. Năm 2016, Lào Cai đã có 9 nghệ nhân vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Có thể thấy, 25 năm sau ngày tái lập tỉnh, văn hóa Lào Cai đã được được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, những chuyển biến tích cực, lĩnh vực văn hóa vẫn còn có những tồn tại, hạn chế nhất định như mức đầu tư cho văn hóa chưa cao; mức hưởng thụ văn hóa của người dân giữa vùng thấp và vùng cao còn có sự chênh lệch; thiết chế văn hóa ở những vùng cao còn thiếu thốn, nhiều nơi hình thức hoạt động còn nghèo nàn. Việc cải tạo phong tục tập quán lạc hậu ở một số nơi còn chuyển biến chậm, tính thụ động, tập quán lạc hậu vẫn còn là lực cản cho sự phát triển trên mọi lĩnh vực của tỉnh. Nhiều nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc đã bị mai một, đứng trước nguy cơ bị mai một cao bởi những tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa, mặt trái của nền kinh tế thị trường và thậm chí của sự “phát triển nóng” quá nhanh trong khai thác du lịch.

Để “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”, trong thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, vai trò tham mưu, phối hợp thực hiện của các ngành và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp trong phát triển văn hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chương trình, nghị quyết, các quan điểm, định hướng về phát triển văn hóa.

Thực hiện tốt chính sách đầu tư xây dựng và phát triển các thiết chế văn hoá. Tăng mức chi cho hoạt động sự nghiệp văn hoá. Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa. Tiếp tục đầu tư xây dựng các loại hình thiết chế văn ở cơ sở, trang thiết bị cho các đội thông tin lưu động, các nhà văn hoá… nhằm tạo ra môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân./.

Hà Văn Thắng
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).